“Mua bán động vật hoang dã chỉ tạo cơ hội cho khủng bố phát triển”
Trong vòng 40 năm qua, thế giới đã mất đi 52% các loài đa dạng sinh học trên trái đất. Một trong những nguyên nhân lớn nhất của sự mất mát này là do nạn buôn bán bất hợp pháp xuyên quốc gia, kéo theo sự gia tăng của nạn săn trộm, giết hại các loài mang tính biểu tượng như tê giác, voi và hổ.
Trao đổi với phóng viên VietnamPlus về vấn nạn trên, ngài Ted Osius, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, cho rằng việc vận chuyển động vật bất hợp pháp trên thế giới cũng tương tự với các hoạt động phạm tội khác như buôn người, vũ khí, ma túy qua biên giới đồng thời tạo điều kiện cho các hoạt động khủng bố phát triển.
- Thưa ngài đại sứ, tại sao nạn buôn bán động vật hoang dã đang trở thành vấn đề quan trọng đối với chính phủ Mỹ hiện nay?
Đại sứ Ted Osius: Bảo vệ động vật hoang dã là điều mà Tổng thống Obama luôn dành một sự quan tâm sâu sắc, và tôi cũng vậy. Tôi tin tưởng chắc chắn rằng, mình phải để lại một thế giới tự nhiên phong phú và đa dạng như mình đang được hưởng ngày hôm nay cho thế hệ mai sau.
Tuy nhiên, sự bùng nổ của nạn buôn bán động vật hoang dã gần đây thực sự đang đe dọa đến tương lai này. Tôi thực sự đau xót khi nghĩ tới một thế giới mà tôi có thể sẽ phải để lại cho con cháu của tôi nếu thực trạng này còn tiếp diễn. Đó là một thế giới mà tê giác không còn được bắt gặp trên các cánh đồng cỏ Châu Phi và không còn tiếng gầm trong các cánh rừng trên thế giới.
Câu chuyện này không chỉ dừng lại ở việc bảo vệ động vật hoang dã đang bị đe dọa trên thế giới cũng như nơi ở của chúng ta. Thực tế cho thấy, tội phạm liên quan tới động vật hoang dã đang làm suy yếu nền pháp trị của tất cả các nước, trong đó có Hoa Kỳ và Việt Nam. Điều đáng lo là, hoạt động này đang tài trợ cho các mạng lưới tội phạm.
Các hoạt động mua bán bất hợp pháp động vật hoang dã cũng tạo điều kiện cho các hoạt động khủng bố phát triển. Một số chuyên gia dự đoán, hoạt động buôn bán động vật hoang dã tạo ra khoảng 20 tỉ USD cho các hoạt động phạm tội.
- Giờ đây chính phủ Mỹ đã có một định hướng rõ ràng để đối phó với tội phạm có liên quan tới động vật hoang dã, vậy điều này có ý nghĩa như thế nào đối với Việt Nam - quốc gia được coi nơi trung chuyển của các hoạt động buôn bán động vật hoang dã?
Đại sứ Ted Osius: Như các bạn đều biết, năm nay (2015) chúng ta kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Hoa Kỳ và Việt Nam. Đây là một cơ hội đặc biệt để làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác toàn diện của hai nước.
Trong 20 năm tới, có thể không có lĩnh vực nào có thể đầy tiềm năng cho hoạt động hợp tác gần gũi giữa hai quốc gia như việc giảm tội phạm có liên quan tới động vật hoang dã, bảo vệ môi trường và cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Vì thế, cùng phối hợp hành động, chúng ta có thể tạo nên những thay đổi thực sự và lâu dài cho các vấn đề quan trọng trên toàn cầu.
Đại sứ Hoa Kỳ Ted Osius (giữa), Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát (thứ hai bên trái), Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (thú hai bên phải) và một số tổ chức phi chính phủ tại chương trình “Cùng hành động tạo sự thay đổi" diễn ra sáng 3/3 ở Hà Nội. (Ảnh: HV/Vietnam+)
- Vậy để giảm nhu cầu đối với các hoạt động buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp, Chính phủ Hoa Kỳ sẽ làm gì để có thể “đồng hành” cùng Việt Nam chống lại các hoạt động phạm tội liên quan đến mua bán, vận chuyển trái phép động vật hoang dã?
Đại sứ Ted Osius: Để đạt được điều này, chúng tôi đang đồng bộ các ưu tiên của chính phủ Mỹ với các ưu tiên được nêu ra bởi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng trong Chỉ thị về buôn bán động vật hoang dã được ban hành vào hồi tháng 3/2014.
Cho đến nay, Chỉ thị của Thủ tướng cùng với Kế hoạch quốc gia về chống lại buôn bán bất hợp pháp động vật hoang dã của Tổng thống Obama đã đem lại cơ hội cũng như động lực cho việc thực hiện các hoạt động mạnh mẽ hơn trong việc chống lại tội phạm liên quan. Yếu tố quan trọng trong chiến lược này đó là giảm nhu cầu đối với các hoạt động buôn bán bất hợp pháp.
Đây cũng là lý do chúng tôi phối hợp với các cơ quan của Việt Nam như Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cùng tổ chức chương trình “Cùng hạnh động tạo sự thay đổi” hướng tới việc nâng cao nhận thức của cộng đồng và giảm nhu cầu đối với động vật hoang dã bất hợp pháp.
Chiến dịch này sẽ được tiến hành nhằm tạo ra thay đổi tích cực với hàng triệu người Việt Nam trong những tháng tiếp theo trước khi một sự kiện lớn sẽ được tổ chức vào mùa Thu năm 2015.
- Cho đến nay, Việt Nam vẫn được coi là nơi trung chuyển của các hoạt động mua bán động vật hoang dã trái phép, trong đó người dân là đối tượng dễ bị lợi dụng, lôi kéo vào các hoạt động phạm tội của bọn buôn lậu. Vậy, với vai trò là “đơn vị tiên phong” của chương trình “Cùng hạnh động tạo sự thay đổi,” đại sứ quán Hoa Kỳ sẽ làm gì để “thức tỉnh” người dân, cũng như giảm nhu cầu đối với động vật hoang dã tại Việt Nam?
Đại sứ Ted Osius: Cái này là vấn đề hai mặt, về nguôn cung và cầu. Tôi nghĩ rằng trước hết chúng ta cần phải có những chiến dịch truyền thông hiệu quả, sâu rộng để có thể tác động tới việc giảm nguồn cung. Việc này đồng thời cũng giúp cho các lực lượng bảo vệ luật pháp như công an hay cảnh sát có thể tạo ra áp lực đối với các hoạt động phạm tội.
Với ý nghĩa như vậy, trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục triển khai một số chiến dịch truyền thông thông qua phim và một số hoạt động trên mạng internet để đông đảo người dân có thể tham gia, cùng hành động hướng tới mục tiêu giảm nguồn cung động vật hoang dã bất hợp pháp./.
Xin chân thành cảm ơn ngài đại sứ !
Theo Vietnamplus
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo