Xã hội

“Muốn đi đường tốt phải trả thêm tiền”

Trong khi đa số người dân không đồng thuận thì chuyên gia giao thông lại cho rằng, việc thu phí trên đại lộ Thăng Long theo đề xuất của Hà Nội là hợp lý.

Còn nhiều ý kiến khác nhau về chủ trương thu phí trên đại lộ Thăng Long

Vào đầu năm mới 2014, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu đã gửi văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép được thu phí trên đại lộ Thăng Long để tạo nguồn thu cho hạ tầng giao thông. Nếu chủ trương này được chấp thuận, thì người dân mỗi khi đi qua đại lộ hiện đại nhất Việt Nam này sẽ phải trả thêm một khoản phí nhất định.

Dù chưa có kế hoạch cụ thể về mức thu nhưng chủ trương này đã nhận được sự quan tâm lớn của người dân và xã hội ngay trong dịp đầu xuân mới. Đa số người dân đều tỏ ra ngạc nhiên và phản đối việc thu phí trên đại lộ Thăng Long.
 
“Hàng năm người sử dụng phương tiện ô tô, xe máy đã phải đóng phí bảo trì đường bộ. Bây giờ địa phương lại tính chuyện thu phí để tăng nguồn thu. Việc đề xuất thu thêm khoản phí trên đại lộ Thăng Long có khác nào phí chồng lên phí?” – anh Nguyễn Quốc Đạt (Cầu giấy, Hà Nội) đưa quan điểm.
 
Còn anh Trần Mạnh Hùng (Hai Bà Trưng, Hà Nội ) tỏ ra khó hiểu, vì theo quy định việc xây đường bộ bằng nguồn vốn ngân sách không được phép thu phí, thì Hà Nội lại đang làm ngược lại. “Trong khi các trạm thu phí của nhà nước đang dần được dỡ bỏ thì Hà Nội lại muốn lập trạm thu phí trên tuyến đường được xây dựng từ nguồn vốn ngân sách. Như vậy có khác nào đi ngược lại với chủ trương?” – anh Hùng nêu.   
 
Ngược lại cũng có ý kiến khác tỏ ra đồng thuận với chủ trương trên của thành phố. Bởi đơn giản với những con đường thuộc hàng “cao cấp” như đại lộ Thăng Long, muốn sử dụng phải trả thêm phí cũng là điều dễ hiểu.
 
Trao đổi với phóng viên, chuyên gia giao thông – TS Nguyễn Văn Thụ cho rằng, đây là vấn đề phức tạp và trước tiên cần phải xem xét trên nhiều góc độ.
 
Theo TS Thụ, trong trường hợp đại lộ Thăng Long được đầu tư bằng nguồn vốn xã hội hóa thì đương nhiên phải được thu phí để nhà đầu tư hoàn vốn. Khi nhà nước thu phí đường bộ rồi thì phải trả lại nguồn vốn cho nhà đầu tư.
 
Trên thực tế, tổng nguồn vốn đầu tư của đại lộ Thăng Long là 7.527 tỷ đồng, trong đó vốn từ ngân sách 1.840 tỷ đồng, hơn 5.600 tỷ đồng còn lại thuộc ngân sách của Hà Nội.
 
Trong trường hợp nguồn vốn đầu tư thuộc ngân sách thành phố, theo TS Thụ việc áp dụng thu phí với đại lộ Thăng Long cũng hoàn toàn hợp lý. “Dù vốn đầu tư cho đại lộ Thăng Long thuộc ngân sách của Hà Nội thì cũng là nguồn vốn đi vay. Do vậy phải triển khai thu phí đại lộ này để hoàn vốn cho nhà đầu tư. Mặt khác mức phí trước kia chưa tính đến, giờ tiến hành thu thêm cũng là chuyện bình thường” – TS Thụ nói.
 
Khi đề xuất phương án thu phí, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu cũng nêu rõ, chủ trương thu phí chỉ áp dụng đối với các phương tiện đi trên làn đường cao tốc, còn khi đi trên phần đường gom hai bên sẽ không phải đóng phí.
 
Nhiều ý kiến tỏ ra quan ngại vì khi không thu phí, người điều khiển phương tiện sẽ không đi trên phần đường cao tốc, mà chuyển sang phần đường gom để tránh phí. Từ đó sẽ gây quá tải cho phần đường gom, còn phần đường cao tốc chính sẽ càng trở nên thưa thớt. Như vậy đại lộ Thăng Long sẽ không phát huy tối đa hiệu quả.
 
TS Thụ cho rằng cần phải hết sức cân nhắc, thận trọng với chủ trương này. Bởi trong trường hợp đó, cần phải tính toán xét phần đường gom có đảm bảo yếu tố tải trọng khi các phương tiện ô tô dồn về đó không.
 
Dù không trực tiếp ủng hộ hay phản đối chủ trương thu phí trên đại lộ Thăng Long, song TS Nguyễn Văn Thụ cũng nêu ra một quy luật khi sử dụng đường bộ là “muốn sử dụng đường tốt hơn thì người sử dụng phương tiện sẽ phải nộp thêm tiền”.
InforNet
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo