Xã hội

'Nên dừng gói 34.000 tỷ để làm cách mạng thực sự'

"Vấn đề của giáo dục hiện nay không phải là đổi mới mà gọi chính xác hơn là cuộc cách mạng thực sự. Vì vậy, hãy dũng cảm bỏ hết tất cả và nghiêm túc làm lại từ đầu" - TS Nguyễn Khắc Thuần (Trường ĐH Nguyễn Tất Thành) thẳng thắn.

Theo ông Thuần, việc chi một khoản tiền lớn cần phải cân nhắc. Ngay trong lĩnh vực giáo dục. Bởi không phải “ đổ” tiền ra là có một nền giáo dục hiện đại, phát triển.

“Nên nhớ rằng, người Pháp tới Việt Nam đông nhất là quân đội chứ đội ngũ trí thức chẳng đáng là bao, vậy mà chỉ trong một thời gian rất ngắn, họ vẫn có thể xóa bỏ hoàn toàn nền giáo dục Nho học vốn có từ nhiều thế kỷ và nhanh chóng thay bằng nền giáo dục tân học vốn có cội nguồn trực tiếp từ nước Pháp.
 
Giáo dục không phải đổi mới mà cần một cuộc cách mạng
 
Hãy gạt hết ra ngoài những mục đích chính trị của chủ nghĩa thực dân để nghiêm túc suy nghĩ về cách thức họ làm. Người rất ít, phương tiện rất ít, tiền của cũng rất ít nhưng ai dám bảo hiệu quả là nhỏ đâu”.
 
“Kinh nghiệm thành công dù đến từ bất cứ đâu cũng đều rất đáng quý” - ông Thuần nói.
 
Phân tích về 5 hạng mục công việc của Bộ GD-ĐT để giải ngân cho con số 34.000 tỷ đồng mà Bộ đưa ra, ông Thuần cho rằng tất cả là không hợp lý. Cụ thể:
 
Thứ nhất, việc chi để chương trình tổng thể và chương trình các môn học của 12 lớp; biên soạn SGK, sách giáo viên từ lớp 1 đến lớp 12; tổ chức thẩm định chương trình và SGK là không nên.
 
“Bộ không nên đầu tư ngân sách cho việc viết sách giáo khoa bởi những tác giả giàu kinh nghiệm và bản lĩnh không ai lại nhận tiền để viết sách như thế cả. Tôi cũng là một nhà viết sách, mấy chục năm qua tôi vẫn sống đường hoàng bằng tiền nhuận bút mà có hề nhận bất cứ một xu tài trợ nào của cá nhân hay tập thể . Hơn nữa, có những bộ sách (ví dụ như quá nhiều sách giáo khoa đã từng được xuất bản) không đáng để đầu tư đồng nào ” – lời ông Thuần.
 
Thứ hai, tại sao phải chi một khoản lớn vào thử nghiệm chương trình - SGK mới. Vì tổ chức dạy thí điểm và đánh giá sự hoàn thiện để ban hành cũng không nhất thiết phải đầu tư nhiều vốn bởi vì đến giáo viên mà cũng phải mất quá nhiều thời gian để tập huấn thì sách ấy làm sao có thể dùng cho học trò.
 
Thứ ba, kinh phí dành cho quá trình tập huấn đại trà cũng không cần thiết. Nếu người viết sách hiểu rõ đối tượng sử dụng sách mình là ai, họ chẳng cần ai thay mặt họ tổ chức tập huấn cả. Họ phải trực tiếp chịu trách nhiệm tập huấn ư ? Đó là điều không tưởng.
 
Thứ tư, về trang bị cơ sở vật chất và đồ dùng giảng dạy cho nhà trường là một khái niệm mơ hồ nên không thể quy thành một số vốn cụ thể. Xin hỏi, có ai dám cam kết rằng sau khi thực hiện đề án này, gia đình học sinh trên cả nước sẽ không bao giờ phải đóng những khoản tiền cho nhà trường nữa hay không ?
 
Thứ năm, việc ứng dụng công nghệ thông tin và kênh thông tin truyền thông cho giáo dục và đào tạo cũng là một khái niệm còn rất trừu tượng. Phàm đã là trừu tượng, lấy gì làm cơ sở để tính thành chi phí cụ thể.
 
Ông Thuần cho rằng: “tôi cũng như mọi phu huynh khác, thích mọi việc phải được tính toán chính xác và thuyết phục hơn. Thế nhưng bao trùm lên tất cả vẫn là sự lúng túng và không chuyên nghiệp. Vì vậy dường như niềm tin vào việc đổi mới toàn diện nền giáo dục cũng chỉ là tạm thời…”
 
“Vấn đề của giáo dục hiện nay không phải là đổi mới mà gọi chính xác hơn là cuộc cách mạng thực sự. Vì vậy, hãy dũng cảm bỏ hết tất cả và nghiêm túc làm lại từ đầu” - TS Nguyễn Khắc Thuần thẳng thắn.
Vietnamnet
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo