“Nếu mình không giỏi, hãy tìm người giỏi nhất”
Tại sao từ lĩnh vực ngân hàng, bà lại quyết định chuyển hướng đầu tư vào nông nghiệp, lĩnh vực được cho là rất rủi ro?
Từ trước đến nay, đầu tư vào nông nghiệp thì xác suất rủi ro đúng là khá cao bởi phụ thuộc vào thiên nhiên, lượng vốn đầu tư lớn nhưng thu hồi chậm. Tuy nhiên, chúng tôi đã và đang đi theo cách mà thế giới đang làm: đưa công nghệ cao để giảm thiểu những tác động tiêu cực từ thiên nhiên.
Trong 18 năm điều hành Ngân hàng Bắc Á, chúng tôi đã tư vấn rất nhiều cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ theo hướng phát triển bền vững. Tôi biết đất nước Israel có nhiều điểm tương đồng với mình như thời tiết nóng, bán sa mạc nhưng nhờ áp dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, đã trở thành quốc gia xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp đứng đầu thế giới.
Tôi tự hỏi, đất nước mình có tới 70% dân số làm nông nghiệp, cây cối bốn mùa xanh tươi, cớ gì không thay đổi tư duy trong canh tác?
Tôi lập bảng chấm điểm theo thang điểm 100 ở từng mục và thấy rằng: nếu đất đai thổ nhưỡng Việt Nam được 100 điểm thì họ chỉ 50 điểm, còn toàn bộ quy trình sản xuất bò sữa, họ đạt 100 điểm thì mình không điểm nào.
Vậy, nếu mua toàn bộ quy trình kỹ thuật của họ, tôi có 200 điểm, trong khi họ chỉ có 150 điểm và như thế, cơ hội thành công lớn hơn, nhẹ nhàng hơn. Tôi quyết tâm đầu tư.
Vậy đâu là lý do bà chọn đầu tư vào đàn bò sữa và rau quả mà không phải là bò thịt, lợn, gà… hay sản phẩm nông nghiệp khác?
Tôi còn nhớ, năm 2008, thị trường sữa Việt Nam nhập khẩu tới 92%, chủ yếu là sữa bột. Chắc chắn ai cũng biết, nếu sữa tươi làm đúng quy trình, sẽ tốt hơn bất kỳ loại sữa hoàn nguyên nào, dĩ nhiên ngoại trừ sữa mẹ.
Chưa kể, hiện nay, mỗi năm, nền kinh tế phải bỏ ra một lượng ngoại tệ không nhỏ để nhập khẩu sữa bột, tôi làm sữa tươi sạch còn vì lý do góp phần hạn chế nhập siêu, tiết kiệm ngoại tệ cho đất nước.
Với tư duy như vậy, tôi đã làm báo cáo đề xuất với Chính phủ và UBND tỉnh Nghệ An xin được cấp đất mở trang trại nuôi bò sữa, làm rau sạch tại huyện Nghĩa Đàn, miền Tây Nghệ An.
Trong vòng 18 tháng, từ việc lập dự án, triển khai thực hiện, chúng tôi đã đưa ra thị trường sản phẩm sữa sạch TH True Milk và hiện tại, sản xuất đến đâu, tiêu thụ hết đến đó. Mới đây, khi sang Việt Nam ghé thăm TH Group, ông Shimon Peres, Tổng thống Israel đã nhận xét: “Tôi đi 52 nước trên thế giới nhưng dự án sữa của TH True Milk là ấn tượng nhất. Đây thực sự là cuộc cách mạng trong sữa tươi sạch tại Việt Nam”.
Nhiều người nói rằng: bà đang dùng nguyên liệu nhập khẩu là “kim cương” để cho ra sản phẩm là “vàng” nhưng nay mai, nếu không tự chủ được nguyên liệu sẽ rủi ro lớn, bà nghĩ sao?
Đúng, không ít người cho rằng, chúng tôi nhập khẩu bò, thức ăn, công nghệ 100% nên sữa ngon là phải. Họ còn hoài nghi ở miền Tây xứ Nghệ, thời tiết khô, nóng, thổ nhưỡng không phù hợp nên đàn bò khó mà sinh trưởng bình thường, đồng cỏ khó phát triển… nhưng thử hỏi, cũng con bò ấy, tại sao lại sống được ở vùng bán sa mạc như ở Israel? Rõ ràng, nếu ứng dụng công nghệ cao sẽ khắc chế được phần lớn sự nghiệt ngã của thiên nhiên.
Trước khi tôi về đây, nông trường 19/5 trên bờ vực phá sản, đất đai hoang hóa, lao động thất nghiệp, tôi đề nghị và được Chính phủ cũng như tỉnh Nghệ An đồng ý cho sáp nhập toàn bộ nông trường vào dự án. Gần 1.000 nhân lực trong độ tuổi lao động của nông trường, tôi sử dụng hết và đảm bảo mức lương của họ hiện khoảng 3,2 triệu đồng/tháng.
Toàn bộ số đất khoảng 37 nghìn ha thuộc dự án, chúng tôi chỉ lấy theo lộ trình, quy mô mở đến đâu, lấy đến đấy. Hiện tại, gần 2 nghìn ha đã được phủ kín cỏ Mombasa (giống cỏ nhập khẩu từ Mỹ - PV), cao lương và ngô, hiện cho kết quả rất tốt. Đến nay, mỗi ha đất trong dự án cho giá trị tới 500 triệu đồng/năm, còn nếu cứ để như thời kỳ ở nông trường 19/5 thì giỏi lắm, con số đó không hơn 50 triệu đồng/năm!
Để đàn bò thích nghi với môi trường sống, các chuyên gia Israel đã tư vấn từ khâu thiết kế chuồng trại đến tạo ra những hồ nước xung quanh và nguồn thức ăn, kỹ thuật nuôi, thú y được khép kín, kết hợp với sự tuân thủ quy trình như kỷ luật như “sắt” cho nên, kể cả khi mùa gió Lào ập tới, nhiệt độ trong chuồng bò vẫn thấp hơn bên ngoài tới 5 độ C, không khí rất mát mẻ và đàn bò phát triển rất tốt.
Hiện nay, đàn bò của TH True Milk lên tới 20 nghìn con, trên 10 nghìn con cho sữa, tổng số bê sinh ra tại chỗ trên 7 nghìn con. Dự kiến, đến 2013, tổng đàn bò lên tới 45 nghìn con và lúc đó, sẽ ngừng nhập khẩu bò.
Bò của tôi không có “F” nào hết, có nghĩa không phải lai tạo mà hoàn toàn thuần chủng do được phối giống từ tinh trùng gốc đưa từ nước ngoài về.
Nhiều người nghi ngờ khả năng quản lý khi trong cùng một thời điểm, TH Group ôm đồm nhiều dự án từ bò sữa đến rau, dược liệu, y tế, bà nghĩ sao?
Tư duy của tôi là: mình không giỏi về sữa thì hãy tìm một người nào đó giỏi nhất trên thế giới để họ tư vấn cho mình làm, và tôi đã chọn các chuyên gia từ Israel.
Chọn bò sữa, tôi đấu tranh tư tưởng rất nhiều vì trước đó, nhiều chương trình bò sữa đã thất bại mà lý do chính là sản xuất manh mún lạc hậu, thiếu quy trình hẳn hoi; hoặc có quy trình đầy đủ nhưng thực hiện thì “tắt ngang, tắt ngửa”.
Vì thế, khi đầu tư, tôi xây dựng bốn cụm trang trại, mỗi cụm có ba trang trại. Trong mỗi cụm, có giám đốc phụ trách, phó giám đốc, chuyên gia trồng trọt, chuyên gia thú y. Tất cả đều thuê người của Israel, thậm chí, cả nông dân tôi cũng thuê từ Israel sang lao động trong một thời gian dài để tạo nên tính tuân thủ cho lao động của mình.
Ngoài ra, tôi còn thuê hai công ty: một công ty của Israel quản trị đàn bò, một công ty của New Zeland quản trị thú y kèm theo một chương trình quản trị tài chính của Đức. Một lạng rau, lạng cỏ cũng không bị thất thoát! Tôi nghĩ, công nghiệp hóa trong sản xuất nông nghiệp chính là chỗ đó.
Việc tiếp theo là triển khai dự án sản xuất rau. Với lượng phân từ đàn bò, tôi sẽ sản xuất phân vi sinh và nhờ nguồn nước dồi dào, tinh khiết từ sông Sào, tôi đủ sức làm rau sạch. Bốn tháng nữa, tôi sẽ có thêm rau sạch bán ra thị trường cho dân ăn và xuất khẩu sang Nhật.
Tôi cũng đang triển khai một trung tâm đào tạo nghề liên kết với Israel, đáp ứng nhu cầu nhân lực tại chỗ và cung cấp cho các dự án khác trong khu vực. Tôi cho rằng, đầu tư vào nông nghiệp là hướng đi đúng đắn nhưng phải biết áp dụng công nghệ “đầu cuối” của thế giới.
Nhảy vào kinh doanh ở một lĩnh vực có nhiều cạnh tranh, bà ứng xử như thế nào nếu bị săm soi?
Tôi nghĩ, trên thương trường không bao giờ tránh khỏi cạnh tranh, thậm chí rất quyết liệt. Tuy nhiên, chúng tôi đều có một sân chơi chung là thị trường và người tiêu dùng. Phương châm ứng xử của tôi là có giữ được chữ “tâm” thì sản phẩm mới tốt, mới sạch, cạnh tranh mới lành mạnh. Và nếu có ai đó “ghét” tôi như anh nói thì chẳng qua vì họ chưa hiểu mình.
Nhưng nhìn ở góc độ quản lý, để tạo một sân chơi công bằng, tôi rất mong hai bộ Công Thương và Y tế cần phối hợp với nhau để ban hành một bộ chỉ tiêu bắt buộc đối với sản phẩm sữa. Theo đó, trên bao bì, nhãn mác, phải đăng ký và thông tin đầy đủ thành phần nguyên liệu đầu vào. Nếu sữa “hoàn nguyên” thì nói là “hoàn nguyên”, sữa ở trang trại nào phải nói rõ trang trại đó, mua sữa của nông dân cũng phải nói là mua của nông dân.
Làm như vậy, một mặt đảm bảo đưa sản phẩm sữa trên thị trường đi vào quy chuẩn và nề nếp; mặt khác, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng.
Theo VnEconomy
End of content
Không có tin nào tiếp theo