“Nhích từng mét” tại hầm vượt sông Sài Gòn
Tháng 11/2011, hầm Thủ Thiêm - hầm vượt sông hiện đại nhất Đông Nam Á và toàn bộ đại lộ Đông - Tây được thông xe, không chỉ người dân Sài Gòn vui mừng, mà cả nước cũng phấn khởi.
Tuy nhiên, theo từng năm, lượng xe cộ lưu thông ngày càng nhiều hơn, nhất là vào giờ cao điểm sáng và chiều. Khoảng 1 năm trở lại đây, tình trạng kẹt xe đến mức “không thể nhúc chích” giữa dòng người trước hầm Thủ Thiêm diễn ra thường xuyên, khiến hàng nghìn phương tiện qua lại khó khăn.
“Sáng và chiều nào qua hầm vào giờ cao điểm, hai đầu hầm đều chật cứng, xe máy chen chúc nhau, bên trong cũng phải di chuyển chậm cộng khói xe nên người rất mệt mỏi. Càng ngày chúng tôi càng ám ảnh mỗi khi qua hầm Thủ Thiêm vào giờ này”, anh Khoa (phường Bình Trưng Đông, quận 2) than.
Vào giờ cao điểm, hàng chục nghìn phương tiện hướng từ các quận 9, 2, Thủ Đức, cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây cùng lúc lưu thông vào đại lộ Mai Chí Thọ chạy qua hầm Thủ Thiêm.
Tại hai đầu hầm, lực lượng CSGT, nhân viên Trung tâm Quản lý đường hầm sông Sài Gòn luôn túc trực cùng các phương tiện di chuyển như xe máy, xe kéo chở theo rào chắn để sẵn sàng ứng cứu, điều tiết xe cộ. Một nhân viên cho biết, vào giờ cao điểm sáng và chiều, 3-4 người luôn phải điều tiết trước cửa hầm để xe máy đi vào đúng làn đường, không chạy vào làn dành cho ôtô, tránh gây tai nạn đáng tiếc.
Theo quy định, ôtô lưu thông với tốc độ 60 km/h, khoảng cách giữa 2 ôtô khi lưu thông qua hầm là phải trên 30m. Nhưng nhiều tài xế không tuân thủ khoảng cách này, nhất là vào thời điểm đông xe cộ.
Thời gian qua, nhiều sự cố về giao thông đã xảy ra từ trong lẫn ngoài công trình. Những sự vụ tai nạn xảy ra chủ yếu như phương tiện chạy quá tốc độ cho phép, tông đuôi nhau liên hoàn từ 2-5 xe, lao dải phân cách, chết máy, xe tải lật, tông người làm vệ sinh hầm… gây rất nhiều khó khăn cho lực lượng chức năng, ảnh hưởng đến giao thông khu vực này nhiều giờ. Theo Zing.vn
Theo Trung tâm quản lý đường hầm sông Sài Gòn, trong năm 2016 có hơn 12,7 triệu lượt ôtô qua hầm (tăng 35,5% so với năm 2015) và hiện bình quân mỗi ngày có khoảng hơn 220.000 xe máy qua lại, tăng 10% so với năm 2016.
Trung tâm này lý giải, do kể từ khi đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây được kết nối với đại lộ Đông - Tây qua nút giao thông An Phú, quận 2. Xe máy cũng được di chuyển khoảng 4 km từ quận 9 qua quận 2 vào đại lộ Mai Chí Thọ trên đoạn cao tốc này. Tuyến đại lộ cũng là lựa chọn chủ yếu của người dân TP.HCM lưu thông qua hầm để ra vào trung tâm thành phố.
Bên cạnh đó, nhiều năm qua khu vực phía đông các dự án bất động sản mọc lên rất nhiều, thu hút một số lượng lớn cư dân tới đây sinh sống.
Hầm Thủ Thiêm (hạng mục quan trọng nhất trong dự án Đại lộ Đông – Tây) là công trình hầm dìm vượt sông đầu tiên của Việt Nam, lớn và hiện đại nhất khu vực Đông Nam Á. Dự án trọng điểm này nằm trên tuyến đại lộ đông - tây nối quận 2 với quận 1 và ngược lại, được thông xe vào ngày 20/11/2011.
Bên cạnh việc giải toả áp lực cho cầu Sài Gòn, tuyến đường mới qua hầm rút ngắn thời gian từ trung tâm thành phố về các tỉnh miền Tây lẫn miền Đông, tạo nền tảng phát huy giao thương liên tỉnh. Công trình góp phần lớn trong việc tạo thành mạng lưới giao thông khá hoàn chỉnh ở phía đông thành phố, giảm áp lực cho giao thông trung tâm và là động lực phát triển Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
End of content
Không có tin nào tiếp theo