Thị trường

“Nông dân phải trồng vải, cứ trồng lúa mãi thì không thể giàu được”

Theo GS. Võ Tòng Xuân, người nông dân nên chuyển đổi cơ cấu cây trồng, trồng những cây có thế mạnh ở địa phương. Nếu người dân cứ trồng lúa mãi thì không thể giàu được, hãy trồng vải, nhãn, xoài, chôm chôm, vú sữa...

Người nông dân nên chuyển đổi cơ cấu cây trồng - Ảnh minh họa.

 

Mới đây, Cục Bảo vệ Thực vật cho biết, Cơ quan Kiểm dịch Động, thực vật của Mỹ đã đồng ý cấp 10 mã số đầu tiên cho các vùng trồng vải, nhãn đủ điều kiện xuất khẩu vào thị trường Mỹ tại khu vực phía Bắc Việt Nam.

 

Theo đó, tỉnh Bắc Giang có 6 mã số (60ha), Hải Dương có 2 mã số (20 ha) và Hưng Yên có 2 mã số trồng nhãn (20 ha).

 

Đây là bước đầu tiên trong quá trình đưa một loại trái cây tươi vào Mỹ. Để được cấp mã số, vùng trồng nhãn, vải phải được canh tác trên cơ sở tiêu chuẩn VietGAP nhưng có kiểm soát của Cục Bảo vệ thực vật Việt Nam. Chẳng hạn, phải bọc trái trước khi thu hoạch tối thiểu 3 tuần, không được sử dụng nhóm thuốc bảo vệ thực vật mà Mỹ cấm.

 

Sau khi được cấp mã số vùng trồng, trái nhãn, vải tươi của Việt Nam phải được đóng gói tại nhà máy đạt tiêu chuẩn của Mỹ và chiếu xạ để diệt ruồi đục quả trước khi xuất khẩu vào Mỹ.

 

Để làm rõ hơn cơ hội và thách thức của Việt Nam khi xuất khẩu vải, nhãn vào thị trường Mỹ, PV Một Thế Giới đã có cuộc trao đổi với GS. Võ Tòng Xuân về vấn đề này.

Thưa ông, ông đánh giá thế nào trước thông tin Mỹ cấp 10 mã số cho 3 tỉnh Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Giang để đưa trái vải, nhãn vào thị trường của họ?

 

Đây là một tín hiệu đáng mừng cho đồng bào miền Bắc, nhất là người dân vùng Lục Ngạn (Bắc Giang) và Thanh Hà (Hải Dương). 

 

Cây vải sẽ mở ra triển vọng phát triển kinh tế vùng đồi ở miền Bắc, vì miền Nam không thể trồng được loại cây này. Nếu chúng ta có thị trường đầu ra tốt và ổn định thì nên mở rộng diện tích, thay thế dần những cây trồng truyền thống không mang lại nhiều giá trị.

 

Trồng cây lúa thì không bao giờ có thể giàu được, phải chuyển đổi cơ cấu cây trồng, trồng những cây có thế mạnh ở địa phương. Hiện nay chúng ta đã có thị trường tiêu thụ ổn định và tương lai sẽ còn được mở rộng hơn nữa. 

 

Ở Hải Dương dường như có chất gì đó trong đất, trong khí hậu mà vải ở đó ngon nhất. Thay vì trồng lúa thì có thể trồng thêm cây vải thiều để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mang lại nguồn thu nhập cao cho nông dân.

 

Ngoài cây vải ra thì xoài, chôm chôm, vú sữa, đu đủ…đều có thể xuất khẩu sang thị trường Mỹ, bởi những loại hoa quả này khí hậu Mỹ trồng không được, nên họ rất cần. Chúng ta sẽ có thêm nhiều lợi nhuận khi sản phẩm của chúng ta có mặt ở một thị trường rộng lớn và tiềm năng như Mỹ.

 

Tuy nhiên, chúng ta cũng phải đối mặt với nhiều thách thức về chất lượng, mẫu mã của sản phẩm. Theo đó là sự cạnh tranh rất khốc liệt của nhiều nước như Thái Lan…

 

Để giữ được thị trường khó tình này, ông có lời khuyên nào muốn gửi đén bà con nông dân?

 

Tôi muốn khuyên bà con phải tuân theo quy trình VietGap, không sử dụng những loại thuốc kích thích, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc bảo quản mà họ đã cấm sử dụng, bởi họ rất quan tâm đến sức khỏe của dân. 

 

Điều này buộc người dân phải thay đổi cách thức làm nông nghiệp dễ dãi và sử dụng tràn lan các loại thuốc bảo vệ thực vật, chất bảo quản từ Trung Quốc như trước kia.

 

Tuy thế nhưng chúng ta cũng phải xử lý trái vải để loại bỏ vết thâm đen, trông quả vải phải đẹp đẽ, đỏ hồng thì thị trường của họ mới ưa chuộng. Nếu làm được như vậy thì chúng ta mới có thể cạnh tranh được, chứ không họ sẽ trả lại ngay. Lúc đó, chúng ta sẽ mất uy tín và trong những mùa vụ sau sẽ khó khăn hơn rất nhiều.

 

Bên cạnh đó, bà con nông dân cần phải tiếp thu những kĩ thuật chăm sóc mới cho cây vải để cây đạt được chất lượng tốt nhất. Để làm được điều này thì cán bộ nông nghiệp, khuyến nông có vai trò rất quan trọng trong việc hướng dẫn người dân, phân tích để người dân hiểu và chăm sóc cây đúng quy trình.

 

Thủ tục hành chính cũng cần phải được tinh giản để thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp xuất khẩu, lưu thông hàng hóa trong thời gian nhanh nhất, bởi đây là mặt hàng không để được lâu.

 

Từ trước đến nay, các loại vải, nhãn của Việt Nam thường hay xuất khẩu sang Trung Quốc và chịu ép giá rất nhiều. Theo ông, nếu chúng ta đổi hướng xuất khẩu sang thị trường Mỹ thì liệu có thể thoát khỏi tình trạng này?

 

Xuất khẩu trái vải vào thị trường Mỹ thì tôi tin rằng chúng ta bán được giá cao hơn nhưng thị trường cũng khó tính hơn nhiều. 

 

Giá cao thì chi phí bỏ ra cũng không phải nhỏ. Còn thị trường truyền thống Trung Quốc thì gần gũi, dễ tính và vận chuyển cũng thuận lợi hơn nhưng lợi nhuận cũng không cao.

 

Ở thị trường Mĩ cũng không xảy ra tình trạng ép giá bởi họ có quy định rất rõ ràng, còn mua bán với người láng giềng Trung Quốc thì phải cẩn trọng. Tuy nhiên, nếu so sánh hai thị trường thì thị trường Trung Quốc vẫn là thị trường lớn nhất của người nông dân trồng vải.

 

Xin cảm ơn ông!

Theo một thế giới
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo