“Phá băng” quan hệ Nhật Bản - Myanmar
Sau khi thực hiện tiến trình cải cách dân chủ, Myanmar trở thành “mảnh đất hứa” đối với nhiều nhà đầu tư nước ngoài.
(VOV) Vào cuối tuần trước, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã kết thúc chuyến công du kéo dài ba ngày tới Myanmar. Chuyến thăm này đã mở ra những cơ hội làm ăn béo bở cho các doanh nghiệp Nhật Bản tại quốc gia Đông Nam Á này và nhờ vậy có thể giúp vực dậy nền kinh tế đang trì trệ của Nhật Bản, đồng thời tách dần Myanmar ra khỏi tầm ảnh hưởng của nước láng giềng Trung Quốc.
Không giống các nước phương Tây, Nhật Bản vẫn duy trì quan hệ thương mại và đối thoại với Myanmar trong những năm giới quân sự nắm quyền điều hành chính phủ ở quốc gia Đông Nam Á này. Theo Tokyo, việc sử dụng các biện pháp cứng rắn với Naypyidaw cũng đồng nghĩa với việc đẩy Myanmar tiến sâu hơn vào quỹ đạo ảnh hưởng của quốc gia khác.
Kể từ khi Naypyidaw mở cửa cho đầu tư nước ngoài vào cuối năm 1988 cho đến tháng 3/2013, tổng số vốn đầu tư của Nhật Bản tại quốc gia Đông Nam Á này đạt 270,283 triệu USD, đứng thứ 11 trong số các nước đầu tư vào Myanmar. Năm 2012, kim ngạch thương mại giữa hai quốc gia châu Á này đạt hơn 1,4 tỷ USD.
Bên cạnh đó, kể từ năm 1970 đến tháng 4/2012, Nhật Bản đã cho Myanmar vay hơn 502 tỷ yên (khoảng 5 tỷ USD). Hôm 30/1/2013, Bộ Tài chính Nhật Bản thông báo Tokyo đã xóa bỏ khoản nợ trị giá 127,4 tỷ yên (trên 1,2 tỷ USD) và dự định sẽ xóa bỏ khoản nợ 176,1 tỷ yên (trên 1,7 tỷ USD) trong vòng một năm tiếp theo. Myanmar sẽ phải trả khoản nợ còn lại trị giá 198,9 tỷ yên (1,9 tỷ USD) thông qua các khoản vay bắc cầu từ các ngân hàng thương mại Nhật Bản.
Mặc dù duy trì quan hệ với Myanmar nhưng ở một mức độ nào đó, mối quan hệ giữa Nhật Bản với quốc gia Đông Nam Á này vẫn bị “đông cứng” do sự khác biệt về hệ tư tưởng và do ảnh hưởng quá lớn của Trung Quốc ở Myanmar.
Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, nhất là kể từ khi chính quyền của Tổng thống Thein Sein bắt đầu tiến trình cải cách dân chủ vào năm 2011, Myanmar đã nổi lên thành “mảnh đất hứa” đối với nhiều nhà đầu tư nước ngoài. “Mảnh đất hứa” này có nguồn nhân lực dồi dào, chi phí nhân công cực thấp và nguồn tài nguyên khoáng sản vô cùng phong phú. Bên cạnh đó, với dân số hơn 65 triệu người, Myanmar cũng là một trong những thị trường giàu tiềm năng mà các doanh nghiệp nước ngoài không thể bỏ qua.
Vì vậy, Thủ tướng Abe đã quyết định có chuyến thăm “phá băng” tới quốc gia Đông Nam Á này. Đây là vị thủ tướng đầu tiên của Nhật Bản tới thăm Myanmar kể từ sau chuyến thăm của cựu Thủ tướng Takeo Fukuda vào năm 1977. Phát biểu với báo giới trước khi tới Myanmar, ông Abe khẳng định Tokyo sẽ hỗ trợ tiến trình cải cách của Naypyidaw thông qua việc trợ giúp lĩnh vực công và tư nhân của nước này.
Bùi Hùng
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo