Thị trường

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: “DNNN không lạm dụng từ tái cơ cấu”

“Đề án tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước phải hướng tới hai mục tiêu “kép”, đồng thời không được lạm dụng từ tái cơ cấu, chỉ doanh nghiệp nào có khả năng phục hồi mới tái cơ cấu, không thì phải xử lý luôn”.

Chỉ đạo trên được Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đưa ra tại cuộc họp với đại diện các bộ ngành về đề án tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, ngày 20/1.

Gợi ý cho Bộ Tài chính bổ sung, hoàn thiện Đề án, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị cơ quan này phân tích sâu hơn kết quả của quá trình tái cơ cấu DNNN thời gian qua để nhận định rõ những nhược điểm, các mục tiêu không đạt được để tập trung khắc phục trong thời gian tới, như tỷ lệ vốn nhà nước nắm giữ còn nhiều, vấn đề sắp xếp DNNN hoạt động trong các lĩnh vực trọng yếu của nền kinh tế, hay việc nâng cao hiệu quả hoạt động, năng suất lao động, hàm lượng khoa học kỹ thuật, sức cạnh tranh của DNNN.

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì cuộc họp ngày 20/1.

“Đề án phải hướng tới hai mục tiêu “kép” là xử lý tồn đọng, yếu kém của hoạt động tái cơ cấu trong giai đoạn 2011 - 2015 và nâng cao hiệu quả hoạt động, sức cạnh tranh của DNNN”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh, báo KTĐT đưa tin.

Phó thủ tướng cũng lưu ý, tới đây tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước sẽ được thực hiện theo hệ thống dọc nên việc phân cấp, phân quyền phải thể hiện rõ ràng, gắn kết chặt chẽ với việc xử lý các doanh nghiệp, dự án yếu kém.

Theo tin tức trên tờ Thời báo Kinh tế Việt nam, ngoài mục tiêu kép tổng quát, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đồng tình với các bộ về việc đề án cần đặt ra các mục tiêu định lượng cụ thể hơn như cổ phần hóa bao nhiêu doanh nghiệp, số lượng vốn nhà nước bán ra, tỷ lệ vốn nhà nước tại doanh nghiệp tới năm 2020 dự kiến còn bao nhiêu %, tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu...

Phó Thủ tướng cũng nhắc Bộ Tài chính quán triệt chủ trưởng của Đảng là “không lạm dụng từ tái cơ cấu, DNNN nào có khả năng phục hồi mới tái cơ cấu, không thì phải xử lý luôn”.

Phó Thủ tướng yêu cầu Đề án cũng cần làm rõ các giải pháp huy động nguồn lực thị trường tham gia tái cơ cấu DNNN; phân công, phân quyền rõ ràng cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp, các Bộ, địa phương trong quyết định các vấn đề liên quan tới tái cơ cấu DNNN, nhất là các vấn đề liên quan tới lao động dôi dư, đất đai.

 

Nên đọc
Trung Hùng (Tổng hợp)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo