“Quẫy cựa” với lãi suất: Bơm thuốc “tăng lực” cho DN
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình:
Tín hiệu vui từ CPI
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1 tăng dưới 1%, là mức tăng thấp nhất trong vòng ba năm trở lại đây và tháng thứ sáu liên tiếp CPI ở mức dưới 1%. Đây là nền tảng cho kỳ vọng giảm lạm phát trong năm nay, lãi suất trần huy động sẽ giảm từ 14% xuống còn 10% nếu lạm phát kiềm chế ở một con số.
Tuy nhiên, còn một vấn đề khiến Ngân hàng Nhà nước băn khoăn trước khi cho giảm lãi suất là vấn đề thanh khoản ở các ngân hàng. Đây là câu chuyện lớn và nóng bỏng đối với các ngân hàng. Ngân hàng Nhà nước sẽ tập trung xử lý thanh khoản ở các tổ chức tín dụng, tạo tiền đề vững chắc giảm lãi suất trong năm 2012.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng tập trung vốn cho vay sản xuất, kinh doanh đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đồng thời, ngân hàng cần có chính sách ưu tiên cho lĩnh vực phát triển nông thôn. Ngoài ra, doanh nghiệp nên tận dụng tối đa nguồn vốn sẵn có và hạn chế việc đi vay ngân hàng để sản xuất, cố gắng duy trì sản xuất để vượt qua giai đoạn này. Chỉ có doanh nghiệp nào không đủ điều kiện mới không vay được vốn.
Tập trung vào sản phẩm có khả năng tăng trưởng, tiêu thụ nhanh để thu hồi vốn sớm là một trong những chiến lược của DN khi lãi suất cho vay còn ở mức cao. Ảnh: CTV
TS Cao Sĩ Kiêm, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia:
Chờ gói kích thích kinh tế
Năm 2011 đã có khoảng 49.000 doanh nghiệp phải phá sản, dự kiến nếu lãi suất chưa giảm thì số doanh nghiệp phá sản sẽ tăng thêm. Trước mắt, ngoài chính sách giảm, giãn thuế thì Chính phủ nên có những biện pháp hỗ trợ về lãi suất cùng các gói kích cầu tiêu dùng như năm 2010 để kích thích phát triển sản xuất, kinh doanh.
Chúng ta cần phân loại doanh nghiệp và xác định được những doanh nghiệp cần thiết hỗ trợ lãi suất. Để làm được điều này, các bộ, ngành nên phân loại dựa theo việc cấu trúc tài chính, xác định khả năng trả nợ trước cũng như sau khi doanh nghiệp được hỗ trợ lãi suất, đánh giá và so sánh một cách khách quan giữa chính sách hỗ trợ lãi suất và kích cầu tiêu dùng.
Ngân hàng Nhà nước cần quản lý mức trần lãi suất cho vay phù hợp với thực tế khó khăn. Các ngân hàng thương mại cần minh bạch về chính sách cho vay cả về lãi suất, tăng hạn mức và thời hạn cho vay, đảm bảo công bằng, không phân biệt đối xử với các doanh nghiệp. Về chính sách thuế, Bộ Tài chính cần quy định cụ thể về đối tượng, điều kiện miễn giảm thuế, gia hạn nộp thuế đối với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh đang chịu tác động của lạm phát, giá cả tăng cao.
Ông Trương Đình Tuyển, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia:
Năm vấn đề doanh nghiệp cần tập trung
Lãi suất hai năm vừa qua gây quá nhiều khó khăn cho doanh nghiệp, năm 2011đã vượt trên 20%/năm. Trong năm này, nếu lãi suất cho vay hạ được khoảng hai điểm phần trăm thì sẽ có tác động hỗ trợ doanh nghiệp rất lớn.
Về phía doanh nghiệp, cần tập trung vào năm vấn đề. Một, cần rà xét lại kế hoạch kinh doanh gắn với kế hoạch tài chính và sự vận động của dòng tiền. Hai, tập trung vào sản phẩm có khả năng tăng trưởng, tiêu thụ nhanh để thu hồi vốn sớm. Ba, mở rộng thị trường nội địa. Bốn, tìm khả năng tăng xuất khẩu các mặt hàng nông nghiệp trước đây là lợi thế của Thái Lan, xâm nhập thị trường Trung quốc, Hàn quốc, Nhật Bản, thị trường châu Phi, Mỹ Latinh - chú ý Hiệp định thương mại tự do (FTA) vừa được ký kết với Chile.
Cuối cùng là tái cấu trúc doanh nghiệp. Doanh nghiệp cần nhận thức là chiến lược tăng doanh thu lợi nhuận chỉ là kết quả cần đạt đến. Muốn đạt mục tiêu này phải bắt đầu từ chiến lược nâng cao sức cạnh tranh để chiếm lĩnh thị trường, chú ý đào tạo nguồn nhân lực, đổi mới công nghệ để chuẩn bị kế hoạch lâu dài khi kinh tế thế giới vượt qua thời kỳ trì trệ.
TS Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế cao cấp:
Chiến lược “đánh chắc, thắng chắc”
Năm 2012, doanh nghiệp cần làm kiểu “làm chắc, thắng chắc” và theo đuổi chiến lược lâu dài. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa nên hợp tác, liên kết để giảm tối đa về chi phí vận tải, nhà xưởng, thiết bị, nhân lực. Về thị trường, cần liên kết đưa hàng về nông thôn, kiểu doanh nghiệp vận tải + quảng cáo, tiếp thị các sản phẩm cùng chung chuyến hàng. Quan trọng nhất là điều chỉnh kế hoạch kinh doanh theo tín hiệu thị trường. Ngoài ra, doanh nghiệp nên tỉnh táo phải tạm thời đình chỉ hoạt động, tránh kiểu kinh doanh càng làm càng lỗ.
PGS-TS Nguyễn Thị Mùi, Giám đốc Trường Đào tạo nguồn nhân lực của Vietinkbank
Chú trọng thanh khoản
Xử lý vấn đề thanh khoản là điều kiện tiên quyết giải quyết về vốn. Thanh khoản nằm trong tay Ngân hàng Nhà nước. Ngân hàng Nhà nước nên tính kỹ khi đưa ra một quyết định nào về lãi suất. Bởi đó là công cụ để Nhà nước điều tiết tái cấu trúc nền kinh tế sao cho giá thành đồng vốn được đặt đúng chỗ.
Theo PL TPHCM
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 23/1/2025: Chạm đỉnh cao nhất hơn 11 tuần qua
Việt Nam đứng thứ ba về xuất khẩu gạo sang Singapore
Giá nông sản ngày 23/1/2025: Cà phê tăng vọt, hồ tiêu nhích nhẹ
Giá ngoại tệ ngày 23/1/2025: USD phục hồi nhẹ sau chuỗi ngày giảm
Giá heo hơi ngày 23/1/2025: Ổn định trên toàn quốc dịp cận Tết
Thales tiếp tục cung cấp dịch vụ bảo trì cho đội bay của Vietnam Airlines