“Siêu sao ngoại giao”
Với lịch công tác trung bình 1 tháng 2 lần bôn ba ở nước ngoài, bà Hillary Clinton nổi danh là người có năng lượng của một siêu anh hùng. Có lúc 5 ngày, bà thực hiện 5 chuyến viếng thăm chính thức các nước, từ Tây sang Đông.
“Siêu sao nhạc rock”
Cuối tháng 10 năm ngoái chẳng hạn, người ta chứng kiến bà Hillary có mặt ở Paris ngày thứ sáu và qua hôm sau lại có mặt ở Afghanistan. Chủ nhật, bà bay sang Tokyo, thứ hai đến Mông Cổ và thứ ba đến Việt Nam.
Ở mỗi nơi, bà làm việc không biết mệt. Tại Hà Nội, mặc dù bị cảm lạnh ho húng hắng, bà vẫn đến phòng thương mại nói chuyện. Khi không thể kiểm soát được những cơn ho rũ rượi, bà mới chịu dừng lại cám ơn cử tọa đã chịu khó nghe mình và xin tạm biệt “để tiếp tục làm việc khác”.
Gần 4 năm qua, bà Hillary chỉ hủy 2 chuyến công du do bị gãy khuỷu tay hồi tháng 6-2009.
Những chuyến đi của bà luôn luôn có sự đồng hành của báo chí và một dàn trợ lý hùng hậu. Đến đâu, bà cũng thu hút sự chú ý của người dân địa phương. Với 18 năm xuất hiện đều đặn trên các phương tiện truyền thông Mỹ và thế giới trong vai trò đệ nhất phu nhân Mỹ, thượng nghị sĩ và ngoại trưởng cường quốc số 1 thế giới, ảnh hưởng và sự nổi tiếng của bà là chuyện không cần bàn cãi.
Cách đây nửa tháng, bà Hillary được người dân Kosovo đón rước với khẩu hiệu “Hillary, chúng tôi yêu bà!”. Không phải tự dưng mà nhật báo The New York Times mô tả bà giống như một “siêu sao nhạc rock” vì có quá nhiều người ngưỡng mộ. Tạp chí tài chính Mỹ Forbes cũng rất cân nhắc khi xếp bà đứng hạng nhì trong danh sách 10 người phụ nữ có ảnh hưởng lớn nhất hành tinh, chỉ đứng sau Thủ tướng Đức, bà Angela Merkel.
Cũng có mặt trong danh sách 100 nhân vật có ảnh hưởng lớn nhất thế giới của tuần báo Mỹ Time, bà Hillary Clinton được cựu bộ trưởng quốc phòng Robert Gates mô tả là một chính khách hội đủ các yếu tố làm nên một bộ trưởng ngoại giao xuất sắc: mạnh mẽ, không biết mỏi mệt, vui vẻ, kiên trì, thông minh, hiểu biết rộng, luôn tìm thấy cơ hội trong thách thức và khủng hoảng.
Cuối cùng, đó phải là một đồng đội trung thành. Về điểm này, các chuyên gia chính trị ở Washington thừa nhận rằng bà Hillary luôn luôn bảo vệ Tổng thống Barack Obama.
Justin Vaisse, một chuyên gia ở Viện Brooking, nhận định rằng không khó để nhận ra đức tính đó kể từ khi bà Hillary thua cuộc ông Obama trong vòng bầu cử sơ bộ của Đảng Dân chủ hồi năm 2008. Từ đối thủ, bà trở thành đối tác trung thành tuyệt đối với Tổng thống Obama. Tuy vậy, bà vẫn giữ một khoảng cách nhất định với sếp. Gặp nhau mỗi tuần để bàn chuyện quốc sự nhưng bà không bao giờ tỏ ra gần gũi ông Obama như các vị tiền nhiệm.
“Bà ấy là một bộ trưởng ngoại giao rất trung thành và giỏi giang, biết dùng “uy quyền của ngôi sao” để hỗ trợ hiệu quả ông Obama” - ông Vaisse nhấn mạnh. Điển hình là vụ khủng bố tấn công Lãnh sự quán Mỹ ở Benghazi - Lybia khiến nhiều người Mỹ thiệt mạng, trong đó có ông lãnh sự. Vụ này đã trở thành một cơn bão chính trị và ông Obama bị phe đối lập vùi dập không thương tiếc.
Bà Hillary Clinton cũng “rất đời thường” nhảy múa với một ca sĩ nhạc jazz ở Nam Phi
Bà Hillary lập tức nhận trách nhiệm về mình. Sau khi tuyên bố sẽ rút lui khỏi chính phủ (trước khi ông Obama tái đắc cử), bà vẫn nói với phóng viên tờ The Wall Street Journal rằng bà sẽ cố gắng đi tới cùng để giải quyết vụ án vừa kể. Chi tiết này đã dấy lên tin đồn bà Hillary vẫn tiếp tục ở lại với chính phủ ông Obama thêm một thời gian mặc dù bà khẳng định đã quyết tâm “lui về vườn”.
Quyền lực thông minh
Là người đứng đầu Bộ Ngoại giao, bà Hillary đã mang lại nhiều điều mới mẻ trong chính sách ngoại giao Mỹ. Chẳng hạn, bà dùng “quyền lực thông minh” như một sách lược khẳng định uy quyền và giá trị Mỹ trên toàn thế giới.
“Quyền lực thông minh” là sự kết hợp “quyền lực cứng”, tức sức mạnh quân sự, với “quyền lực mềm”, bao gồm sức mạnh kinh tế, chương trình viện trợ phát triển và chuyển giao công nghệ thông qua sự liên kết, hợp tác ở mọi cấp bậc. Bà Hillary cũng là ngoại trưởng Mỹ đầu tiên dùng các mạng xã hội như Facebook và Twitter để phổ biến những thông điệp của chính phủ Mỹ, đồng thời khuyến khích người dân các nước dùng nó để gây áp lực với chính quyền.
Bà Hillary đã để lại dấu ấn của mình ngay trong những vấn đề nhỏ như ủng hộ tự do truy cập internet và quyền của người đồng tính. Tại phiên họp Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc tháng 12-2011, bà tuyên bố “đồng tính không có tội” và “quyền đồng tính là nhân quyền”.
Trước một vấn đề nhạy cảm như cái chết của Osama bin Laden, bà đóng vai trò chủ chốt trong việc Nhà Trắng quyết định không công bố hình ảnh thi thể trùm khủng bố này vì “lợi bất cập hại”.
Hồng Lĩnh (Theo Người Lao Động)
End of content
Không có tin nào tiếp theo