Hi-tech

“Sôi” lên với… hàng tồn

Một mẫu điện thoại như BlackBerry Z10 đã ra mắt hơn 1 năm chẳng còn gì mới mẻ về công nghệ, được giảm giá nhiều lần từ mức 17 triệu đồng xuống còn 4,5 triệu đồng. Thế nhưng một phần thị trường cứ “sôi” lên là do đâu?

BlackBerry Z10 dù giảm giá sâu còn 4,5 triệu đồng nhưng không hẳn là rẻ.

Mức giảm giá hơn gấp 3 lần của Z10 cũng chính là nét phác họa về số phận hẩm hiu của đại gia một thời “riêng một góc trời” BlackBerry. Lỗ nặng hơn 5 tỉ USD trong năm 2013, những lô hàng tồn đọng BlackBerry Z10 trong khoảng 1 năm qua từ Châu Âu và Bắc Mỹ được đưa về VN cho dân sành… xài hàng tồn. 

Chẳng có hãng công nghệ nào dại dột đi làm PR cho hàng tồn cả, mà chỉ đơn thuần là giảm giá mạnh để bán cho xong và thu hồi được đồng nào hay đồng nấy. 
 
Nhưng chiêu PR thì đến từ các nhà phân phối hay bán lẻ tại VN, rót vào tai vài người viết cho các trang tin công nghệ và thị trường, hay 1 số phóng viên còn non nớt, rằng BlackBerry đang “cháy hàng”, rằng mẫu điện thoại này đang rất… “nóng”, và thế là những mẫu tin được tung lên mạng và một bộ phận người dùng vội vã tìm mua.
 
Với cấu hình của Z10, mức giá 4,5 triệu đồng chỉ là “mua được” chứ không hề rẻ. Có thể phần nào nỗi nhớ của dân yêu thích BlackBerry được “tưới mát” bằng mức giá bèo bọt so với mức giá không tưởng của hơn 1 năm trước. Cấu hình của Z10 (màn hình cảm ứng 4,2 inch, chip lõi kép 1,5GHz, RAM 2GB, camera chính 8MP…) đã lạc hậu từ lâu và với cấu hình này người dùng hoàn toàn dễ dàng tìm một mẫu điện thoại Android/Windows Phone với màn hình từ 4,5 - 5 inch, có cấu hình mạnh hơn nhưng giá chỉ nhỉnh hơn 4 triệu đồng. 
 
Những lô hàng tồn được chia sẻ để bán tại nhiều quốc gia và khu vực, trong đó lượng máy nhập về thị trường VN chẳng phải là quá nhiều, vì thế việc bán hết để gọi là “cháy hàng” chưa hẳn phản ánh đúng bản chất vấn đề.
 
Khổ là đối với người tiêu dùng, khi bị những thông tin và cách truyền thông a dua thiếu phân tích thấu đáo gây “lung lạc”, họ sẽ không còn đủ kiến thức và sáng suốt để lựa chọn theo nhu cầu tiêu dùng của chính mình nữa. Cho dù phía hãng BlackBerry (RIM) không thừa nhận có làm PR đi nữa nhưng có thể thấy rõ chiêu PR của các nhà phân phối bán lẻ trong dự án xả hàng và thanh lý hàng tồn lần này.
Tình trạng “sôi” lên với hàng tồn thường thấy tại VN bởi nhiều lẽ: Thứ nhất là người tiêu dùng bị một bộ phận giới truyền thông “lung lạc” về thông tin cùng với các chiêu thức PR của những hãng và nhà phân phối, bán lẻ. Thứ hai là người tiêu dùng VN chưa đủ kiến thức nền về thị trường và văn minh tiêu dùng còn thấp. Thứ ba là không ít người còn nặng tính tham của rẻ, cứ nghe nói giảm giá khủng gấp vài lần là lao vào ngay mà thiếu so sánh trên mặt bằng chung…
 
Người dùng vẫn có thể cân nhắc mua BlackBerry Z10 với mức giá trên nhưng chẳng việc gì phải lao ào ạt đến cửa hàng bán lẻ để họ làm hàng làm PR cho một cơn khát giả tạo…
Báo Lao Động
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo