'Soi' sân bay: Cục hàng không lắc đầu vì bất cập
Sau khi tình trạng chậm, hủy chuyến tại các sân bay bị hành khách phàn nàn quá mức và lãnh đạo Bộ GTVT hối thúc, Cục Hàng không đã “ra quân” kiểm soát tình hình.
Cục phó đi “dọn” sân bay
Nhà ga sân bay Tân Sơn Nhất vừa xuất hiện các đội thợ làm nhiệm vụ thu gọn các kiốt bán hàng, quầy làm thủ tục bay. Khu đón khách nội địa cũng mới bỏ một quầy bưu điện để mở thêm cửa cho khách ra vào. Các luồng soi chiếu an ninh tại khu nội địa cũng được thay đổi vị trí cho khách có chỗ đi lại.
Ông Võ Huy Cường, Phó Cục trưởng Hàng không, nói: “Nhà ga đã thoáng, hành khách làm thủ tục nhanh hơn, hy vọng sẽ giảm chậm hủy chuyến”. Ông Cường là trưởng đoàn phụ trách công tác chống chậm hủy chuyến của Cục Hàng không được thành lập ngay sau cuộc họp ở Bộ GTVT hôm 11/7.
Ông Đặng Tuấn Tú, Giám đốc Cảng Hàng không Tân Sơn Nhất cho biết, sân bay chỉ có một đường lăn nên máy bay hay ùn tắc.
Quá trình khảo sát tại 2 sân bay lớn nhất nước hôm qua (15/7), ông Cường và đoàn công tác của Cục Hàng không mới có dịp “soi” từng chi tiết có nguy cơ làm chậm chuyến bay. Sân bay Nội Bài có đến 10 loại xe đẩy hành lý khác nhau (nghe nhân viên ở đây nói, công ty nào muốn quảng cáo cứ cấp xe miễn phí cho cảng nên xe mới lộ cộ, không lồng được vào nhau).
Trong khi đó, sân bay Tân Sơn Nhất chỉ có duy nhất một loại xe nên không xảy ra lộn xộn. Ông Cường nói, tới đây phải có giải pháp chấn chỉnh việc này tại sân bay Nội Bài. Ông Cường cũng yêu cầu các hãng hàng không linh động điều chuyển khách làm thủ tục tại gian hàng phổ thông (thường rất đông) sang khu vực khách thương gia (đang giảm do kinh tế khó khăn).
Chưa tuyên truyền cho hành khách
Cho đến chiều 15/7 (sau 2 ngày tiến hành kiểm soát chậm, hủy chuyến), Cục phó Cường vẫn chưa tập hợp được các nguyên nhân. Ông này cho rằng, cần đánh giá thận trọng để tránh thiên lệch giữa hãng này với hãng kia.
Tuy nhiên, quá trình giám sát, ông Cường trăn trở làm sao để hành khách thấu hiểu và chia sẻ với hàng không. Ví dụ, nếu khách có hành lý ký gửi đã làm thủ tục bay, nhưng đến giờ (bay) chưa xuất hiện, hãng phải tìm bằng được khách (vì lo ngại hành lý vô chủ có thể chứa bom).
Quy định bắt buộc của hàng không là, nếu không tìm được khách phải lục tung hành lý đã xếp trên máy bay để đưa xuống. Lúc đó, chậm chuyến là đương nhiên. “Không ai như ở ta, có khách đến giờ khởi hành cứ vô tư vào quán ăn uống. Bởi vì họ nghĩ, kiểu gì mình cũng được gọi tên vào giờ chót. Thế là chậm”- ông Cường nói.
Theo ông Cường, hiện tượng khách mang theo các chất lỏng, vật sắc nhọn trong hành lý (bị cấm) vẫn xảy ra hàng giờ tại sân bay. Khách mang vật dụng có kim loại (đồng hồ, thắt lưng) không chịu bỏ ra khay khi qua cửa an ninh. Chỉ đến lúc máy dò phát hiện, nhân viên an ninh khám, cả dòng khách bị đình lại.
Từ ngày có hàng không giá rẻ, nhiều người lần đầu có cơ hội đi máy bay, nhưng ngành hàng không và các hãng dường như quên chủ động hướng dẫn cho khách cách đi máy bay.
Một vấn đề cũng đang được đoàn kiểm tra của Cục Hàng không tìm hiểu: Giá dịch vụ ăn uống tại các nhà ga có dấu hiệu tăng.
Trả lời Tiền Phong sao không sớm tiến hành đấu giá cho thuê mặt bằng, GĐ Cảng Hàng không Tân Sơn Nhất Đặng Tuấn Tú nói “sẽ tính”, nhưng lo giá mặt bằng sẽ cao, ảnh hưởng đến hành khách.
Trong khi đó, tại cuộc họp hôm 11/7, người đứng đầu ngành GTVT cho rằng, chỉ có đấu giá cho thuê mặt bằng mới giảm được tình trạng phải “chạy chọt”, dựa vào quen biết để thuê mặt bằng giá rẻ tại nhà ga sân bay - một nơi đang có độc quyền tự nhiên.
Theo Tiền Phong
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống ngành Điện lực Việt Nam (21/12/1954 - 21/12/2024)
Quyết liệt và toàn diện hơn trong tái thiết, phục hồi sau thiên tai
Căn hộ dịch vụ cho thuê thu hút sự chú ý lớn từ các nhà đầu tư
Những dấu ấn nổi bật ngành công thương năm 2024
Giá nông sản ngày 24/12/2024: Cà phê giảm 500 đồng/kg, hồ tiêu đi xuống 1.000 đồng/kg
Giá heo hơi ngày 24/12/2024: Lập đỉnh mới tại miền Bắc, cả ba miền tiếp tục tăng
Cột tin quảng cáo