“Sóng” tỷ giá chỉ là ngắn hạn
Tỷ giá vẫn đang được các ngân hàng điều chỉnh tăng giá bán khiến thị trường lại đặt dấu hỏi về kỳ vọng NHNN sẽ điều chỉnh nốt 1% còn lại trong quota 2% đặt ra hồi đầu năm. Tuy nhiên, giới chuyên gia khẳng định giá USD có “sóng” là do tính thời vụ chứ không phải kỳ vọng điều chỉnh tỷ giá. Vì nếu có điều chỉnh thì là câu chuyện của cuối năm chứ không phải thời điểm này.
Ngày 24/6, giá USD tại các ngân hàng tiếp tục được điều chỉnh tăng. Tại Vietcombank, tỷ giá lúc này là 21.300 - 21.360 đồng, tăng 5 đồng so với cuối ngày hôm trước và tăng 20 đồng so với cùng thời điểm này ngày trước đó.
Vietinbank tăng giá mua vào USD thêm 30 đồng và giá bán ra thêm 35 đồng so với ngày trước đó, lên 21.325 - 21.390 đồng. BIDV nâng giá USD 25 đồng ở cả 2 chiều mua bán, lên 21.325 - 21.380 đồng. Tỷ giá của Techcombank tăng 15 đồng, lên 21.265 - 21.385 đồng.
Tỷ giá của ngân hàng ACB và Eximbank cùng tăng 20 đồng mua vào và 30 đồng bán ra, lên 21.280 - 21.350 đồng. Trong khi tỷ giá USD bình quân liên ngân hàng áp dụng cho ngày 24/6 là 21.246 đồng. Tỷ giá trần cho các NHTM là 21.458 đồng/USD.
Áp lực tăng là nhất thời
Trước đó, ngày 23/6, giá USD cũng được nhiều ngân hàng điều chỉnh tăng thêm từ 5 - 10 đồng/USD so với ngày trước đó. Cùng với đó, diễn biến giá USD trên thị trường tự do cũng được điều chỉnh tăng lên xoay quanh mức 21.370 - 21.380 đồng/USD, ngang với giá bán USD của các NHTM. Giá mua USD cũng được đẩy lên mức 21.320 đồng/USD. Diễn biến này đã khiến thị trường đặt dấu hỏi về kỳ vọng điều chỉnh tỷ giá của NHNN thêm 1%.
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, “sóng” USD hiện nay chỉ trong ngắn hạn vì mang tính thời vụ. Thực tế, thị trường ngoại hối đã không còn bình yên như những tháng đầu năm nữa, vì từ nay đến cuối năm, nhu cầu giao dịch tăng lên nên tỷ giá cũng sẽ có biến động theo cung cầu thị trường. Vì thế, sẽ có thời điểm, giá USD sẽ tăng lên do cầu cao hơn cung, nhưng chỉ trong ngắn hạn, rồi lại trở về trạng thái cân bằng.
Về vấn đề này, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia tài chính, cho rằng biến động tỷ giá sau quyết định điều chỉnh tăng của NHNN chỉ mang tính nhất thời, vì bị tác động một phần bởi tâm lý. “Thực tế, lần điều chỉnh này, NHNN chỉ nhằm hỗ trợ xuất khẩu là chính, chứ cung cầu trên thị trường không có vấn đề gì, dự trữ ngoại hối hiện đang rất cao, NHNN có đủ khả năng để can thiệp”, TS. Lực bình luận.
Từ một góc nhìn khác, một chuyên gia ngân hàng cho rằng “sóng” USD diễn ra trong mấy ngày qua có thể bị áp lực bởi lãi suất VND giảm. Thời gian qua, do khó chi vay ra, nên nhiều ngân hàng đã cắt giảm mạnh lãi suất huy động ngắn hạn xuống dưới 6%. “Điều này khiến cho người gửi VND kỳ ngắn hạn thấy không còn có lợi nhiều như trước trong khi giá USD, vàng đang biến động theo xu hướng tăng. Có thể vì thế mà nhu cầu mua vàng, USD tăng lên, khiến cung cầu USD bị mất cân bằng cục bộ”, vị này bình luận.
Tuy nhiên, chuyên gia này cũng nhấn mạnh, “sóng” này chỉ ngắn hạn thôi vì thực tế, nắm giữ VND hiện vẫn có lợi hơn nhiều kênh khác. “Giả sử tỷ giá từ nay đến hết năm, tỷ giá có tăng thêm 1% mà lãi suất huy động tiền đồng ở mức 5 - 7%/năm thì tôi cho rằng nắm giữ tiền đồng Việt Nam vẫn có lợi hơn”, vị này nhấn mạnh.
Thêm 1% không dễ dàng
Câu hỏi đặt ra hiện nay: liệu NHNN có điều chỉnh thêm 1% nữa trong quota nữa không; nếu có thì bao giờ sẽ điều chỉnh? Về vấn đề này, TS. Lực cho rằng NHNN sẽ phải theo dõi rất sát thị trường để đưa ra quyết định. Tuy nhiên, việc điều chỉnh này sẽ phải được cân nhắc rất kỹ bởi tuy có 1% nhưng nó tác động rất nhiều đến doanh nghiệp sản xuất trong nước và nợ nước ngoài của Việt Nam.
Cùng quan điểm này, một chuyên gia ngân hàng cũng cho rằng nếu có điều chỉnh thì cũng không phải là thời điểm này. Bởi NHNN hiểu rất rõ, nếu điều chỉnh nhanh, dồn dập sẽ tạo ra sóng đầu cơ và kỳ vọng sẽ còn điều chỉnh nữa. Điều này gián tiếp tạo thêm áp lực điều chỉnh tỷ giá.
“Hơn nữa, việc điều chỉnh tỷ giá cũng phải được NHNN cân nhắc kỹ bởi dù hỗ trợ xuất khẩu, nhưng cũng phải không tác động nhiều tới doanh nghiệp sản xuất trong nước, nhất là thời điểm kinh doanh khó khăn như hiện nay. Do vậy, nếu có điều chỉnh thêm 1% thì đây cũng là quyết định không dễ dàng và cũng là câu chuyên của cuối năm chứ không phải thời điểm này”, vị này bình luận.
Theo chuyên gia này, nếu tăng thêm 1% tỷ giá nữa thì doanh nghiệp xuất khẩu tức thì có lợi ngay thêm 1%. Do vậy, dù tiếp cận ở góc độ nào, thì việc điều chỉnh tỷ giá đều giúp cho doanh nghiệp xuất khẩu được lợi và đây là giải pháp hỗ trợ cho xuất khẩu.
“Tuy nhiên, Việt Nam là nước nhập khẩu nhiều và vay nợ nước ngoài lớn, nên việc giữ tỷ giá ổn định là yêu cầu hết sức quan trọng để hạn chế tác động vào giá thành nhập khẩu. Có thể 1% với doanh nghiệp xuất khẩu là không lớn, nhưng với doanh nghiệp nhập khẩu thì lại là cả vấn đề, nhất là những doanh nghiệp dệt may, nông nghiệp do phải nhập khẩu nguyên liệu, thành phẩm về sản xuất”, vị này phân tích.
Về vấn đề này, TS. Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), đồng tình với quan điểm của NHNN là điều hành tỷ giá theo sát 2 biến số quan trọng nhất là tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô, trong đó có mục tiêu quan trọng là kiểm soát lạm phát.
“Dù trong bất kỳ tình huống nào, tôi nghĩ mức điều chỉnh tỷ giá từ nay đến cuối năm không quá 1%. Với tất cả dự báo về các thông số quan trọng như dự trữ ngoại tệ, cán cân thanh toán quốc tế… khả quan, nếu có phải điều chỉnh NHNN sẽ rất chủ động trong điều hành chính sách. Vì vậy, từ nay đến cuối năm, trừ trường hợp mức lạm phát vẫn giảm, XNK khó khăn, có thể NHNN điều chỉnh hết 1% còn lại. Nhưng khả năng này chỉ là 40%. Còn khả năng không điều chỉnh hoặc chỉ điều chỉnh 0,5% cao hơn là 60%”, ông Thành phân tích.
Theo Thời báo Kinh doanh
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 23/1/2025: Chạm đỉnh cao nhất hơn 11 tuần qua
Việt Nam đứng thứ ba về xuất khẩu gạo sang Singapore
Giá nông sản ngày 23/1/2025: Cà phê tăng vọt, hồ tiêu nhích nhẹ
Giá ngoại tệ ngày 23/1/2025: USD phục hồi nhẹ sau chuỗi ngày giảm
Giá heo hơi ngày 23/1/2025: Ổn định trên toàn quốc dịp cận Tết
Thales tiếp tục cung cấp dịch vụ bảo trì cho đội bay của Vietnam Airlines
Cột tin quảng cáo