“Thiên nga đen” trong bầu cử Mỹ
Trắng và đen
Cụm từ “thiên nga đen” mà Đại sứ Roemer đề cập đến không liên quan gì đến bộ phim Hollywood nổi tiếng cùng tên về môn múa ballet do nữ diễn viên Natalie Portmann thủ vai. Nó là tiêu đề quyển sách do tác giả Nassim Nicholas Taleb viết năm 2007, “đánh giá về “khả năng” bền bỉ của người Mỹ trong việc bỏ qua các tác động lớn có thể xảy đến từ những sự kiện bất ngờ”, giống như tâm lý đám đông luôn cho rằng tất cả thiên nga có màu trắng cho đến khi thiên nga đen xuất hiện.
Danh sách “thiên nga đen” tiềm tàng mà Đại sứ Roemer đưa ra bao gồm nguy cơ sụp đổ đồng euro, bất ổn Trung Đông lan rộng, tấn công khủng bố lớn hoặc xung đột lãnh thổ leo thang tại Châu Á...
Chia sẻ nhận định này, chuyên gia độc lập Steve Baas từ Milwaukee cho rằng, “thiên nga đen” hoàn toàn có thể xảy đến với bầu cử Mỹ 2012, sau làn sóng bạo loạn tấn công vào các cơ quan ngoại giao Mỹ ở Trung Đông vừa qua làm 4 nhân viên Mỹ thiệt mạng, bao gồm Đại sứ Mỹ tại Libya Chris Stevens.
Theo ông Baas, không ai có thể biết được liệu những hỗn loạn gần đây tại Trung Đông, điển hình là Ai Cập và Libya, sẽ khiến cử tri xích lại gần Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Mỹ (Tổng thống Obama), hay liệu nó sẽ khiến cử tri tin rằng ông Obama không đủ tài để đảm nhận nhiệm vụ bảo vệ sự an toàn của người Mỹ trong một thế giới nguy hiểm.
Song, nhà phân tích John Quinn - thuộc phe Dân chủ tại Washington D.C - lại cho rằng việc ông Romney công kích buộc chính quyền Tổng thống Obama phải chịu trách nhiệm về vụ tấn công đẫm máu vào các cơ quan ngoại giao Mỹ ở Ai Cập và Benghazi (Libya) đã khiến phe Cộng hòa mất điểm.
Theo chuyên gia Baas, thách thức đối với mỗi ứng viên tổng thống là phải kiểm soát được sự kiện, hơn là bị kiểm soát bởi sự kiện đó. “Ví dụ, thông điệp về cuộc chiến giai cấp và cải thiện cuộc sống cho tầng lớp trung lưu Mỹ đang thắng thế, nhưng một sự kiện “thiên nga đen” bất ngờ xảy đến khiến cho phe tranh cử của ông phải thay đổi đề tài và bàn về an ninh quốc gia.
Điều này sẽ làm lộ điểm yếu của ông Obama và buộc ông phải tranh luận trong lĩnh vực mà ông không có ưu thế và có thể thay đổi cục diện từ thắng thành thua” - ông Baas cho hay.
Song chính trị gia Michael F.Curtin, từ Ohio, lại không tin vào khả năng xảy ra tác động “thiên nga đen” với bầu cử Mỹ.
“Các sự kiện này rất hiếm xảy ra trong lịch sử Mỹ. Ám ảnh “thiên nga đen” gần nhất là vụ khủng bố 11/9/2001, khi nước Mỹ bị al-Qaeda tấn công tại cả New York, Washington D.C và Pennsylvania. Tôi tin rằng những ký ức kinh hoàng về thảm họa 11.9 đã đóng vai trò quan trọng giúp Tổng thống George W. Bush tái đắc cử năm 2004” - ông nói.
Tác động kinh tế
Một vấn đề có thể nằm trong danh sách “thiên nga đen” là kinh tế Mỹ lao dốc. Theo kết quả điều tra dân số mới nhất tại Mỹ, công bố ngày 24.9, tỉ lệ nghèo đói tại 17 bang vẫn tiếp tục gia tăng, đặc biệt trong nhóm trẻ em, người thất nghiệp và những người có thu nhập thấp.
Vấn đề càng nóng hơn sau khi ứng viên Cộng hòa Mitt Romney bị lộ đoạn băng bị quay lén trong một buổi gây quỹ, phàn nàn về việc “47% cử tri là những người không trả thuế thu nhập, sống phụ thuộc vào chính phủ” và nhiệm vụ của ông ta là “không việc gì phải lo lắng cho những người ăn bám này”.
Theo Trung tâm Chính sách thuế, phần lớn nhóm đối tượng “47%” mà ông Romney nhắc đến là người nghèo hoặc người cao tuổi - những cử tri đến nay vẫn thiên về ứng viên Cộng hòa. Việc bị rò rỉ đoạn hội thoại đã khiến tỉ lệ ủng hộ ông Romney giảm xuống 46% so với 51% dành cho ông Obama.
Giáo sư Lenneal Joseph Henderson (Đại học Baltimore) cho rằng chính phủ của ông Obama đã giúp ngăn chặn nước Mỹ rơi vào cuộc suy thoái tồi tệ hơn, nhờ các gói giải cứu kinh tế và miễn thuế cho các doanh nghiệp lớn. “Tổng thống Obama còn nỗ lực lập nên các quỹ bảo hiểm thất nghiệp bất chấp sự phản đối của phe Cộng hòa. Nếu những biện pháp trên không được thực thi, nền kinh tế chắc chắn sẽ sụp đổ ở mức độ còn tồi tệ hơn cuộc đại khủng hoảng thập niên 1930”.
Bà Ann Imse - cựu phóng viên CNN, hiện là biên tập viên mạng tin Colorado Public News - cũng tin rằng Tổng thống Obama sẽ làm nên lịch sử lần nữa khi tái đắc cử vào Nhà Trắng, bất chấp tỉ lệ thất nghiệp đang cao vượt 8%.
“Chưa có tổng thống nào được bầu lại vào Nhà Trắng khi tỉ lệ thất nghiệp trên 7,1%. Nhưng ông Obama sẽ làm nên điều kỳ diệu đó. Cử tri Mỹ vẫn tin ông ấy” - bà Imse nhận định.
Theo Lao Động
End of content
Không có tin nào tiếp theo