"Thiệt" khách TQ: Hà Nội nhận kém Đà Nẵng, sắp chi mạnh
Giám đốc Sở VH-TT&DL Hà Nội thừa nhận du lịch Đà Nẵng có chính sách tổng thể, kiểm soát tình hình tốt hơn Hà Nội.
Kiểm soát tốt hơn
Do tác động của tình hình căng thẳng trên Biển Đông, tháng 6/2014, Việt Nam đón chỉ khoảng 539,7 nghìn lượt khách quốc tế, giảm 19,9% so với tháng 5/2014.
Đây là tháng có số lượng khách quốc tế đến nước ta thấp nhất kể từ đầu năm.
Đáng lưu ý là, số khách Trung Quốc giảm 29,5% so với tháng trước, trong đó khách đến bằng đường hàng không giảm 44,7%. Hơn nữa, khách quốc tế đến Việt Nam qua các cửa khẩu tuyến Trung Quốc cũng giảm 50% so với tháng trước.
Năm 2013, trong số 7,57 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam, riêng Trung Quốc đã chiếm 1,9 triệu lượt, khoảng 25%.
Ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, du lịch Hà Nội cũng không nằm ngoài tình hình trên.
Theo đó, tính đến hết tháng 6/2014, số khách Trung Quốc đến Hà Nội vào khoảng 89-90.000 lượt người, giảm so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong khi đó, dù mất khách Trung Quốc nhưng dường như du lịch của thành phố Đà Nẵng không bị tác động quá nặng nề khi tổng lượng khách đến thành phố vẫn tăng 15,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đánh giá cao thành công của du lịch Đà Nẵng, ông Tô Văn Động cho rằng, Đà Nẵng là thành phố năng động nên họ có chính sách tổng thể hơn, kiểm soát tình hình tốt hơn, các dịch vụ không bị chặt chém.
"Các biện pháp kích cầu du lịch của Đà Nẵng cụ thể hơn Hà Nội. Hà Nội cũng sẽ làm nhưng kế hoạch của thành phố tương đối chặt chẽ, giờ phát sinh đột biến (khách Trung Quốc giảm-PV) nên phải tự giảm cắt, điều chỉnh kế hoạch".
Hàng chục cán bộ xuất ngoại quảng bá du lịch
Để đối phó với tình hình trên, Hà Nội đã tìm kiếm thị trường thay thế thị trường khách Trung Quốc. Ngoài việc thực hiện nghiêm túc các giải pháp của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, từ tuần này Hà Nội đã triển khai chiến dịch tuyên truyền quảng bá Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam.
Ông Tô Văn Động cho biết, Hà Nội đã xác định và định hướng lại thị trường trong thời gian tới để tăng cường xúc tiến, quảng bá. Theo đó, các thị trường tiềm năng mới của Hà Nội gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Đông Âu...
"Hàng năm có khoảng 20 triệu lượt người Nhật Bản đi du lịch, khả năng chi tiêu cao. Khách Nhật Bản chú ý đến cảnh quan văn hóa di sản mà Hà Nội lại có thế mạnh về cái này. Các thị trường khác cũng có tính ổn định, ít biến động về chính trị, chất lượng khách tốt. Đặc biệt, ý thức của khách du lịch Nhật, Hàn Quốc, Nga... hơn hẳn người Trung Quốc", Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội phân tích.
Từ đây, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội sẽ định hướng các doanh nghiệp du lịch xây dựng và nâng cấp các sản phẩm du lịch cho phù hợp. Ngoài ra, Thành phố tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền quảng bá, xúc tiến.
"Chúng tôi đã có kế hoạch cả rồi. Tháng 8 đi 5 nước Đông Âu, tháng 10 đi Nhật Bản, sau Nhật Bản lại đi Hàn Quốc.... Đây là kế hoạch lớn, phải làm quyết liệt", ông Động cho biết.
Theo ông Tô Văn Động, kinh phí cho công tác quảng bá du lịch Thủ đô bao giờ đi mới tính, tuy nhiên ông dự đoán con số này cũng không nhỏ.
"Chuyến đi của chúng tôi có 2 nhiệm vụ, vừa tuyên truyền quảng bá cho văn hóa Hà Nội vừa xúc tiến du lịch. Hàng chục cán bộ sẽ tham gia chuyến công tác này. Đi 5 nước Đông Âu chúng tôi lo tiền vé máy bay và công tác chuẩn bị, còn lại liên hệ với phía bên kia để họ lo chi phí ăn ở cho đoàn và lo các chương trình. Đặc biệt, chúng tôi đã ký hợp tác với hàng không khu vực miền bắc để lấy giá máy bay giá rẻ, hỗ trợ cước phí đạo cụ".
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội tỏ ra lo lắng bởi năm nay Sở phấn đấu hơi cao.
"Theo kế hoạch đăng ký với Thành phố là 2,8 triệu lượt khách, nhưng thực tế chúng tôi phải đón 3 triệu lượt, so với cùng kỳ năm ngoái phải tăng 20%. Nếu theo kế hoạch thì không sợ, kể cả khách Trung Quốc có giảm, nhưng còn 200.000 lượt khách nữa, vì thế bây giờ phải quyết tâm".
Báo Đất Việt
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo