“Tiền Trường Sơn” - hiện tượng độc đáo trong lịch sử tiền tệ
Năm 1959, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng quyết định mở tuyến vận tải chi viện chiến lược cho phong trào cách mạng miền Nam. Đến cuối cuộc chiến, đường Trường Sơn có tổng chiều dài đường vận tải bộ và hành quân cơ giới gần 17.000 km, gồm nhiều trục dọc, trục ngang ở cả Đông và Tây Trường Sơn.
Khi ấy, bộ đội vào Nam chiến đấu vẫn được hưởng các chế độ lương và sinh hoạt phí như các đơn vị ở miền Bắc, nhưng không thể đưa tiền mặt vào Nam giới tuyến. Vì vậy, việc bảo đảm đầy đủ quyền lợi cho cán bộ và chiến sĩ, việc thanh quyết toán với cấp trên, tránh trùng lĩnh, trùng phát là rất khó khăn.
Nhận thấy những bất cập trong việc lĩnh các chế độ của cán bộ chiến sỹ đi B, trên cơ sở đề xuất của Bộ Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn về việc thanh toán chế độ qua các phiếu bách hóa, Cục Tài vụ (Bộ Quốc phòng) đã phối hợp với Ngân hàng Nhà nước tổ chức in và đưa vào lưu thông trong lực lượng bộ đội Trường Sơn ở phía Nam sông Bến Hải loại “tiền Trường Sơn”.
Tiền Trường Sơn có 4 mệnh giá, kích thước 3,5 x 7,3 cm (loại 1 đồng), 4 x 8,1 cm (loại 2 đồng), 4,5 x 9,1 cm (loại 5 đồng), 4,9 x 10,1 cm (loại 10 đồng). Mặt trước in hoa văn tương đối dễ nhìn, phía trên có chữ Trường Sơn, bên dưới là chữ Phiếu bách hóa, dưới cùng là số mệnh giá, mặt sau để trống.
Trong hồi ức của mình, Thiếu tướng Phan Khắc Hy, nguyên Phó Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn khẳng định, việc đưa tiền Trường Sơn vào lưu thông như một hình thức thanh toán đã tạo rất nhiều tiện lợi, giúp các đơn vị tiết kiệm được thời gian, đơn giản hóa các thủ tục chứng từ, tem phiếu, sổ theo dõi của cả hai bên xuất và nhập hàng. Đặc biệt, các đơn vị, bộ phận hậu cần đã tiết kiệm được nguồn nhân lực đáng kể, giảm chi phí kho lán ở từng đơn vị, do đó hạn chế thương vong cho cán bộ, chiến sĩ trên đường đi phân phối nhu yếu phẩm.
“Tiền Trường Sơn đưa vào sử dụng không chỉ rất thuận lợi trong chi tiêu, mà còn giảm được việc gùi thồ mang vác hàng hóa, vật dụng cá nhân cồng kềnh. Khi có tiền Trường Sơn là có thể mua các mặt hàng nhu yếu phẩm như thuốc lào, kẹo bánh ở các cửa hàng bách hóa tại các binh trạm dọc đường. Đó là dấu ấn khó phai, gắn liền trong một giai đoạn lịch sử đầy khó khăn trên dãy Trường Sơn”, ông Hy nói.
Khi cán bộ, chiến sỹ được ra Bắc, sẽ mang tiền Trường Sơn đổi lấy tiền thật ở 2 điểm là Cự Nẫm (Bố Trạch, Quảng Bình) và số 3 - Lý Nam Đế, Hà Nội. Sau khi thu hồi tiền Trường Sơn, hai cơ sở này đóng gói, chuyển ngược tiền vào Trường Sơn để tiếp tục sử dụng.
Tiền Trường Sơn được sử dụng đến năm 1969 thì bị địch phát hiện và tìm cách phá hoại. Để tiếp tục thanh toán chế độ cho cán bộ, chiến sỹ, Bộ Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn lại đề xuất thay bằng séc. Đại tá Nguyễn Văn Thái, khi đó là Trưởng phòng Tài vụ Bộ tư lệnh Bộ đội Trường Sơn kể, séc Trường Sơn là một phương tiện thanh toán được bảo mật rất nghiêm ngặt. Trên tờ séc có ghi họ tên, quê quán, năm sinh, đặc điểm nhận dạng của người giữ séc, có phải là bộ đội Trường Sơn không.
Để đề phòng làm giả, Cục Tài chính có làm một ký tự chữ n. Thay vì viết bình thường, thì lật ngửa chữ n như bị lỗi để nhận biết séc giả hay thật. Chữ này được in rất nhỏ ở phía dưới tờ séc trong dòng chữ “Giữ gìn cẩn thận, đừng làm rách”.
Loại séc này có ưu điểm là không giới hạn mệnh giá, khi cấp được thể hiện bằng hai con dấu (một của phòng tài vụ nơi công tác và một của Phòng Tài vụ Bộ Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn) và được lưu sổ cẩn thận. Khi cán bộ, chiến sỹ ra Bắc, cũng được đổi ra tiền mặt, nhưng séc này không tái sử dụng mà tiêu hủy ngay.
Sau chiến tranh, tiền Trường Sơn hoàn thành sứ mạng và bị tiêu hủy, ít người giữ lại. Hiện chỉ có nhà sưu tập Huỳnh Minh Hiệp (TP.HCM) may mắn có đầy đủ hai bộ tiền Trường Sơn. Một bộ tiền Trường Sơn đã được anh hiến tặng cho Bảo tàng TP.HCM. Còn tờ séc Trường Sơn thì không ai giữ được.
End of content
Không có tin nào tiếp theo