Xã hội

“Tôi giật mình và thật sự sốc”

Ông Bùi Đức Phú - giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế - bày tỏ thái độ như vậy khi trao đổi với Tuổi Trẻ xung quanh chuyện dư luận cho rằng có tiêu cực trong mổ thận tại bệnh viện.

 Ông Bùi Đức Phú

Ông Phú nói:

- Tôi giật mình, không biết anh em của mình có làm gì không. Nhà báo hỏi luôn cả bản thân tôi có nhận tiền không thì thật sự tôi rất sốc, dù gì tôi cũng là đại biểu Quốc hội, là lãnh đạo bệnh viện, trong khi thông tin hiện nay bị nhiễu nhiều.
 
* Vấn đề là ông có nhận 2.500-3.000 USD một ca ghép thận như người bán, người mua thận phản ảnh hay không?
 
- Không. Không ai đi nhận. Nhận thì có chuyện gì để nói nữa.
 
* Chúng tôi còn nghe thông tin có bác sĩ của bệnh viện nhận tiền của người được ghép thận?
 
- Thông tin này xảy ra cách đây khoảng một, hai năm trước, có liên quan tới bác sĩ V., nhưng công an đã làm rõ và kết luận hoàn toàn không đúng.
 
Nhưng bệnh viện rất nhạy, từ đó trở đi ra thông báo cấm tuyệt đối trước khi hồ sơ tiếp nhận tại bệnh viện, nhân viên không được tiếp cận với cò mồi, người cho, người nhận thận.
 
Nhiều khi chuyện chỉ đơn giản là người ta đến vỗ vai, nói thế này thế kia, rủ đi uống cà phê vui vẻ, rồi người ta chụp lại cái ảnh ấy và giáng cho một cú. Họ dựng bao nhiêu chuyện, dựng đủ thứ hết. Còn về bác sĩ T.A. thì theo tôi biết là rất tốt, chừng mực.
 
* Thưa ông, một số người đi bán thận, mua thận khẳng định nếu không “đi” tiền trước cho một số thành viên hội đồng tư vấn lấy, ghép bộ phận cơ thể người của Bệnh viện Trung ương Huế thì sẽ phải chờ đợi rất lâu?
 
- Không phải. Bất kể ai chúng tôi cũng giải quyết nhanh cho họ. Bệnh viện có quy trình ghép thận đối với người hiến thận còn sống một cách rõ ràng.
 
Quy trình này được dán công khai cho mọi người cùng biết, chứ không khó khăn gì mà họ phải gửi tiền, phải chạy cho người này người kia.
 
Việc bệnh nhân chờ là do phải chuẩn bị cho bệnh nhân (bệnh nhân bị thiếu máu, bị bệnh lý khác kèm theo...), chứ không phải ai vô cũng mổ được ngay.
 
* Nhiều trường hợp gọi là hiến thận tại bệnh viện nhưng thực tế là bán thận và giấy tờ của họ được làm giả. Vậy hội đồng tư vấn thẩm tra hồ sơ thế nào mà không phát hiện?
 
- Quy trình ghép tạng của bệnh viện rất chặt chẽ, vì đây là vấn đề nhạy cảm giữa người cho và người nhận.
 
Tuy nhiên theo quy trình, nếu nghi ngờ có giả mạo, bệnh viện sẽ gửi thư kèm theo các giấy tờ của người cho thận tới chính quyền địa phương để họ kiểm tra lại giấy tờ, con dấu, xem mọi thứ có chuẩn theo quy định không.
 
Sau đó, họ sẽ phản hồi cho mình. Nếu họ phản hồi là đúng thì bệnh viện ghép theo quy định. Nếu họ nói không đúng thì mình thôi.
 
Chứ bệnh viện không thể đi thẩm định các giấy tờ này và cũng không có chức năng để làm, mà đi như thế thì kinh phí ai chịu?
 
* Qua xác minh, bệnh viện có phát hiện trường hợp nào giả mạo giấy tờ chưa, thưa ông?
 
- Có chứ, trung bình một năm bệnh viện phải thẩm tra lại gốc gác của các văn bản 4-5 trường hợp. Có cái thì chuẩn, có cái không chuẩn, chứ không phải giả, không chuẩn thì chúng tôi loại.
 
* Ông có thể nói rõ hơn cách thẩm tra hồ sơ ghép tạng của hội đồng tư vấn?
 
- Hội đồng hỏi kỹ lắm. Cụ thể, hỏi tại sao anh đi hiến thận, gia đình và cuộc sống thế nào, anh hiểu gì về hiến thận? Thông thường người ta nói gia đình quá khó khăn. Họ cũng cân nhắc đánh đổi giữa một phần thân thể, sức khỏe của họ với cuộc sống tương lai.
 
* Có khi nào ông nghi ngờ khi thấy giữa người nhận thận và người cho thận ở các địa phương quá xa nhau?
 
- Hội đồng hỏi cụ thể hết, nhưng cái đó họ sắp xếp như thế nào thì mình làm sao biết được. Theo luật, người hiến làm đơn đồng ý hiến thận, có địa phương đóng dấu xác nhận không có tiền sự, tiền án, cha mẹ hoặc vợ đồng ý cho hiến.
 
Khi ra hội đồng thì mình hỏi thêm lần nữa. Còn việc họ có mua bán thận với nhau không thì làm sao mình biết được.
 
* Ông có thấy luật nghiêm cấm mua bán nội tạng người sống nhưng thực tế vẫn xảy ra không?
 
- Khi một người đến hiến thận có đầy đủ giấy tờ, có chính quyền địa phương chứng nhận thì chúng tôi làm. Tôi nghĩ cần nghiêm trị nhất là cò mồi. Cò mồi làm trung gian, đưa đến khuynh đảo, biến tướng việc hiến tạng.
 
Theo tôi, nên hiểu và nhìn ở góc độ hỗ trợ người hiến thận thì đúng hơn là mua bán. Ở nước ngoài nhiều khi cũng thế, tự nguyện nhưng có sự hỗ trợ. Mình đừng quơ đũa cả nắm và làm khó chương trình ghép tạng.
 
* Bệnh viện có phát hiện “cò” nội tạng ra vào bệnh viện không?
 
- Theo quy định, chỉ có bệnh nhân và người cho thận trực tiếp gặp nhau, không qua một người nào và không có cò mồi. Khi nào người cho và người nhận cùng có mặt và có giấy tờ đầy đủ thì khoa thận nhân tạo mới nhận hồ sơ ghép thận.
 
Nhưng nhận hồ sơ cũng chưa chắc mổ, còn phải xem hết các yếu tố về chuyên môn, pháp lý, rồi thông qua hội đồng tư vấn ở khoa thận nhân tạo.
 
Hội đồng tư vấn ở khoa thấy đủ điều kiện mới tập hợp hồ sơ thông qua hội đồng tư vấn của bệnh viện. Hội đồng tư vấn của bệnh viện có mấy chục người và sẽ xem xét danh sách mổ ghép. Tùy theo tình trạng sức khỏe bệnh nhân, bệnh nhân nào đủ điều kiện tốt nhất sẽ giải quyết sớm.
 
* Trong 160 bệnh nhân được ghép thận tại bệnh viện từ năm 2013 đến tháng 8-2014, có bao nhiêu bệnh nhân là người ở tỉnh, thành phố khác về đây ghép thận?
 
- Tôi cũng không nắm rõ con số đó. Nhưng tôi cũng thấy lạ là vì sao có sự đột biến số lượng bệnh nhân về đây ghép thận.
 
Ở Sài Gòn mổ cũng tốt, Hà Nội mổ cũng tốt mà không biết vì sao bệnh nhân về đây nhiều. Thậm chí họ nói có người giới thiệu về đây ghép.
 
Xin lỗi, tôi phải giữ sự tôn trọng riêng tư của người giới thiệu, nhưng hiện tôi còn giữ hết những bằng chứng về việc ai gửi bệnh nhân.
 
Nếu sau này ai có hỏi thì tôi còn có thể trả lời đấy là người nhà của ông này gửi, toàn là cấp cao cả. Nhiều người gửi lắm.
 
 

 "Việc báo chí đưa hoài chuyện mua bán thận làm anh em trong ngành y tế cũng nản. Nhưng qua đó chúng tôi học được bài học để tổ chức lại cho tốt"

Ông BÙI ĐỨC PHÚ

 Dũng “trọc” nhắn tin cho PV Tuổi Trẻ


Tối 9-9, Dũng “trọc” nhắn tin qua điện thoại cho một PV thực hiện loạt bài điều tra “Vạch trần đường dây buôn thận xuyên quốc gia”. Nội dung tin nhắn dài đến hơn 400 chữ, trong đó có đoạn: “Bài báo của anh hay tất cả các bài báo trước đây có giúp được ngành ghép tạng của Việt Nam phát triển lắm hay không?... Ừ, thì chúng tôi có làm sai thật nhưng chúng tôi cảm thấy tự hào cho bản thân mình, nhờ đó ngành ghép tạng có thêm việc... Kết luận là anh và các phóng viên khác viết thế, chứ viết nữa cũng chẳng giải quyết được gì. Chúng tôi ngừng làm thì có đường dây khác lại xuất hiện...”.


Trước đó, khi bài viết đầu tiên đăng tải trên Tuổi Trẻ, cũng có một số điện thoại tự xưng là người mua thận gửi nhiều tin nhắn vào số điện thoại của một PV với nội dung: “Những người bệnh chúng tôi có mặt khắp nơi, chính tôi cũng đang ở gần anh đó. Anh tính xem một năm có bao nhiêu bài như anh đã viết nhưng những người bệnh chúng tôi vẫn cần được sống”. Một PV khác cũng nhận được nhiều số điện thoại lạ gọi tới quấy rối.


Phải chi tiền?


Vì sao những giấy tờ giả không bị phát hiện? Qua lời kể của người bán, người mua thận cho thấy có dấu hiệu đường dây buôn thận và người mua thận chi tiền cho một số bác sĩ của hội đồng ghép tạng Bệnh viện Trung ương Huế.


Khi ở cùng với chúng tôi tại nhà nghỉ Thanh Nga, Vũ Đức Tài (người bán thận) thật thà tiết lộ trước khi ra hội đồng, Tài và ông Trung (người mua thận) đến gặp bác sĩ V. của khoa thận nhân tạo Bệnh viện Trung ương Huế, ông Trung đưa một phong bì tiền cho bác sĩ này. Bác sĩ này còn dặn ông Trung và Tài nên thay đổi cách xưng hô chú cháu cho quen. Ông Trung sau đó còn gặp thêm một người khác để đưa phong bì.


Sáng 17-8, bà Hà gọi Đậu Kim Chung (người bán thận) nói chưa thể ra hội đồng được vì “bên mua chưa chịu chi tiền”.


Nghe bà Hà nói, Chung sốt ruột gọi điện cho một người nào đó: “Ngoài này, chị Hà hướng dẫn cho người ta (người mua thận) đi tiền hết. Chị Hà nói muốn làm nhanh thì phải đi bác sĩ T.A. và đi ông trưởng khoa. Bác sĩ T.A. đi 10 triệu đồng, còn bác sĩ trưởng khoa đi 2.000 hoặc 2.500 USD vì ông ấy sắp xếp lịch mổ và lịch ra hội đồng cho mình. Người ta toàn đi 2.000 USD. Nếu muốn làm nhanh thì đi 2.500 USD, tuần sau ra hội đồng rồi làm luôn. Nếu không đi thì phải đợi lâu đấy”.


Trưa cùng ngày, Chung tiếp tục gọi điện: “Khi nào chú ra, chú gọi điện cho cháu nhé. Chị Hà vừa bảo chú cứ ra đi, chiều 18g chị Hà với chú sẽ tới nhà lãnh đạo bệnh viện”. Chiều cùng ngày, Chung cho biết ông Dũng - người mua thận - đang bay ra Huế để tối đi “lo” việc ra hội đồng sớm.


Theo ông Trung, ông phải tốn khoảng 600 triệu đồng để được ghép thận. Trong đó có 280 triệu đồng tiền “tươi” trả cho đường dây của nhóm bà Yến. Số tiền này bà Yến sẽ trích ra trả cho Vũ Đức Tài sau khi mổ lấy thận 150 triệu đồng, còn lại đường dây của bà Yến hưởng. Mỗi tháng ông Trung còn phải chuyển 4-5 triệu đồng cho bà Yến để chi tiền ăn, ở cho người bán thận. Ông Trung cũng thừa nhận phải “đi” cho một lãnh đạo bệnh viện “mấy chục” để được ghép thận thời gian tới.


Trả lời chúng tôi có hay không việc nhận 2.000-2.500 USD của bệnh nhân cần ghép thận, bác sĩ V. khẳng định: “Không bao giờ, không bao giờ, tôi nói thật là không bao giờ. Đó là họ nói lung tung, không bao giờ có chuyện đó đâu”.

Theo Tuổi trẻ Online
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo