Pháp luật

“Tội phạm đang chuyển phương thức hoạt động”

Do bị ngăn chặn, không còn cơ hội hoạt động ở địa bàn quen thuộc như đường phố, khu vui chơi, cơ sở kinh doanh nhạy cảm, bọn tội phạm tìm cách mới là đột nhập vào nhà dân, quán hàng, lợi dụng sơ hở để ra tay...

(danviet) Trước tình trạng ngày càng lộng hành của tội phạm, gây hoang mang cho dư luận xã hội, phóng viên đã trao đổi với đại tá Hồ Sĩ Tiến – Cục trưởng Cục Cảnh sát Hình sự (Bộ Công an).

Ông có thể đánh giá về tình hình tội phạm thời gian gần đây, đặc biệt là các vụ việc mà đối tượng xông vào tận nhà người dân và quán giải khát để cướp tài sản?

- Dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Tỵ, tình hình tội phạm xảy ra không nghiêm trọng như những năm trước, không xảy ra các vụ trọng án như giết người, cướp tiệm vàng, tội phạm có tổ chức... nhưng lại xảy nhiều vụ thường án như trộm nhà dân, lợi dụng sự sơ hở khi bà con đi chúc tết, về quê... Có vụ kẻ gian vào nhà ăn trộm ngay đúng ngày tất niên, lấy đi lượng tài sản lớn.

Gần đây, ở Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh đã xảy ra một số vụ cướp giật rất manh động. Đối tượng vào tận quán cà phê, vào nhà dân để cướp máy tính bảng, điện thoại... ngay từ tay nạn nhân. Đây là 2 vụ điển hình được ghi lại nhờ có camera, tôi cho rằng có thể còn có những vụ gần tương tự nhưng người dân chưa trình báo. Với tính chất manh động liều lĩnh của tội phạm như vậy, lực lượng công an các địa phương như Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Hải Phòng... đã tích cực ra quân tuần tra kiểm soát và tội phạm đường phố được khống chế.

 

 

 

 Hình ảnh tên cướp giật chiếc ipad của người ngồi trong quán cà phê.
 


Do bị ngăn chặn không còn cơ hội hoạt động ở địa bàn quen thuộc như đường phố, khu vui chơi giải trí, cơ sở kinh doanh nhạy cảm, bọn tội phạm nói chung và tội phạm cướp nói riêng tìm cách chuyển phương thức hoạt động mới là đột nhập vào nhà dân, quán hàng, lợi dụng sơ hở để ra tay. Với phương thức này, bọn chúng đã chủ động tránh sự đuổi bắt của các lực lượng chức năng và nhân dân. Bởi khi chúng vào rồi chạy ra, người dân cũng không biết đó là cướp hay đuổi nhau vì việc gì.

Như vậy khi an ninh trên đường phố, các nơi công cộng khác đang ngày càng được đảm bảo thì an ninh trong các khu dân cư lại lơi lỏng?

- Tôi cho rằng có sơ hở trong công tác đảm bảo an ninh khu dân cư, hiện nay chúng ta mới chỉ tập trung chú trọng an ninh ở những địa bàn công cộng, điểm vui chơi giải trí, đường phố đông người tham gia giao thông. Còn những nơi vắng vẻ, địa bàn giáp ranh, khu dân cư ít người qua lại đang có sơ hở để cho tội phạm lợi dụng hoạt động. Cũng có vấn đề tại các thành phố lớn là các hộ dân ít quan tâm đến nhau, nhà nào biết nhà đó. Có thể nhà kề bên có chuyện bất thường, hoặc có đối tượng lạ mặt lảng vảng ở nhà hàng xóm nhưng không ai để ý cảnh báo, đó là cái sơ hở để tội phạm lợi dụng.

Thưa đại tá, để đảm bảo an ninh ở những nơi mà bọn tội phạm đang hướng tới thì cần phải có cách phòng ngừa như thế nào?


- Chúng ta cần phải duy trì tiếp công tác tuần tra an ninh nhân dân ở các tổ dân phố, cụm dân cư. Trước đây, chúng ta đã làm tốt công tác này nhưng hiện đã bị bỏ bê, cần phải khơi lại phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc. Bên cạnh đó, trong điều kiện hiện nay phải thực hiện tốt việc tuần tra vũ trang của các lực lượng công an chuyên trách. Ngoài ra phải tăng cường tuyên truyền để các hộ dân có biện pháp chủ động phòng ngừa. Khóa cửa phải cẩn thận, tránh việc để cửa mở, không để các cháu nhỏ ngồi chơi không có người lớn để đối tượng lạ mặt tự do xông vào. Còn ở các tiệm vàng, cửa hàng kinh doanh, quán hàng, ngoài việc lắp đạt hệ thống giám sát an ninh, cần có bảo vệ để chủ động hơn.

Xin cảm ơn đại tá!

 

 

Trần Nguyên

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo