Tổng Bí thư Trường Chinh để lại dấu ấn sâu sắc
Nhân kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Trường Chinh (9/2/1907- 9/2/2017), lịch sử đã ghi nhận Tổng Bí thư Trường Chinh là người đã để lại nhiều dấu ấn sâu sắc và đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam thời kỳ đổi mới.
Nhiều năm đảm nhận trọng trách Tổng Bí thư của Đảng ở những thời điểm có tính bước ngoặt, đồng chí Trường Chinh đều có những quyết sách phản ánh tầm vóc của một nhà chính trị lỗi lạc và nhà tư tưởng, văn hóa lớn, theo tin tức trên báo Công an Nhân dân.
Sinh trưởng trong một gia đình trí thức tiêu biểu của quê hương địa linh nhân kiệt Hành Thiện (Xuân Trường, Nam Định), Tổng Bí thư Trường Chinh sớm giác ngộ tinh thần yêu nước.
Từ tuổi thiếu niên, đồng chí đã tích cực hoạt động trong phong trào học sinh phản đối chế độ thực dân, phong kiến và trở thành một trong những đảng viên đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Thời kỳ đồng chí Trường Chinh giữ trọng trách quyền Tổng Bí thư rồi Tổng Bí thư của Đảng từ 1940 đến 1956 là giai đoạn đặc biệt quan trọng của cách mạng Việt Nam.
Trên cương vị này,Tổng Bí thư Trường Chinh đã có những dấu ấn đặc biệt góp phần vào sự phát triển của tư tưởng, lý luận và đường lối đưa tới sự thành công của Cách mạng Tháng Tám.
Tháng 12/1986, từ Hội trường Ba Đình, Tổng Bí thư Trường Chinh khẳng định: “Chỉ có đổi mới thì mới thấy đúng và thấy hết sự thật, thấy những nhân tố mới để phát huy, những sai lầm để sửa chữa…”, báo Tiền phong đưa tin.
Cũng từ đường lối đổi mới của Đại hội VI do Tổng Bí thư Trường Chính đặt nền móng, đất nước đã vượt qua được khó khăn và vươn lên đạt được những thành tựu hết sức to lớn.
Theo ông Võ Đại Lược, thành viên nhóm nghiên cứu của Tổng Bí thư Trường Chinh, đầu thập niên 80, kinh tế- xã hội gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều nhu cầu thiết yếu của cuộc sống người dân về ăn, mặc, ở không được giải quyết đầy đủ. Lòng tin của quần chúng đối với sự lãnh đạo của Đảng bị giảm sút.
“Tình hình lúc đó rất xấu, không thể tiếp tục sống mãi như vậy được nữa. Tuy nhiên, muốn đổi mới, xoá bỏ cơ chế cũ thì phải có mô hình mới. Phải có người khởi xướng, cầm chịch, và người đó chính là ông Trường Chinh”, ông Võ Đại Lược nói.
Cũng theo ông Lược, với quyết tâm đổi mới, nhìn thẳng vào sự thật, cuối tháng 11/1982, trên cương vị là Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, ông Trường Chinh đã quyết định hai việc đặt nền móng cơ bản cho sự hình thành tư duy đổi mới sau này.
Một là, thành lập nhóm các nhà khoa học để nghiên cứu một số vấn đề lý luận và thực tiễn nước ta, làm căn cứ phương pháp luận cho việc xác định con đường, bước đi sắp tới trong xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở nước ta.
Thứ hai là, tổ chức đi thực tế ở các địa phương trên cả ba miền đất nước. Hàng loạt chuyến đi từ năm 1983 đến 1985 giúp Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Trường Chinh nhìn rõ sự thật. Đặc biệt, trong chuyến đi Đà Lạt (tháng 7/1983), Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Trường Chinh đã gặp và trao đổi với nhiều lãnh đạo các nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất.
Từ đó, ông nhận thấy vấn đề không chỉ là một vài cách thức quản lý kém hiệu quả, mà đã đến lúc phải xem lại cả hệ thống quan điểm về quản lý kinh tế. Về Hà Nội, ông lập tức mời nhiều nhà khoa học đến để nghe suy nghĩ của họ về phương hướng đổi mới.
Ông Võ Đại Lược cho biết, sau khi được thành lập, nhóm nghiên cứu thường xuyên họp với ông Trường Chinh. Toàn bộ các cuộc họp và thảo luận đi đến mấy nhận định cơ bản là, cơ chế kế hoạch tập trung bao cấp đến những năm 80 là không còn phù hợp cần phải xoá bỏ và chuyển đổi sang nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần.
End of content
Không có tin nào tiếp theo