Xã hội

“Trảm” 100.000 biên chế: sẽ được gì với 8.000 tỷ?

Với 8.000 tỷ đồng phục vụ cho việc tinh giản 100.000 biên chế, liệu bộ máy công chức có được tinh gọn, chất lượng công chức có được nâng lên?

 Bộ Nội vụ vừa hoàn tất dự thảo nghị định về việc tinh giản 100.000 biên chế và triển khai lấy ý kiến các bộ ngành cùng nhân dân. Dự thảo này vừa đưa ra đã nhận được sự quan tâm lớn của dư luận. Tuy nhiên, đây không phải lần đầu tiên vấn đề công chức được mổ xẻ, bàn bạc nhiều như vậy.

Còn nhớ mới đây dư luận đã dậy sóng khi Chủ nhiệm UBKT Thành ủy Hà Nội Trần Trọng Dực bất ngờ thông tin ngay giữa kỳ họp HĐND rằng “chạy” công chức ở Hà Nội không dưới 100 triệu đồng. Nhưng làn sóng ấy cũng sớm lặng đi, bởi thông tin ông Trần Trọng Dực đưa ra cũng chỉ là nghe ngóng từ dư luận. Và khi Hà Nội vào cuộc điều tra thì không phát hiện ra trường hợp nào bỏ ra 100 triệu “chạy” công chức.

Rồi sau đó, dư luận lại được phen giật mình khi Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lại đưa ra con số 30% cán bộ công chức “sáng cắp ô đi, tối cắp về” – có cũng được, mà không có cũng chẳng sao. Nhưng sau đó, tại phiên họp Quốc hội cuối năm 2013, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình đã “dập lửa” dư luận khi phủ nhận thông tin về con số 30% công chức "cắp ô". Bộ trưởng Bình còn “chuyển lời” từ Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc rằng, số lượng 30% cán bộ “cắp ô” ông cũng chỉ nghe đồn trong dư luận chứ không hề khẳng định điều đó.
 
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình khẳng định trước Quốc hội con số 30%
 
Với dự thảo vừa được Bộ Nội vụ hoàn tất, trong thời gian 6 năm (2014 - 2020) sẽ tinh giản khoảng 100.000 người trong bộ máy biên chế. Kèm theo đó nhà nước sẽ phải bỏ ra khoảng 8.000 tỷ đồng để giải quyết cho 80.000 người (80%) “về hưu sớm”. Điều nhiều người quan tâm lúc này: Liệu với 8.000 tỷ đồng ấy sẽ đổi lại được gì? Bộ máy công chức có bớt cồng kềnh? Chất lượng công chức có được nâng lên?
 
Tiêu chí xếp loại công chức cũng được ban soạn thảo đưa ra khá cụ thể theo nhiều cấp độ. Nhưng việc loại bỏ công chức sẽ phải tiến hành thế nào đây? Liệu phần thừa sẽ được cắt bỏ theo đúng nghĩa, hay người ta lại cắt vào "phần da", "phần thịt" của cái “cơ thể” kia? 
 
Nói đến đội ngũ công chức không làm được việc, người ta nghĩ ngay đến những thành phần mà bấy lâu nay vẫn thường quen gọi là “con ông cháu cha”. Giả sử điều này đúng thì các cơ quan công quyền có dám dũng cảm loại bỏ? Hay vì nể nang mà phải khoanh vùng, né tránh, rồi lại đưa những thành phần không thuộc diện “con ông cháu cha” để “tế thần”?...
 
Còn nữa, 8.000 tỷ đồng ngân sách cũng là tiền của nhân dân. Thực tế cho thấy, nhiều vị trí trong biên chế chỉ đơn thuần “cuối tháng lĩnh lương, chờ ngày nghỉ hưu” không phải hiếm. Nhiều người trong số này cũng mong muốn nhận “một cục” và được về hưu sớm.
 
Liệu sau khi cắt giảm một số lượng lớn như vậy, bộ máy công chức có bớt cồng kềnh không, hay các tổ chức, đơn vị lại cắt một, tuyển thêm một, thêm hai? Bởi bên cạnh việc phê phán bộ máy cồng kềnh, đâu đâu bây giờ cũng than thở chuyện thiếu hụt nhân lực. Đâu đâu cũng thiết tha mong muốn được tăng cường biên chế cho bộ máy vận hành thêm hiệu quả.
 
Nếu tinh giản mà không giảm được số người và tăng hiệu quả công việc thì số tiền 8.000 tỷ đồng lúc đó sẽ đổi lại được gì?
 
Tất nhiên, với những công chức "về hưu sớm" sẽ phải đối mặt với những khó khăn, việc nhà nước hỗ trợ cho các đối tượng này cũng là việc nên làm. Tuy nhiên điều này cũng khiến không ít người phải trăn trở. Bởi trong khi "người nhà nước" được quan tâm, ưu ái như vậy, thì bên cạnh đó vẫn còn hàng vạn, hàng triệu lao động đang làm việc ở các tổ chức, doanh nghiệp tư nhân có thể bị mất việc bất cứ lúc nào. Mà khi đã mất việc rồi thì..."tự thân vận động"!
 
Sự công bằng đôi khi thật khó! 80.000 người "về hưu sớm" cần được giúp đỡ, hỗ trợ từ phía nhà nước sau chừng ấy năm cống hiến, nhưng số tiền không nhỏ trên sẽ thành lãng phí, công cốc nếu chất lượng công chức không được cải thiện.
InforNet
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo