Thị trường

“Trùm” cây giống đất Bắc

Ở vùng đất bãi ven sông Hồng, xã Cổ Đô, huyện Ba Vì, Hà Nội có một tập đoàn giống cây ăn quả khổng lồ với hơn 300 giống cây các loại. Chủ nhân của nó là ông Nguyễn Văn Thanh (56 tuổi), một nông dân thứ thiệt.

Giống cây trồng do ông Thanh (ảnh) SX luôn đạt chất lượng cao .

 

Cây giống "muôn hình vạn trạng"  

 

Đang thì phơi phới sắc xuân, thế mà làn da của ông Thanh đã ngả màu bánh mật. Người quen sống với nắng nôi, mưa móc như ông thấy tự hào về hình ảnh đó. Thế nên, “ông trùm” cây ăn quả đất Bắc” đã tự họa bằng hai câu thơ “Da đen cho má em hồng/Cho đồi trĩu quả cho đồng ngát hương”.

 

Với số vốn đầu tư hàng tỷ đồng để gây dựng nên khu SX giống cây trồng đa hệ (bao gồm cây ăn quả, cây lâm nghiệp và cây cảnh) rộng 1,5 ha, nếu thích cái danh “giám đốc”, ông đã đạt được ý nguyện từ lâu rồi. Vậy mà, ông Thanh lại nhận mình là “ô sin”, là “công bộc của nông dân”.

 

Đang thì xuống giống cây trồng, chiếc điện thoại của ông Thanh cũng mệt lử cùng chủ khi phải tiếp đón hàng trăm cuộc gọi mỗi ngày. Bất kể đêm tối mịt mùng hay giờ nghỉ trưa, gọi cho ông lúc nào cũng được hồi âm lại bằng giọng nói sang sảng và đầy nhiệt huyết, hứng khởi.

 

Bây giờ còn sướng, chứ hồi mới lập nghiệp thì khổ ải trăm bề. Nghỉ hưu sớm ở Cty Thực phẩm Ba Vì, ông lại bám mặt vào 4 sào ruộng. Thời ấy, Cổ Đô chưa dồn diền đổi thửa. Đất canh tác bị băm nát thành nhiều mảnh.

 

Trồng lúa, trồng khoai chẳng đủ nuôi con ăn học. Thế nên, muốn thoát nghèo thì phải tìm ra hướng đi nào đó để biến mỗi tấc đất trở thành tấc vàng.

 

Lúc đó đồi hoang, đất trọc còn nhiều. Loa phát thanh của huyện ra rả bản tin kêu gọi bà con phát triển rừng, vườn cây ăn quả. Mưa dầm thấm lâu, người dân đua nhau tìm mua giống cây để trồng.

 

Một lần thăm trại cây giống ở Ba Vì, ông thấy mỗi mét vuông đất người ta SX được hàng trăm cây đu đủ giống, vài chục cây nhãn, bưởi, chanh… Có cây giống cao chưa đầy 50 cm đã đổi được 2 - 3 yến gạo.

 

Ông nghĩ bụng: “Đó đích thị là “cây vàng” rồi!”. Giấc mộng làm giàu lóe sáng, ông xắn quần cao quá gối, be bờ, dựng tường quanh thửa vườn rộng của gia đình, sau đó lần mò sang Viện Nghiên cứu Rau quả mãi bên huyện Gia Lâm (Hà Nội) để tìm mua sách hướng dẫn kỹ thuật nhân giống cây ăn quả các loại và SX thử nghiệm.

 

Xã Cổ Đô được mệnh danh là “đất táo”, phương pháp nhân giống lại dễ (giâm cành) nên đây là cây trồng chiến lược đầu tiên mà ông Thanh lựa chọn. SX đại trà thành công, nhưng chẳng thấy bóng dáng người mua. Hỏi về thu nhập, ông Thanh lắc đầu bảo: “Lợi nhuận của nghề này vô cùng vô tận. Nhưng để gây dựng được tiếng tăm của tập đoàn giống cây trồng như ngày hôm nay, mình phải biết cách hài hòa lợi ích của bản thân với người làm vườn. Như thế mới bền vững được. Niềm vui lời lãi vài đồng không thể sánh bằng hạnh phúc của bà con khi những vườn cây sai trĩu quả”.

 

Ông bắt đầu chiến dịch tự PR (truyền thông) cho sản phẩm của mình bằng cách xách xô vôi và cây chổi chít đi hết xã này đến xã khác mượn tường bao nhà dân làm biển để viết thông tin quảng cáo, địa chỉ liên hệ (sau này, thấy quảng cáo bằng chữ vôi nguệch ngoạc, mất mỹ quan, ông Thanh Đầu tư tiền in hàng trăm tấm pano, áp phích treo lên những vị trí nhiều người qua lại). Từ đấy, khách đến mỗi năm một đông.

 

Khi đã có lượng khách hàng tiềm năng, ông Thanh tiếp tục mở biên hoạt động, lấn sang các giống cây trồng tiềm năng và giá trị cao khác như ổi, nhãn, vải thiều, bưởi, mít, xoài; các loại cây dược liệu như atisô, cà gai leo, xạ đen, trà ô ong, vối tàu…

 

Cánh chủ rừng đến thăm tập toàn cây giống của ông cũng không thất vọng khi chứng kiến hơn 60 giống cây lâm nghiệp khác nhau, từ xoan, xà cừ, bạch đàn, keo, sưa đỏ, bách xanh đến đinh, lim, sến…

 

"Săn” giống cây ăn quả xuyên Việt

 

Ông Thanh quan niệm: “Người gieo một hạt chua, thì sẽ cho ra quả chua”, bán cây giống dởm cũng ngang tội “giết” nông dân. Thế nên, nếu không biết rõ lai lịch của cây đầu dòng, ông Thanh tuyệt đối không nhân giống.

 

Đầu những năm 90 của thế kỷ trước, ông đạp xe, bắt ô tô khắp Nam, Bắc để “săn” giống cây ăn quả quý, từ hồng xiêm Xuân Đỉnh (Hà Nội), hồng Nhân Hậu (Hà Nam), cam Bố Hạ (Bắc Giang)…

 

Có bận ông đã mua hẳn vé máy bay vào Nam, rồi tìm đến xã Mỹ Hòa, huyện Bình Minh (tỉnh Vĩnh Long) để tìm hiểu về giống bưởi Năm Roi thơm ngon nức tiếng và học cách nhân giống.

 

Qua bao năm sưu tầm giống cây quý, hiện tại ông Thanh xây dựng được hàng chục loại cây ăn quả đầu dòng có giá trị kinh tế cao và tự chủ được vật liệu nhân giống. Có những cây đầu dòng khách trả 40 triệu đồng vẫn không nhận được cái gật đầu của ông.

 

Hiện tại, khu SX tập đoàn giống cây trồng Thanh – Cổ Đô đã lên tới 1,5 ha, mỗi năm cung cấp ra thị trường hàng vạn cây. Ông tự hào: “Ở khu vực Ba Vì chưa ai địch nổi tôi về tốc độ và tỷ lệ thành công khi ghép mắt cây. 6 lao động thường xuyên được tôi đào tạo giờ cũng đạt tay nghề cao cả rồi”.

 

Khách hàng của ông Thanh phủ khắp các tỉnh miền Bắc, thậm chí ngay cả khu vực thị trấn Trâu Quỳ (Gia Lâm), nơi được mệnh danh là “thủ phủ” SX giống cây trồng cũng phải nhập những giống cây quý hiếm của ông để phân phối khắp cả nước.... 

 

Theo Nông nghiệp Việt Nam
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo