“Tự ý trồng rau củ tí hon là phạm luật“!
Các chuyên gia cảnh báo nhiều nguy cơ tiềm ẩn với phong trào trồng dưa hấu tí hon tự phát hiện nay và cho rằng đây là phạm luật.
Hạt giống dưa hấu tí hon là mặt hàng lạ, mới được du nhập vào Việt Nam, nhưng đã có không ít người đổ xô đi mua về trồng, với hy vọng được thưởng thức những quả dưa hấu chỉ bé bằng quả nho. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo nhiều nguy cơ tiềm ẩn với phong trào trồng dưa hấu tí hon tự phát như vậy.
Phát "sốt" vì cây dại
Theo thông tin trên trang web chính thức giới thiệu về dưa Pepquino của Mỹ thì đây là giống dưa tí hon, về cơ bản giống quả dưa chuột con, ruột xanh, có hạt, cũng có vị chua nhẹ, thanh mát như dưa chuột, nhưng lại có hình dáng bề ngoài giống như dưa hấu. Đây là giống cây dại, có nguồn gốc lâu đời từ Nam Mỹ, được những người nông dân Hà Lan mang về trồng trong nhà kính, từ đó loại dưa này trở thành món đặc sản được bán không chỉ ở Mỹ mà cả nhiều nước châu Âu, vừa làm cây cảnh vừa cho quả ăn được.
Loại dưa hấu tí hon này tuy mới chỉ du nhập vào Việt Nam nhưng ngay lập tức đã được nhiều người chú ý bởi sự độc và lạ của hình dáng quả dưa. Tìm hiểu qua một số trang mạng có rao bán hạt giống dưa hấu tí hon, chúng tôi được biết, mỗi hạt giống có giá từ 20.000 - 25.000 đồng và hàng luôn trong tình trạng về đến đâu hết đến đấy bởi nhu cầu khách hàng đặt mua rất lớn.
Chị Lê Thanh Hằng (Yên Lãng, Hà Nội), chủ một shop online chuyên cung cấp hạt giống dưa hấu tí hon cho biết, đây là loại cây leo giàn, thân mảnh, ưa nắng, phù hợp với thời tiết, khí hậu nóng, ẩm, mưa nhiều ở Việt Nam. Cây bắt đầu trổ hoa từ ngày thứ 45 - 60, sau khi kết trái 3 - 4 ngày là có thể thu hoạch.
Tuy nhiên, một điều khá mâu thuẫn là trong khi người bán hạt giống quảng cáo loại cây này cho trái quanh năm, còn thông tin chúng tôi tìm hiểu được trên trang Pepquinomelons.com thì khẳng định mùa thu hoạch của loại quả này từ tháng 4 - 10. Ngoài ra, khi hỏi một số người đã mua về trồng thì tỷ lệ nảy mầm của hạt chỉ khoảng 70 - 80% và không phải cây nào nảy mầm cũng sống sót hay sinh trưởng tốt. Đa số người trồng vẫn đang trong giai đoạn chờ xem thành quả...
Cũng theo tìm hiểu của phóng viên, thực tế ở Việt Nam đã không ít câu chuyện dở khóc dở cười về việc du nhập bừa bãi các loại cây/con lạ sau đó thì thành sinh vật ngoại lai gây hại...
Trồng trái luật
GS.TS Trần Đình Long, Chủ tịch Hội Giống cây trồng Việt Nam cho biết, về nguyên tắc, theo Pháp lệnh giống cây trồng được Quốc hội thông qua năm 2004, thì bất kể loại giống cây trồng nào khi bắt đầu đưa về Việt Nam phải được Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn nghiên cứu, đánh giá các đặc tính cây trồng có phù hợp với điều kiện thời tiết, khí hậu, điều kiện thổ nhưỡng, điều kiện phát triển cây trồng... của Việt Nam hay không; giống cây đó có mang sâu bệnh lạ hay không;... Sau đó mới đưa về các viện chuyên ngành để trồng thử nghiệm qua 1 - 2 vụ, rồi mới đánh giá kết quả, xem xét khả năng phát triển cụ thể như thế nào, hiệu quả đến đâu... trước khi quyết định cho trồng đại trà.
Theo GS.TS Trần Đình Long, việc người dân tự mua hạt giống từ nước ngoài về trồng chưa qua kiểm định, chưa được sự cho phép của Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn là hành động tự phát, có thể nói là trái pháp luật; còn thực tế loại cây trồng này có tốt hay không, hiệu quả phát triển thế nào, hoặc nó có tiềm ẩn nguy cơ gì đối với cây trồng bản địa... lại là chuyện để bàn sau.
Đồng quan điểm, GS.TS Nguyễn Kim Vũ, Khoa Công nghệ Sinh học - Môi trường, trường Đại học Phương Đông cho rằng, chúng ta đã có không ít bài học về những cây/con lạ du nhập vào Việt Nam, trở thành mối đe dọa đối với sinh vật bản địa. Vì vậy, người dân cũng cần ý thức việc đưa một giống mới lạ về Việt Nam phải tuân thủ đúng quy chế, phải được Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn cho phép, để tránh nguy cơ tiềm ẩn, cạnh tranh với các loài sinh vật bản địa. Việc du nhập giống cây tự phát như hiện nay là hoàn toàn sai các quy định về an toàn sinh học.
Mặc dù vậy, GS.TS Nguyễn Kim Vũ cho rằng, nếu loại quả này đã được các nước trồng lấy quả để ăn thì chúng ta hoàn toàn có thể xin cấp phép để nhập khẩu quả, chứ không nên ồ ạt trồng tự phát theo phong trào như hiện nay.
Theo Kiến thức
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo