“Vàng đen” - nguồn gốc thảm họa?
Sudan bên bờ vực chiến tranh
Ngày 18/4, Tổng thống Sudan Omar al-Bashir đã chính thức tuyên chiến với Nam Sudan với khẩu hiệu "nợ máu phải trả bằng máu" trong bối cảnh đường biên giới mà cộng đồng quốc tế phải rất nỗ lực để phân chia đã "không thể dung nạp cả hai miền". Mâu thuẫn âm ỉ từ tháng 7/2011 giữa một bên là Bắc Sudan nắm toàn bộ cơ sở hạ tầng xuất khẩu dầu mỏ và một bên là Nam Sudan nắm giữ tới hơn 90% nguồn lợi vàng đen đã bùng phát thành bạo lực, cướp đi mạng sống của hàng nghìn người trong vài tháng qua.
Liên Hợp quốc và Liên đoàn châu Phi nếu không nhanh chóng tìm ra cách giải bài toán phân chia nguồn lợi dầu mỏ của Nam - Bắc Sudan, một cuộc chiến nữa sẽ lại xảy ra, đe dọa sự ổn định của cả khu vực vốn đang phải vật lộn với nhiều vấn đề.
Argentina - Tây Ban Nha tranh cãi ngoại giao leo thang
Hai tháng sau những cảnh báo đầu tiên được Madrid và Liên minh châu Âu (EU) phát đi, Tổng thống Argentina Cristina Kirchner vẫn quyết tâm thực hiện kế hoạch thâu tóm 51% cổ phần của công ty khai thác dầu khí lớn nhất nước là YPF, vốn thuộc sở hữu của Tập đoàn Repsol (Tây Ban Nha). Trong khi báo chí và người dân Argentina ca ngợi Tổng thống của mình như "Qúy bà dũng cảm", Madrid đã hai lần triệu hồi Đại sứ Argentina tại Madrid chỉ trong vòng 5 ngày để phản đối kế hoạch trên. Tây Ban Nha cũng khẳng định sẽ có biện pháp đáp trả hành động "thù địch" và phi pháp trên, vì thực tế Chính phủ Argentina đã bán gần như toàn bộ cổ phần của YPF cho Repsol và chỉ giữ lại có 0,2%.
Bỏ qua những ồn ào trên mặt trận ngoại giao, các chuyên gia cho rằng hành động trên của Tổng thống Cristina Kirchner là lời giải cho cơn "khát dầu" của quốc gia có mức tăng trưởng ấn tượng 8% suốt 9 năm qua. Dự kiến năm 2012, Argentina sẽ phải chi 12 tỷ USD để nhập khẩu dầu trong khi sản lượng của YPF chiếm tới 34% tổng sản lượng của cả nước đã chảy ra khỏi lãnh thổ.
Trong khi đó, đại diện của Repsol - những người đang nắm hơn 57% cổ phần của YPF cho biết, quyết định trên nhằm che đậy các cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội đang manh nha hình thành tại Argentina. Tuy nhiên, rất có thể với kế hoạch táo bạo này, Tổng thống Kirchner muốn nâng cao vị thế của Argentina trong khu vực, nơi mà hầu hết các nước như Mexico, Brazil, Bolivia, Ecuador, Venuezuela đã thực hiện những bước đi tương tự.
Tuy nhiên, với những khó khăn hiện nay, Madrid chắc chắn sẽ không để một công ty sinh lời tốt như YPF bị Argentina thâu tóm. Các biện pháp trừng phạt ngoại giao, thậm chí là cả đưa vấn đề ra các tòa án quốc tế đã được Tây Ban Nha cân nhắc.
Theo KTĐT
End of content
Không có tin nào tiếp theo