“Vén” màn bí mật lãi suất cho vay
Công khai lãi suất không phải là vấn đề mới, từ năm 2010, Ngân hàng Nhà nước đã có thông tư yêu cầu các tổ chức tín dụng công khai lãi suất cho vay. Song vì nhiều lý do khác nhau, hầu hết các ngân hàng đều đang né tránh hoặc “ém nhẹm” vấn đề này, có chăng công bố mức trần lãi suất cho vay. Duy nhất đến thời điểm hiện nay chỉ có VIB thực hiện việc công bố lãi suất của tất cả các dòng sản phẩm cho vay cá nhân.
Thực tế, khảo sát trên thị trường ngân hàng, hiện hầu hết các ngân hàng đều chỉ niêm yết lãi suất huy động, còn lãi suất cho vay hầu như “bỏ ngỏ”, thông tin chung chung. Khách hàng hoàn toàn bị động. Họ không thể ước lượng trước trường hợp của họ có được vay vốn hay không và được vay với mức lãi suất bao nhiêu. Chỉ sau khi được duyệt, họ mới biết được mức lãi suất thực tế phải trả là bao nhiêu.
Thực vậy, hiện nay, những người đi vay đều “nằm lòng” công thức tính lãi suất vay để ước cho trường hợp của mình. Ngoài những lĩnh vực bắt buộc áp theo quy định trần lãi suất cho vay không quá 15% của Ngân hàng Nhà nước thì những lĩnh vực khác sẽ căn cứ vào lãi suất huy động và cộng thêm khoản chênh lệch từ 3-6% tùy từng đối tượng và tùy từng lĩnh vực cụ thể. Chẳng hạn như vay bất động sản, mức chênh giữa lãi suất huy động và cho vay phải 6%.
“Mỗi lần có nhu cầu vay vốn là tôi phải bỏ ra khá nhiều công sức và thời gian để tìm thông tin từ các ngân hàng. Hầu hết, tôi phải trình các thủ tục đầy đủ mới nhận được câu trả lời là được duyệt vay với lãi suất bao nhiêu. Nên nhiều khi có việc gấp gáp đành phải “tặc lưỡi” chấp nhận mức lãi suất mà ngân hàng họ đưa ra”, chị Nguyễn Thanh Hiền, ngụ tại phường Yên Hòa, Cầu Giấy (Hà Nội) chia sẻ.
Dưới góc độ quản lý, một quan chức trong ngành ngân hàng nhìn nhận đây sẽ là bước khởi đầu lập lại trật tự thị trường. Việc niêm yết lãi suất cho vay là một động thái tốt để tiến tới công khai minh bạch trong hoạt động ngân hàng, tránh những tiêu cực phát sinh, đồng thời giải quyết nợ xấu, làm lành mạnh hệ thống ngân hàng.
Còn theo đánh giá của một chuyên gia trong lĩnh vực ngân hàng thì việc công khai lãi suất cho vay đáng lẽ ra phải làm từ lâu. Tuy nhiên, hoạt động cho vay rất phức tạp, độ rủi ro cao, vì thế việc công khai lãi suất cho vay cần phải thật chặt chẽ, cụ thể từng đối tượng, trường hợp...
Quay trở lại trường hợp của Ngân hàng Quốc tế (VIB), sau 10 ngày triển khai thực hiện niêm yết công khai và cập nhật hàng ngày lãi suất của tất cả các dòng sản phẩm cho vay cá nhân như mua nhà, sửa nhà, vay kinh doanh, vay cầm cố tài sản có giá, vay du học,... trên website cũng như tại các quầy giao dịch của ngân hàng này, theo đánh giá sơ bộ của lãnh đạo ngân hàng này, hoạt động này đã nhanh chóng nhận được rất nhiều sự quan tâm và ủng hộ của khách hàng và thị trường. Chỉ tính riêng số lượng khách hàng đề nghị tư vấn thông tin về các sản phẩm vay của VIB trên website cũng đã tăng gần gấp 6 lần so với trước đây.
Điều này cho thấy việc công khai mức lãi suất cho vay bước đầu đã được người dân đồng tình hưởng ứng. Chị Thu Hương, trú tại phường Quan Hoa, Cầu Giấy (Hà Nội) chia sẻ: “Giá như ngân hàng nào cũng niêm yết lãi suất cho vay cụ thể như vậy thì tốt biết mấy. Chúng tôi sẽ không phải mất thời gian đi tìm hiểu thông tin mà vẫn có thể an tâm, chủ động trong kế hoạch vay cũng như trả nợ”.
Chia sẻ bên lề với báo giới tại Hội nghị “Khuôn khổ ổn định và giám sát tài chính trong môi trường nhiều biến động” vừa được tổ chức tại Hà Nội vào ngày 27 - 28/11, một chuyên gia tài chính cho rằng với “tiền lệ” VIB (đơn vị tiên phong niêm yết lãi suất cho vay – pv) và nếu các ngân hàng khác “đồng thanh tương ứng” sẽ có tác dụng giảm nợ xấu và góp phần đảm bảo mục tiêu tăng trưởng tín dụng của ngành ngân hàng này trong năm nay.
Về phía VIB, ông Richard Harris – Giám đốc Khối Ngân hàng bán lẻ VIB chia sẻ: “Quyết định tiên phong niêm yết công khai lãi suất cho vay là nhằm giúp khách hàng an tâm khi chọn lựa vay tại VIB và luôn chủ động trong kế hoạch vay cũng như trả nợ của mình”.
Ngoài việc công khai lãi suất cho vay, để đảm bảo tính minh bạch cao trong hoạt động cho vay, VIB cho biết, sẽ mời bên thứ 3 là các công ty bất động sản uy tín như CBRE, Savills, … định giá tài sản đảm bảo của khách hàng vay vốn.
Việt Nguyên (Theo Dân trí)
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Bộ Công Thương lý giải quy định gỡ bỏ “tầng nấc trung gian” trong kinh doanh xăng dầu
Đề xuất ưu đãi thuế đặc biệt cho báo chí
Cân nhắc kỹ việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường
Vàng vẫn là ‘chân ái', trở thành top 1 mặt hàng nên mua vào năm 2025
Công bố bộ quy tắc đạo đức, ứng xử nghề nghiệp môi giới bất động sản
Đề xuất cho doanh nghiệp tự quyết giá xăng dầu có tỷ trọng tiêu thụ thấp