Thị trường

“Việt Nam tuy nghèo nhưng tiêu hoành tráng”

Đó là nhận định của ông Khuất Việt Hùng, Vụ trưởng Vụ Vận tải, Phó Chủ tịch chuyên trách của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, khi chia sẻ với báo chí về giá cước vận tải của Việt Nam hiện nay.

 Cước phí vận tải hàng hóa trên thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam lại cao gấp 3 lần của Hàn Quốc. Ảnh minh họa

Cước phí vận tải Việt Nam cao gấp 3 lần Hàn Quốc

Theo thống kê từ đầu năm đến nay, giá xăng đã có 9 lần giảm giá với mức 12,1%, giá dầu cũng đã giảm tới 16%. Mặc dù giá nguyên liệu này đang giảm khá mạnh, nhưng cước vận tải vẫn đang “bất động”, khiến nhiều người dân quan tâm.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Khuất Việt Hùng, Vụ trưởng Vụ Vận tải, Phó Chủ tịch chuyên trách của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cũng cho rằng, đây là một vấn đề khá bức xúc bởi giá nguyên liệu chính của ngành vận tải đã giảm tới 9 lần mà giá cước không thay đổi.

Thông tin của Phó Chủ tịch chuyên trách của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho biết, giá cước vận tải ở Việt Nam về mức giá thì không cao ( trong đó, mức giá cước phí vận tải hàng hóa ở Việt Nam là 0,148 USD/tấn/km, còn Hàn Quốc lên tới 0,766 USD/tấn/km). Tuy nhiên, một điểm đáng chú ý là, cước phí vận tải hàng hóa trên thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam lại cao gấp 3 lần của Hàn Quốc (cước phí vận tải hàng hóa trên thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam là 0,12 % trong khi Hàn Quốc chỉ là 0,04%).

Cũng theo ông Hùng, tổng chi phí vận tải của Việt Nam là khoảng 11,8% GDP (theo nghiên cứu của ngân hàng Thế giới), trong khi đó của Mỹ vào khoảng dưới 4,5%, Singapore vào khoảng 4,8%, của EU khoảng 5,8% và của Nhật khoảng 6%.

“Con số này cho thấy Việt Nam tuy nghèo nhưng tiêu hoành tráng. Trong khi nếu giảm được chi phí vận tải sẽ đóng góp được rất nhiều cho sản xuất kinh doanh và chi phí xã hội”, ông Hùng nói.

Liên quan đến vấn đề này, hãng hàng không đang được biết đến với thị phần lớn trên thị trường là Vietnam Airlines lại cũng cho rằng, giá cước hàng không hiện đang nằm trong xu hướng giảm.

Theo đại diện của Vietnam Airlines, đối với thị trường quốc tế, hãng đang khai thác và cạnh tranh với 30 hãng trên thế giới, trong đó có những hãng hàng không lớn nhất và nổi tiếng khu vực. Ngoài ra, ở mỗi đường bay Vietnam Airlines lại cạnh tranh với ít nhất 2 hãng hàng không khác. “Điều này để chúng ta thấy rằng, giá cả trên các đường bay quốc tế của VNA là do thị trường quyết định”, đại diện Vietnam Airlines chia sẻ.

Cũng theo Vietnam Airlines, hiện nay trên mỗi đường bay nội địa, hãng đang tuân thủ hoàn toàn theo các quy định của Nhà nước.

Giá cước Việt Nam thực hiện theo luật giá

Cũng đề cập đến vấn đề giá cước vận tải đang được nhiều người quan tâm, bà Lê Thị Lai - Trưởng phòng Quản lý giá (Cục Quản lý giá - Bộ Tài chính) cho biết, hiện nay, giá cước vận tải nói chung được thực hiện theo Luật giá. Theo đó, Luật giá có quy định cụ thể về nguyên tắc của Nhà nước , tức Nhà nước thực hiện quản lý giá theo cơ chế thị trường, tôn trọng quyền định giá của các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng thực hiện điều hành giá theo quy định của Luật giá đảm bảo quyền lợi và lợi ích của các tổ chức và cá nhân kinh doanh.

Liên quan đến vai trò của quản lý Nhà nước về giá cước vận tải, bà Lai cho biết, trong Luật giá Bộ Tài chính có trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện chức năng quản lý lĩnh vực giá, còn Bộ và cơ quan ngang Bộ trong phạm vi, quyền hạn của mình thì có trách nhiệm thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về giá trong lĩnh vực được phân công.

“Với vai trò quản lý Nhà nước về giá nói chung, thì Bộ Tài Chính đã ban hành những văn bản phát luật hướng dẫn về phương pháp xác định giá, để các tổ chức cá nhân cũng như cơ quan Nhà nước căn cứ vào đó để tính giá và kiểm tra, kiểm soát những hồ sơ các đơn vị làm báo cáo”, bà Lai cho biết.

Ngoài ra đối với từng lĩnh vực của ngành giao thông vận tải, đại diện Cục Quản lý giá cũng cho biết, Bộ Tài chính cũng phối hợp với Bộ Giao thông vận tải ban hành những thông tư liên tịch, hướng dẫn về quản lý giá trong lĩnh vực chuyên ngành.

Ví dụ như trong lĩnh vực hàng không thì hiện nay vẫn thực hiện theo Thông tư liên tịch 103; Trong lĩnh vực đường bộ thì Bộ Tài chính cũng cùng với Bộ Giao thông vận tải  ban hành thông tư 152  và có hiệu lực từ 1/12/ 2014; Trong lĩnh vực hàng hải cũng đang dự thảo có một số thông tư hướng dẫn về những phương pháp xác định giá…

Vnmedia
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo