“Vơ vét” tài xế xe buýt
Bộ GTVT quy định tài xế có bằng dấu D chỉ được phép lái ôtô chở từ 10-30 người (kể cả tài xế), nhưng Công ty TNHH Vận tải TP.HCM (Citranco) - đơn vị quản lý tám tuyến xe buýt tại TP.HCM - lại tuyển hàng loạt tài xế bằng D để lái các loại xe buýt B55 (tương đương 55 chỗ).
Ngày 5-1, trên trang web và tại một số trạm điều hành của Citranco đăng thông tin tuyển dụng: “Tuyển tài xế xe buýt, điều kiện giấy phép lái xe hạng D, E, có kinh nghiệm ba năm trở lên và dưới 50 tuổi. Mức lương trung bình từ 10 triệu đồng/tháng, các chế độ lao động đầy đủ”.
Tuyển “lụi”
Từ thông tin tuyển dụng này, ngày 2-3 chúng tôi theo ông Đ., một tài xế có bằng loại D chuyên chạy xe 16 chỗ, mang hồ sơ gồm bằng lái photo, đơn xin việc và sơ yếu lý lịch... đến văn phòng của Citranco (đường Trần Phú, P.8, Q.5) để phỏng vấn.
Tại đây, ông Nguyễn Văn Chính - phó phòng hành chính, nhân sự - kiểm tra hồ sơ rồi nói: “Hồ sơ của anh còn thiếu giấy khám sức khỏe và sổ hộ khẩu photo công chứng”. Ông Đ. nói do gấp quá chưa làm kịp thì ông Chính gật đầu hỏi tiếp: “Thế trước giờ anh chạy xe buýt chưa?”. Ông Đ. nói chỉ quen chạy xe nhà, rất ít khi đi xe buýt.
“Sau buổi nói chuyện này, nếu anh đồng ý công ty sẽ viết cho anh một giấy giới thiệu xuống bãi xe khảo sát. Bằng dấu D của anh, công ty sẽ trả lương từ 9-10 triệu đồng/tháng, cái này được công khai dưới đội xe. Tùy vào khả năng chạy của anh trong tháng, nếu tăng ca thì mức lương sẽ cao hơn” - ông Chính giải thích.
Nhận giấy giới thiệu xuống đội xe, ông Đ. hỏi lại ông Chính: “Tôi có mấy người bạn bằng dấu D công ty có cần nữa không?”. Ông Chính nói ngay: “Cần, tại vì công ty có xe lớn, xe nhỏ. Thành ra nếu bạn anh bằng dấu D cứ giới thiệu đến công ty. Hiện tại công ty có khoảng 200 lái xe” - ông Chính nói.
Khoảng 10g ngày 2-3, ông Đ. đến đội xe của Citranco (trên đường Lạc Long Quân, P.5, Q.11) để khảo sát. Tại đội xe, ông Khánh (đội trưởng) hỏi ông Đ.: “Anh dấu gì?”, ông Đ. trả lời “dấu D” thì ông Khánh trách khéo: “Ủa, tại sao không học lên hết dấu luôn đi?”. Ông Đ. đáp: “Lên cũng phải có bằng cấp nữa chứ, đâu phải thích lên là lên đâu”. Ông Khánh gật gù dặn dò ông Đ. một số quy định về lộ trình tuyến, lương thưởng, thời gian lên, xuống ca... Sau đó giao ông Đ. cho ông Lượng (từng là tài xế xe buýt) hướng dẫn thử tay lái trên xe buýt 69 (loại B55).
Do bằng dấu D trước nay chỉ quen chạy xe khách loại 16 chỗ nên ông Đ. rất lúng túng ở tất cả các khâu, từ khởi động đến vào số, chạy, ôm cua, lùi xe... Dưới tay lái của ông Đ., chiếc xe buýt “biến hóa” liên tục, đột ngột khựng lại rồi lại giật giật hoặc chồm lao lên phía trước.
Vòng thử tay lái chỉ kéo dài chưa đầy 5 phút thì kết thúc, ông Lượng tỏ vẻ không hài lòng và nói ông Đ. tắt máy xuống xe đợi. Ông Lượng chạy vào trong mở hé cửa phòng đội xe gọi vọng vào: “Tạm thôi”.
Tuy nhiên ngay sau đó ông Lượng lại nói với chúng tôi: “Hơi yếu”. Chúng tôi hỏi: “Ông Đ. có được nhận không?”. Ông Lượng nói chắc nịch: “Nhận, đang thiếu tài”. Cuối buổi, ông Đ. được ông Khánh nhận để chạy các tuyến xe buýt số 59 và 69. Cả hai tuyến xe buýt này đều là loại B55.
Hàng loạt tài xế dùng bằng sai quy định
Ngoài việc tuyển tài xế sai quy định để lấp chỗ trống tình trạng thiếu hụt thì hiện tại trong đội ngũ của công ty cũng có hàng loạt tài xế đang sử dụng bằng dấu D ở các tuyến 35 (vòng quanh Q.1), tuyến 59 (bến xe Q.8 đi bến xe Ngã Tư Ga), tuyến 68 (bến xe Chợ Lớn đi Khu chế xuất Tân Thuận), tuyến 69 (công viên 23-9 đi Khu công nghiệp Tân Bình), tuyến 86 (Bến Thành - ĐH Tôn Đức Thắng).
Trong số các tuyến xe buýt này, ngoại trừ tuyến 35, 86 thuộc loại xe buýt B40 (tức 40 chỗ), còn lại các tuyến 59, 68, 69... đều thuộc loại xe buýt B55. Theo quy định, chỉ những tài xế có bằng dấu E mới được phép điều khiển những phương tiện này.
Ngày 25-2, chúng tôi tiếp xúc với một tài xế sử dụng bằng dấu D. Tài xế này đưa bằng cho chúng tôi xem và nói: “Bằng dấu D chỉ có công ty này xài thôi, còn các công ty khác đều bằng dấu E hết. Xét về cấp độ, bằng dấu D chỉ được lái xe 30 chỗ trở xuống, trong lúc cao điểm trên xe buýt có thể lên đến cả trăm người”.
Chúng tôi hỏi: “Sử dụng bằng dấu D có sợ cảnh sát giao thông kiểm tra không?”. Tài xế này trả lời: “Đấy là chuyện của công ty”. Tương tự, một tài xế khác cũng nói: “Bằng dấu D qua mấy công ty khác thì rớt hết. Bây giờ cầm bằng dấu E ra bến xe Miền Đông, người ta quỳ lạy mời chạy luôn, còn bằng dấu D cầm đi vòng vòng không ai thèm thuê cả”.
Theo tìm hiểu, dù đăng thông tin tuyển dụng tài xế dưới 50 tuổi nhưng Citranco vẫn sử dụng nhiều tài xế quá tuổi. Ngày 28-2, chúng tôi tiếp xúc với tài xế V.V.S. (61 tuổi) khi ông vừa lái xe buýt 55 chỗ vào bến Khu công nghiệp Tân Bình.
Theo ông S., trung bình một ngày ông chạy khoảng 10 chuyến từ công viên 23-9 đến Khu công nghiệp Tân Bình và ngược lại, thời gian hoạt động từ 4g30-21g. “Trước đây bằng của tôi dấu E nhưng hết tuổi bị hạ xuống dấu D để chạy loại xe 30 chỗ” - ông S. kể.
Ngày 3-3, từ bến xe Chợ Lớn chúng tôi lên xe buýt tuyến số 68 (loại xe 55 chỗ) do tài xế V.T.Q. (trên 60 tuổi) điều khiển về bến Khu chế xuất Tân Thuận (Q.7).
Giống như ông S., bằng lái của ông Q. lái tuyến 68 cũng bị xuống dấu D. “Tôi có nhiều năm chạy xe buýt cho một công ty nhà nước, hết tuổi bị xuống dấu bằng, họ không nhận nữa nên mới qua công ty này xin làm tài xế xe buýt gần ba năm nay” - ông Q. nói.
Sai quy định
Ông Nguyễn Văn Quyền - phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ (Bộ GTVT) - cho biết trong giấy phép lái xe có quy định giấy phép hạng D chỉ được phép điều khiển phương tiện dưới 30 chỗ. Riêng xe buýt có một số chỗ ngồi và một số chỗ đứng thì phải xem xét cụ thể.
Hiện chúng ta vẫn hướng dẫn và các đơn vị kinh doanh vận tải căn cứ theo tiêu chuẩn của trung tâm sát hạch, từ đó bố trí lái xe có giấy phép lái xe phù hợp với loại xe, chứ không chỉ căn cứ theo chỗ ngồi trên xe. Việc một công ty sử dụng tài xế có bằng lái không phù hợp với loại xe điều khiển là sai.
Theo tiến sĩ Trần Hữu Minh - giảng viên ĐH Giao thông vận tải Hà Nội: “Quy định của luật pháp rất rõ là tài xế điều khiển phương tiện trên 30 hành khách phải có bằng hạng E, còn tài xế sử dụng bằng hạng D thì không được phép lái. Đối với xe buýt, định nghĩa số lượng hành khách được tính cả đứng và ngồi.
Điều này thể hiện rõ khi thiết kế xe buýt nhà sản xuất quy định cụ thể xe đó đứng bao nhiêu người, ngồi bao nhiêu người, cứ mức này mà tính.
Bản thân tôi nghĩ không có vấn đề gì về mặt quy định cả, nếu có thì do doanh nghiệp thực hiện chưa đúng, sai quy định. Việc tài xế điều khiển phương tiện chưa đủ kỹ năng trình độ cần thiết là một vi phạm rất nghiêm trọng, cần phải được xử lý càng sớm càng tốt”.
End of content
Không có tin nào tiếp theo