“Vua” biển cả dính án tử thành thủ lĩnh giữa trùng khơi
Với vị thế và danh giá một người anh hùng lao động đầu tiên của Việt Nam, ông Lê Minh Đức (cha đẻ của Lê Minh Hải) đánh đổi tất cả để cứu lấy đứa con trai độc nhất của mình.
Người anh hùng xin chết thay con
Sau phiên tòa phúc thẩm, hầu như đêm nào ông Lê Minh Đức cũng thao thức không sao chợp mắt được. Ngoài tự trấn an tinh thần, ông còn phải động viên vợ mình và con dâu, cháu nội. Ông quyết tâm bằng mọi giá phải cứu lấy đứa con trai độc nhất này.
Bởi nếu Hải chết thì ông là người mang tội với tổ tiên, dòng họ. Tại sao trong phiên xử, Hải lại không xin tha tội chết? Điều đó càng làm cho ông nhức nhối trong lòng. Thời gian xin giảm án chỉ cho phép trong vòng 15 ngày kể từ ngày tuyên án vậy mà ngày vào trại thăm nuôi để ông hỏi ý kiến con trai ra sao thì phải chờ đợi, ông sợ không kịp làm đơn sẽ hết cơ hội.
Ngày vào thăm con trong buồng biệt giam, ông hỏi Hải có làm đơn xin giảm án không? Đôi mắt Hải đỏ hoe, thâm quầng mệt mỏi nhìn cha mà không nói được gì. Ông Lê Minh Đức khuyên con và để khẳng định niềm tin sắt đá, ý chí quyết tâm cứu con đến cùng ông tuyên bố “Nếu xin giảm án không được, ba sẽ xin chết thay con”.
Hai ngày sau, ông Đức ra Hà Nội để gặp Chủ tịch nước Lê Đức Anh nhưng để gặp được Chủ tịch quả rất khó. Ông nhờ một số người bạn giúp đỡ, hướng dẫn nghỉ lại khách sạn để chờ. Hà Nội khác hẳn với những ngày ông còn làm việc, phố xá khang trang hơn rất nhiều nhưng ông không có tâm trạng đi dạo phố ngắm cảnh hay thăm hỏi bạn bè.
Trong đầu ông chỉ còn nghĩ tới con trai đang phải chờ chết nên mọi cảnh đẹp, thú vui đối với người anh hùng dường như không có ý nghĩa. Ông chưa từng gặp Chủ tịch nước lần nào nhưng lần đó được gặp chủ tịch, được lãnh đạo hỏi han, Lê Minh Đức mừng đến rơi nước mắt.
Sau khi nghe ông trình bày, Chủ tịch nước nói: “Thời buổi kinh tế thị trường, con cái chúng ta bị sai phạm phải chịu tội. Để tôi xem xét, nếu được giảm án thì bảo cháu tu dưỡng, cải tạo tốt. Án tiết được giảm dần, trong nhiều năm rồi sẽ được tha”.
Ông gửi đơn đi mà lòng lo lắng hồi hộp từng ngày. Ở trong trại giam, Lê Minh Hải lo sợ bao nhiêu thì ở ngoài những người thân của Hải cũng thấp thỏm bấy nhiêu.
5 tháng sau, Chủ tịch nước Lê Đức Anh đã ký lệnh tha tội chết, giảm án xuống còn chung thân đối với bị án Lê Minh Hải. Ngày nhận được tin thoát khỏi thần chết, cả gia đình, người thân Lê Minh Hải vỡ òa trong niềm hạnh phúc. Họ đã không mất đi một người con, người chồng người cha đã từng mang trong mình biết bao ước mơ, hoài bão làm giàu. Hải Robert được chuyển về trại giam Z30A Xuân Lộc – Đồng Nai thụ án.
Vốn máu mê với những dự án làm kinh tế, ở trong trại cải tạo, Lê Minh Hải đã có nhiều sáng kiến tạo ra các mô hình sản xuất như khai hoang đất để trông khoai, bí, mô hình nuôi Đà Điểu để nhân giống... Cuộc đời Hải dù ở đâu đi chăng nữa, công việc đối với ông vẫn là số một. Nước da cháy nắng cùng tướng mạo rất “ngoại quốc” đã gắn tên ông với biệt danh “Hải Robert”.
Và Hải cũng không hề từ chối cái biệt danh ấy, trái lại ông lấy làm “khoái” vì tướng tá của mình. Ở trong tù, ông được các bạn tù tôn làm đại ca bởi tướng mạo gan lì, sẵn sàng đấu tranh với cái ác, cái xấu. Nhờ cải tạo tốt, có nhiều đóng góp cho kinh tế của trại nên sau 10 năm ở tù, năm 2005, Lê Minh Hải được hưởng đặc xá.
Mười năm trong tù thì có đến hơn 2 năm Hải phải nằm phòng biệt giam dành cho tử tù. Khoảng thời gian đó tuy không nhiều nhưng cũng quá dài đối với ông. Khi tuổi trẻ, và sức khỏe đang trong thời kì “hoàng kim” nhất thì ông bị dính vào vòng lao lý. Khi ra tù, Hải đã ngoài 50, cái tuổi mà con người ta đã đủ đầy về kinh tế hoặc chí ít cũng được thảnh thơi, thư nhàn bên con cháu còn ông bắt đầu lại với con số 0.
\
Hải Robert bên cạnh thần tượng Napoleong cưỡi ngựa phi về phía mặt trời
“Kẻ hành khất” trên con tàu không tưởng
Để gặp được Hải Robert bây giờ không dễ chút nào bởi ông thường xuyên bận bịu với các dự án, đi công tác liên miên và nếu có ở nhà thì ông cũng làm việc thâu đêm suốt sáng. Ông bảo, từ khi ra tù tới nay cũng gần 10 năm nhưng ông chưa có một ngày nghỉ ngơi.
Công việc, dự tính cứ quấn ông đi mà nếu không thì ông cũng tự đi tìm việc để làm. Hải Robert tâm sự: “Những năm tháng ở tù đã cho tôi quá nhiều bài học, nỗi ám ảnh về cái chết, đến giờ khi nghĩ lại tôi vẫn rùng mình. Tôi lấy công việc làm thú vui và niềm đam mê của mình. 10 năm trong tù là thời gian nghỉ ngơi quá dài của một đời người rồi”.
Thật vậy, sau khi ra tù, Lê Minh Hải quay về tạ tội với cha mẹ, sau đó ông vùi đầu vào công việc như thể ngày mai không còn nữa. Việc đầu tiên Hải vẫn mê biển, mê tôm cá và những con tàu. Ông là người Việt Nam đầu tiên mua ụ nổi từ nước ngoài về để phục vụ cho việc đóng mới, sửa chữa tàu biển.
Ông mua tàu cánh ngầm để theo đuổi tiếp dự án khai thác san hô đỏ ngoài vùng biển Việt Nam. Ông là nhà đầu tư số một Việt Nam về nuôi cấy cá Tầm - một loài cá đắt và quý giá ở Việt Nam và Myanmar. Nhưng dường như vận hạn vẫn chưa buông tha cho Hải Robert, dưới tư cách pháp nhân là chủ tịch HĐQT của Vinashin Vũng Tàu, Hải cùng người Nga mua ụ nổi trên đường về Việt Nam thì gặp phải siêu bão Billis tháng 7/2006.
Hậu quả, ụ nổi chìm xuống đáy biển. Vậy là bao nhiêu vốn liếng vun vén, vay mượn chưa kịp phát huy tác dụng thì bị bão cuốn trôi. Mặc dù đã mua bảo hiểm nhưng công ty bảo hiểm dây dưa mải không chịu đền bù. Lê Minh Hải phải gửi đơn lên tòa án London yêu cầu can thiệp. Sau bốn năm, gần 10 tỉ USD bị chôn vùi xuống đáy biển mới hoàn lại.
Bước ra từ cõi chết, sau những bão tố có những lúc tưởng từng như cuốn phăng thân xác tiều tụy, héo hon thì Hải vẫn đứng dậy. Ông vẫn sống và trở về thật kỳ diệu nên khó khăn chỉ là một phần rất nhỏ, khổ ải chỉ là cơn gió thoảng qua, không hề làm Hải phải nhụt chí.
Trên cương vị là một doanh nhân, ông từng tháp tùng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sang nước ngoài và ký kết các hợp đồng làm ăn với nước bạn. Trên những vùng đất khô cằn, nắng cháy, dưới bàn tay và khối óc của Hải Roert đã biến thành những khu nuôi trồng thủy sản trù phú hay những dự án du lịch sinh thái đã nằm trên bản thiết kế.
Với bộ quần áo bò cùng chiếc mũ phớt, Lê Minh Hải xuất hiện mọi nơi, bàn chân ông đi qua đâu là ở đó có những đau đáu, trăn trở làm kinh tế. Ông tự nhận mình là kẻ “hành khất” đi tìm hoài bão ở những vùng đất chết.
“Tôi vẫn còn nghèo lắm, khi nào tôi giàu có tôi sẽ đội phũ cao bồi. Mặc dù thích lắm nhưng bây giờ vẫn chưa dám đội sợ người ta cười. Bạn bè tôi thường bảo, Hải Robert có nhiều ý tưởng sáng tạo khác người. Đúng vậy, tôi làm những gì người khác chưa nghĩ tới. Tuy nhiên, phải có máu “liều” mới làm được”, Hải Robert cho biết.
Lê Min Hải có hai người con trai du học tại Mỹ. Hiện, người con cả đã về Việt Nam phụ ba điều hành công ty. Còn vợ ông luôn là hậu phương vững chắc đón ông trở về sau những lần ông mệt mỏi. Ông tâm sự: “Vợ tôi là người bạn đời thật tuyệt vời. Tôi có được như ngày nay và vững lòng vượt qua khó khăn chính là nhờ bà ấy”.
Trong phòng làm việc của Hải Robert luôn treo tấm hình của hoàng đế Napoleon – đó là thần tượng của ông. Ông ví mình giống Napoleon đang cưỡi ngựa phi về phía mặt trời, ngay phía dưới chân ngựa là vực núi thăm thẳm. Ngựa của ông chỉ tiến chứ không bao giờ lùi, bởi lùi sẽ rớt xuống vực thẳm không thể có cơ hội quay trở về. |
Hoa Nguyên (nguoiduatin.vn)
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 23/12/2024: Biến động trái chiều
Giá ngoại tệ ngày 23/12/2024: USD vẫn tăng mạnh nhờ động thái của Fed
Kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống ngành Điện lực Việt Nam (21/12/1954 - 21/12/2024)
Quyết liệt và toàn diện hơn trong tái thiết, phục hồi sau thiên tai
Căn hộ dịch vụ cho thuê thu hút sự chú ý lớn từ các nhà đầu tư
Những dấu ấn nổi bật ngành công thương năm 2024