"Vướng" nợ xấu, lương nhân viên ngân hàng vẫn cao ngất
Mặc dù tỉ lệ nợ xấu tại các Ngân hàng lớn như Vietcombank, Vietinbank, SHB... hiện nay tăng hơn so với cuối năm ngoái. Tuy nhiên, lương bình quân hàng tháng của nhân viên tại các Ngân hàng này vẫn cao ngất ngưởng.
Mức lương đứng ở vị trí đầu bảng là Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) với bình quân thu nhập là 20,21 triệu đồng/tháng. Theo sau là Vietcombank và Vietinbank với mức lương bình quân 20,15 triệu đồng/tháng.
Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) cho biết, quý I/2015, tổng số ngân hàng có 19.183 cán bộ nhân viên và tổng chi phí cho nhân viên là 1.163,2 tỷ đồng. Bình quân, mỗi nhân viên BIDV nhận thu nhập 20,21 triệu đồng/tháng.
BIDV cho biết đạt lợi nhuận sau thuế quý này là 1.865 tỷ đồng, cao hơn quý trước là 1.544,7 tỷ đồng do ngân hàng điều chỉnh các khoản chi phí nội nội giữa ngân hàng và công ty con.
Báo cáo tài chính quý I/2015 vừa được Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) công bố cho biết, lợi nhuận sau thuế đạt 1.248 tỷ đồng, cao hơn cùng kỳ 2014 (là 1.139,9 tỷ đồng).
Tính tới thời điểm 31/3/2015, ngân hàng có tổng số 19.708 nhân viên, tổng chi phí quý I cho nhân viên là 1.191,8 tỷ đồng, tức trung bình thu nhập của mỗi nhân viên Vietinbank đạt 20,15 triệu đồng/tháng.
Không kém cạnh, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) báo cáo, quý I/2015, dù lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 1.134,6 tỷ đồng, thấp hơn cùng kỳ 2014 (là 1.169,8 tỷ đồng) nhưng tổng số 14.099 nhân viên của ngân hàng cũng được hưởng chi phí lương và phụ cấp là 852,3 tỷ đồng. Như vậy, bình quân, mỗi nhân viên Vietcombank có thu nhập 20,15 triệu đồng/tháng.
Khá nhiều ngân hàng cũng có mức thu nhập đáng mơ ước trong quý I năm nay, như Ngân hàng Quân đội (MB) với 17,72 triệu đồng/người/tháng, Ngân hàng Á Châu (ACB) là 17,27 triệu đồng/người/tháng, Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Thương Tín (Sacombank) là 16,74 triệu đồng/người/tháng, Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) là 15,17 triệu đồng/người/tháng...
Dù lương cao, nhưng theo báo cáo tài chính của các ngân hàng, tỷ lệ nợ xấu của nhiều ngân hàng lớn lại tăng. Cụ thể, Vietcombank tăng tỷ lệ nợ xấu từ 2,3% cuối 2014 lên 2,66% vào cuối tháng 3/2015. Sacombank tăng từ 1,18% lên 1,55%, SHB tăng từ 2,02% lên 2,66%, Techcombank cũng tăng từ 2,38% lên 2,58%....
Theo báo cáo tài chính của Vietcombank, hiện VCB chưa bán lại một đồng nào nợ xấu cho Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC). Nhìn rộng ra, với bất kỳ ngân hàng thương mại nào, mức độ bán cho VAMC càng lớn thì nợ xấu trên sổ sách báo cáo còn lại càng “đẹp”.
Theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước về đợt cao điểm bán lại nợ xấu cho VAMC trong quý 2/2015, dự kiến Vietcombank sẽ “phải” bán lại khoảng 1.000 tỷ đồng. Quy mô này nhỏ hơn nhiều so với một số “ông lớn” khác dự tính đăng ký bán tới 4.000 - 8.000 tỷ đồng năm nay.
Tuy nhiên, theo lý giải của Ngân hàng Nhà nước, trong 2 tháng đầu năm, nợ xấu có chiều hướng tăng nhẹ là mang tính quy luật (tăng vào các tháng đầu năm, giảm vào tháng cuối năm). Ngân hàng Nhà nước khẳng định mức nợ xấu trên vẫn trong tầm kiểm soát, nằm trong dự tính và đến ngày 30/6 sẽ xử lý được tối thiểu 60% tổng số nợ xấu phải xử lý theo kế hoạch năm 2015.
Ngọc Huệ
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Chứng khoán Sen Vàng GLS bị phạt gần 400 triệu đồng
AEON mở cửa xuyên Tết Ất Tỵ
Giá vàng thế giới đạt đỉnh cao nhất trong hơn hai tháng
Giá ngoại tệ ngày 22/1/2025: USD lao dốc ngược chiều giá vàng
Giá heo hơi ngày 22/1/2025: Không biến động trên toàn quốc
Giá nông sản ngày 22/1/2025: Hồ tiêu và cà phê đồng loạt tăng mạnh
Cột tin quảng cáo