“Xoay trục châu Á” giúp Mỹ bán vũ khí
Theo Reuters, Hiệp hội Công nghiệp hàng không vũ trụ Mỹ (AIA) khẳng định chính sách “tái cân bằng” châu Á - Thái Bình Dương của chính quyền Tổng thống Obama sẽ còn giúp doanh thu từ việc bán vũ khí của Mỹ cho các đồng minh khu vực châu Á tăng mạnh trong những năm tới.
AIA là tổ hợp thương mại gồm các thành viên là tập đoàn quốc phòng Mỹ như Lockheed Martin Corp, Boeing Co. và Northrop Grumman Corp.
Cơ hội tăng thương mại vũ khí
* 63 tỉ USD năm 2012: “AIA cho biết thương mại vũ khí của Mỹ tại châu Á - Thái Bình Dương năm 2012 đạt 13,7 tỉ USD, tăng 5,4% so với năm 2011. Trong năm 2012, doanh số các hợp đồng bán vũ khí của Chính phủ Mỹ lên đến 63 tỉ USD. Khảo sát của Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội cho biết các tập đoàn Mỹ đã thu về 66,3 tỉ USD từ những thỏa thuận chuyển giao vũ khí năm 2011, tức gần 78% các hợp đồng toàn thế giới”.
Theo trang Anti-war.com, ở thời điểm doanh số buôn bán vũ khí của Mỹ sang châu Âu có phần giảm sút, chính sách mới của ông Obama giúp ngành công nghiệp vũ khí nước này tiếp tục ăn nên làm ra. Sự lo ngại của các nước trong khu vực trước một Trung Quốc ồ ạt tăng chi phí quốc phòng và liên tục gây căng thẳng trên biển Hoa Đông và biển Đông đã giúp Mỹ đẩy nhanh bán vũ khí sang Nam Á và Đông Á. Nhờ đó, các tập đoàn Mỹ đã có thể bù đắp được sự sụt giảm ở thị trường châu Âu.
Bộ Quốc phòng Mỹ đang có kế hoạch chào hàng thêm các hệ thống vũ khí tối tân hơn nữa nhằm tăng cường sức mạnh cho mạng lưới tình báo và do thám ở châu Á - Thái Bình Dương.
Chuyên gia quốc phòng Richard Whittington thuộc Hãng Drexel Hamilton nhận định bốn đại gia Mỹ là Lockheed, Boeing, Northrop và Raytheon sẽ hưởng lợi nhiều nhất từ chính sách của Mỹ. Các tập đoàn này chuyên cung cấp các thiết bị vệ tinh, rađa, trạm theo dõi, tên lửa bắn chặn..., các loại vũ khí mà nhiều nước châu Á - Thái Bình Dương đang có nhu cầu cao.
Nhiều “hàng” mới
Tháng 12-2012, chính quyền Mỹ đã chính thức đề xuất hợp đồng 1,2 tỉ USD bán máy bay do thám siêu hiện đại RQ-4 Global Hawk của Hãng Northrop Grumman cho Hàn Quốc. Đây là thiết bị có bộ cảm ứng Raytheon giúp quan sát được các khu vực rộng lớn cả đêm và ngày, giúp tăng khả năng theo dõi Triều Tiên từ Hàn Quốc. Bốn năm qua, Seoul luôn tỏ ra rất quan tâm tới hệ thống Global Hawk nhưng Nhà Trắng trì hoãn tới nay.
Đây sẽ là hợp đồng Global Hawk đầu tiên của Mỹ cho châu Á - Thái Bình Dương. Theo Northrop Grumman, cả Úc, Nhật và Singapore cũng đang rất quan tâm tới thiết bị này. Trong khi đó, Nhật Bản đang nổi lên như một đối tác quan trọng nhất của Mỹ trong việc hình thành mạng lưới phòng vệ tên lửa tại châu Á. Chính quyền Mỹ đã thông báo trước Quốc hội về việc Nhật đang muốn chi 421 triệu USD nâng cấp hệ thống tên lửa đánh chặn Aegis cho cặp tàu khu trục có tên lửa hướng dẫn để bảo vệ tốt hơn lãnh thổ khỏi các vụ tấn công tên lửa đạn đạo.
Vũ khí của Mỹ bán cho Ấn Độ hiện có giá tổng cộng 8 tỉ USD, một tỉ lệ tăng rất lớn nếu tính năm 2008 chỉ gần như bằng 0. Dự kiến con số này sẽ còn tiếp tục tăng lên. Ấn Độ có kế hoạch chi khoảng 100 tỉ USD trong 10 năm tới để nâng cấp kho vũ khí nhằm đối phó với nguy cơ xung đột ở biên giới Ấn Độ - Trung Quốc. Đài Loan cũng đã có hợp đồng với Lockheed Martin trị giá 1,85 tỉ USD để cải tiến 145 máy bay chiến đấu F-16A/B, bổ sung hệ thống rađa hiện đại và các cải tiến khác.
Món hàng cao cấp nhất mà Mỹ đang mời chào hiện nay là máy bay tiêm kích F-35 có khả năng tránh rađa do Hãng Lockheed Martin sản xuất. Nhật đã chọn F-35 để thay thế thế hệ F-4 cũ hơn trong đội hình máy bay chiến đấu chính với hợp đồng hơn 5 tỉ USD. Cả Singapore và Hàn Quốc cũng đang ngắm nghía F-35.
Hồng Lĩnh (Theo Tuổi Trẻ)
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Bí ẩn chiếc vali hạt nhân và tấm thẻ nhựa ông Donald Trump được trao trong lễ nhậm chức Tổng thống Mỹ
Những điều mong đợi tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới 2025
Thị trường thế giới biến động thế nào sau khi lễ nhậm chức của Tổng thống Trump?
Tổng thống Donald Trump đe dọa trừng phạt nước Nga nếu Tổng thống Putin không đồng ý việc này