Quốc tế

1/4 doanh nghiệp Nhật sẽ bỏ Trung Quốc

Theo cuộc điều tra của hãng tin Reuters, sau những căng thẳng gần đây giữa Nhật Bản và Trung Quốc xung quanh quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư, có khoảng 1/4 số doanh nghiệp Nhật Bản tại Trung Quốc đang lên kế hoạch di dời sang các nước ASEAN.

Số liệu từ Bộ Tài chính Nhật Bản cho thấy đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Nhật Bản vào Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã tăng gấp đôi năm 2011, lên mức kỷ lục 1.550 tỷ yên (19,5 triệu USD). FDI ròng của Nhật Bản vào Trung Quốc vẫn đang tăng lên, đạt mức kỷ lục 1.000 tỷ yên trong năm 2011.

Tuy nhiên, các công ty của Nhật Bản, được khuyến khích mở rộng quy mô ra nước ngoài do giá trị đồng yên mạnh, đang ngày càng sử dụng Đông Nam Á như một cơ sở sản xuất thay thế để bù lại những rủi ro ở Trung Quốc. Các nhà lãnh đạo chính phủ và doanh nghiệp của Nhật Bản cũng đề cập tới khả năng mở cửa thị trường ở Myanmar, đầu tư hàng triệu USD vào cơ sở hạ tầng, xóa nợ và tái cấp vốn.

Việc các công ty Nhật Bản đầu tư vào khu vực Đông Nam Á không chỉ bởi khu vực này có giá nhân công rẻ. Nhu cầu của khu vực 600 triệu dân này đối với các loại xe hơi đồ điện tử và các dịch vụ của Nhật Bản cũng ngày càng tăng. Malaysia và Philippines, nơi người dân có thu nhập cao hơn Campuchia, cũng đang thu hút sự quan tâm của Nhật Bản.

Việc đầu tư vào hệ thống đường sắt và đường bộ cũng tăng mạnh và ASEAN đang hướng tới việc thiết lập một thị trường chung theo kiểu của Liên minh châu Âu vào cuối năm 2015, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các công ty đa quốc gia kết nối các hoạt động xuyên quốc gia của họ. Các nền kinh tế trong khu vực này đã phục hồi mạnh mẽ trong năm nay, trong khi Mỹ, châu Âu và Trung Quốc đang tăng trưởng chậm.

Số liệu từ Bộ Tài chính Nhật Bản cho thấy đầu tư ròng của Nhật Bản vào ASEAN đã lên tới 418 tỷ yên trong 8 tháng đầu năm, song các con số này có thể không phản ánh hết các thỏa thuận đã được hai bên cam kết. Trong quý II/2012, FDI ròng của Nhật Bản vào ASEAN đã tăng 37% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo số liệu thống kê của Ủy ban Đầu tư Thái Lan, trong 9 tháng đầu năm 2012, các khoản đầu tư được thông qua của Nhật Bản tại Thái Lan tăng gần gấp 3, đạt mức xấp xỉ khoảng 8,1 tỷ USD. Phó Chủ tịch ban Quản trị của Tập đoàn Nissan, Hiroto Saikawa, nói: "Chúng tôi tăng cường đầu tư vào Thái Lan bởi chúng tôi tin vào sự tăng trưởng tại khu vực ASEAN và Thái Lan. Mặc dù nền kinh tế Trung Quốc đang tăng trưởng chậm lại song Trung Quốc vẫn đang phát triển và là một thị trường quan trọng của chúng tôi".

Đầu tư ròng trực tiếp của Nhật Bản tại Indonesia - nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á - đang tiếp tục tăng lên mức kỷ lục trong năm nay, sau khi tăng từ 41 tỷ yên năm 2010 lên 288 tỷ yên năm 2011. Theo Bộ Tài chính Nhật Bản, trong 8 tháng đầu năm nay, tổng đầu tư ròng của Nhật Bản đã đạt 237 tỷ yên. Tháng 10 vừa qua, Nhật Bản cho biết nước này có kế hoạch hỗ trợ 13 tỷ USD để gây quỹ cho các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng ở Indonesia - quốc gia với 220 triệu dân và đang trở thành một thị trường lớn.

Thái Lan từ lâu luôn là trung tâm sản xuất được các công ty Nhật Bản ưu thích, tuy nhiên, sau trận lũ lụt kinh hoàng tại quốc gia này hồi năm ngoái, họ đang tìm cách mở rộng hoạt động ra nhiều nước Đông Nam Á khác. Trong những năm gần đây, bang Penang ở phía Bắc Malaysia - đang đặt mục tiêu trở thành trung tâm hậu cần của khu vực, và các khu vực xung quanh gần biên giới Thái Lan đang chứng kiến làn sóng các công ty Nhật Bản ồ ạt đổ vào đây.

Trong khi đó, Philippines lại giành được những khoản đầu tư của Nhật Bản vào các lĩnh vực công nghệ cao như in lade và sản xuất các loại ống kính camera kỹ thuật số tiên tiến. FDI ròng của Nhật Bản đổ vào Philippines đã tăng gấp đôi trong năm 2011, lên 81 tỷ yên.

Lũ lụt tại Thái Lan đã đem lại cơ hội cho ngành công nghiệp sản xuất đang phát triển của Campuchia - nơi chi phí nhân công chỉ bằng 1/4 của Trung Quốc. Mặc dù vậy, hiện nay, Campuchia vẫn tiếp tục tập trung vào các công việc lắp ráp không đòi hỏi kỹ thuật cao.

Peter Brimble, nhà kinh tế kỳ cựu phụ trách Campuchia của Ngân hàng Phát triển châu Á, nói: "Rất khó thuyết phục các nhà đầu tư Nhật Bản, song một khi thuyết phục được họ, họ sẽ nhanh chóng tiến hành hoạt động". Ông cho biết, tại Campuchia - một trong số những quốc gia nghèo nhất khu vực, các nhà đầu tư Nhật Bản "đã ra quyết định" cho dù vẫn có những lo ngại rằng về tình trạng thiếu lao động có trình độ và cơ sở hạ tầng giao thông yếu kém. Các số liệu thống kê của Campuchia cho thấy đầu tư của Nhật Bản tại Campuchia đã tăng từ 75 triệu USD trong năm 2011 lên 300 triệu USD trong năm nay.

Hiroshi Uematsu, người đứng đầu một khu kinh tế tại Campuchia, cho biết bắt đầu từ năm 2010, các công ty Nhật Bản tỏ ra quan tâm tới Campuchia, sau khi làn sóng biểu tình chống Nhật tại Trung Quốc nổi lên và lên đến đỉnh điểm vào tháng 9 vừa qua. Uematsu nói rằng Trung Quốc cũng đang trở thành vấn đề khiến các công ty Nhật Bản phải "đau đầu" bởi giá nhân công tăng cao và mối quan hệ với người lao động đôi khi không được thuận lợi. Ông nói: "Những người Trung Quốc trẻ tuổi không muốn làm việc trong nhà máy nữa. Họ có nhiều cơ hội khác".

Uematsu cho biết thêm rằng các công ty Nhật đang ngày càng quan tâm tới Thái Lan, Campuchia và Việt Nam với tư cách là một hành lang sản xuất thống nhất. Ông so sánh khu vực MeKong này với các thành phố công nghiệp chính của Nhật Bản: "Thật là vô lý khi chia họ thành 3 quốc gia riêng rẽ. Đây là một khu vực. BangKok là Tokyo, Pnôm Pênh là Nagoya và thành phố Hồ Chí Minh là Osaka".

 

 

Hồng Lĩnh (Theo Dân Trí)

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo