1,84% người thất nghiệp: Tin được không?
Với tỉ lệ thất nghiệp 1,84% thì kinh tế Việt Nam phát triển ngon hơn cả kinh tế Mỹ với tỉ lệ thất nghiệp của tháng 8-2014 là 6,2%!
Con số 1,84% được công bố trong “Bản tin thị trường lao động Việt Nam số 3 năm 2014” ngày 3-9 của Bộ LĐ-TB-XH tiếp tục gây chú ý tại phiên họp của Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội ngày 25-9. Sau giải trình của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Phạm Thị Hải Chuyền, dư luận không lắng dịu mà trái lại càng nóng lên. Ông Nguyễn Thanh Lâm - Giám đốc Công ty Tư vấn Đầu tư Phúc Khang, TP HCM - nhìn nhận: “Tôi không dám khẳng định đây là con số ảo, con số mà người được khảo sát đánh dấu bừa để nhận tiền, nhưng rõ ràng tỉ lệ thất nghiệp quý II/2014 ở Việt Nam là 1,84% đã cho một cái nhìn méo mó về bức tranh kinh tế và thị trường lao động trong bối cảnh nền kinh tế tiếp tục đối diện với nhiều khó khăn, thách thức”.
Thống kê uy tín (!)
Theo Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền, tỉ lệ thất nghiệp 1,84% trong quý II là căn cứ số liệu điều tra của Tổng cục Thống kê. Không phải đến bây giờ mà nhiều năm qua, Việt Nam vẫn tính như thế. Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết thêm con số này dựa theo cách tính của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) và được hầu hết các nước áp dụng: thất nghiệp là những người mà trong tuần diễn ra khảo sát không làm việc, đã đi tìm việc và sẵn sàng làm việc.
Theo định nghĩa này thì một người vừa bị đuổi khỏi nhà máy hoặc một người không có nghề ngỗng gì nhưng nếu xách xe chạy vài cuốc xe ôm, được ai đó thuê bốc vác hàng hoặc phát tờ rơi vài tiếng đồng hồ; buôn thúng, bán mẹt, gánh ve chai; thậm chí những thanh thiếu niên khuyết tật bán vé số hay tăm xỉa răng ở ngã tư đường cũng được xem là “có việc làm” và không nằm trong con số 1,84% người thất nghiệp.
Trước đó, trả lời báo chí sau khi tỉ lệ thất nghiệp được công bố, bà Nguyễn Thị Lan Hương, Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội Việt Nam, cũng khẳng định cuộc điều tra này rất uy tín, do quốc tế hỗ trợ, được thực hiện bằng phương pháp chọn mẫu là phương pháp rất chuẩn của thế giới về điều tra lao động, việc làm!
Thước đo không giống ai!
Có điều đáng suy nghĩ là tuy thừa nhận đó là phương pháp “chuẩn” của thế giới nhưng Viện Khoa học Lao động và Xã hội cũng cho rằng phương pháp này phản ánh không chính xác thực trạng thị trường lao động hiện nay.
Ở các nước, khái niệm thất nghiệp dùng chỉ những người trong độ tuổi lao động nhưng không tạo ra thu nhập, không có thu nhập ổn định từ sức lao động của mình, những người phải sống dựa vào trợ cấp thất nghiệp, phúc lợi xã hội; những người có việc làm nhưng sau đó mất việc, người được đào tạo ở bậc cao phải làm công việc tạm bợ... Còn ở Việt Nam, Bộ LĐ-TB-XH cho rằng nền kinh tế Việt Nam là “nền kinh tế có độ mở lớn và mềm dẻo” nên bất kỳ ai “có việc làm”, bất kể làm gì miễn được trả công thì đều không được xếp vào nhóm thất nghiệp.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Hưng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, Phát triển nguồn nhân lực Việt Nam, cho rằng: “Tỉ lệ thất nghiệp phản ánh sức khỏe của nền kinh tế. Chẳng hạn ở Mỹ, hằng tháng đều có công bố con số người nộp đơn xin hưởng trợ cấp thất nghiệp, so sánh tăng giảm so với cùng kỳ hoặc tháng trước đó, số chỗ làm mới được tạo ra... Chỉ cần nhìn vào những con số này người ta sẽ biết ngay tình hình kinh tế của nước Mỹ như thế nào. Dẫn chứng như vậy để thấy tầm quan trọng và sự cần thiết của các con số về thất nghiệp và việc làm. Nó là căn cứ để Quốc hội, Chính phủ ban hành các chính sách kinh tế - xã hội. Nếu con số đưa ra là “ảo” hoặc thiếu chính xác sẽ dẫn đến việc ban hành các chính sách không phù hợp, thậm chí sai lệch. Điều đáng nói là chính ILO cũng thừa nhận cách đánh giá trên chưa phù hợp với các nước mà nền nông nghiệp vẫn còn chiếm số đông lao động như Việt Nam; thế thì câu hỏi đặt ra là có nên tiếp tục áp dụng cách điều tra, đánh giá này nữa hay không?”.
Lợi bất cập hại hay nguy hại khó lường
Nhiều chuyên gia lao động đã đưa ra các kịch bản xấu cho nền kinh tế nếu con số 1,84% thất nghiệp là sai lệch. Thấy rõ nhất là các nhà quản lý giáo dục, đào tạo; các cơ sở dạy nghề sẽ đinh ninh rằng mình đang đào tạo đúng hướng, đáp ứng đúng nhu cầu của thị trường lao động trong khi thực tế hiện nay cung và cầu nhân lực đang “lệch pha”. Thứ hai, các tổ chức quốc tế, các quốc gia sẽ ngưng những khoản cho vay ưu đãi, các dự án ODA, các gói hỗ trợ nhân đạo... vì với tỉ lệ thất nghiệp 1,84% thì kinh tế Việt Nam phát triển ngon lành hơn cả kinh tế Mỹ với tỉ lệ thất nghiệp của tháng 8-2014 là 6,2%!
Tất nhiên là còn nhiều hệ lụy xấu cho kinh tế, xã hội mà một người có hiểu biết chút ít cũng sẽ nhận ra. Chính Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, bà Trương Thị Mai, cũng bày tỏ sự không hài lòng với con số và phương pháp thống kê này. Trong phiên họp ngày 25-9, bà Trương Thị Mai đã nói thẳng: Tiêu chuẩn của ILO là như thế nhưng có phù hợp với Việt Nam, có nhất thiết phải áp theo công thức của ILO? Đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư cân nhắc thêm về con số thất nghiệp và trao đổi với Bộ LĐ-TB-XH. Một con số công bố mà xã hội phản ứng, chưa chấp nhận thì cần xem xét lại.
Những con số trong mơ!
Theo bản tin “Cập nhật thị trường lao động số 3 năm 2014” được Bộ LĐ-TB-XH công bố ngày 3-9, tỉ lệ thất nghiệp của cả nước trong quý II/2014 là 1,84%, thấp nhất trong vòng một năm qua. So với quý I/2014, nhóm người bị thất nghiệp không có chuyên môn kỹ thuật giảm 108.000 người; nhóm người bị thất nghiệp có trình độ cao đẳng giảm 17.100 người và nhóm người bị thất nghiệp có trình độ đại học trở lên giảm 15.400 người.
Còn theo Tổng cục Thống kê thì tỉ lệ thất nghiệp cả nước những năm gần đây như sau: 2010 là 2,8%; 2011 là 2,2%; 2012 là 1,96% và 2013 là 2,2%.
Theo Người lao động
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo