Xã hội

10.000 tỷ đóng tàu:Chưa dám ra Hoàng Sa bằng mẫu tàu SBIC!

Ngư dân Trần Văn Châu (Nam Định), người đang vận hành mẫu tàu cá vỏ thép đầu tiên do SBIC đóng cho rằng con tàu còn nhiều điểm thiếu phù hợp

 Ngày 18/4/2014, ngư dân Trần Văn Châu (Hải Chính, Hải Hậu, Nam Định) nhận mẫu tàu cá vỏ thép Hải Âu 02 do Công ty CP Công nghiệp tàu thủy Sông Đào (Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy - SBIC) đóng mới.

Chiều ngày 23/6/2014, trao đổi với phóng viên, ngư dân này cho biết mẫu tàu còn nhiều hạn chế, không được như những gì họ mong đợi.
 
Anh Châu cho biết con tàu này được mua theo kiểu vốn đối ứng của ngư dân một phần, số tiền còn thiếu do công ty SBIC ứng ra cho vay và trả dần trong thời hạn từ 5 - 10 năm.
 
Từ ngày nhận tàu cho đến nay, chuyến ra khơi của anh đang là chuyến thứ tư, hiện tại, anh đang đánh bắt ở vùng biển gần bờ Nghệ An - Thanh Hóa.
 
"Ba chuyến ra khơi trước chỉ là những chuyến đi thử nghiệm, tàu chạy ra và sau đó chạy về sửa chữa cho phù hợp với tính chất của nghề lưới rê tôi đang làm. Đến lần thứ tư này mới có thể được coi là đi khai thác đánh bắt. Chưa một lần nào tôi thử đánh bắt xa bờ ở ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa với con tàu này." - Anh Trần Văn Châu cho biết.
 
Lễ bàn giao tàu cá vỏ thép Hải Âu 02 cho ngư dân Trần Văn Châu (Ảnh: QĐND)
 
So với con tàu gỗ mà trước đây anh sử dụng, ngư dân này nhận định: "Tất nhiên tàu vỏ thép thì có sức chống chịu tốt hơn với điều kiện thời tiết, sóng biển, trên tàu cũng rộng rãi hơn, nơi ăn ở của thuyền viên cũng có nhiều tiện ích hơn so với tàu vỏ gỗ trước đây.
 
Tuy nhiên, tàu còn nhiều điểm cần khắc phục, mà trước hết là nó chưa thực sự phù hợp với nghề đánh bắt là lưới rê. Những hạn chế này khiến chúng tôi phải có những sự điều chỉnh nhất định để nó phù hợp với tập quán và thói quen đánh bắt."
 
Ngư dân Trần Văn Châu cho rằng những hạn chế này đều có thể khắc phục được, nhưng sẽ mất thời gian và công sức hơn. Còn nếu không điều chỉnh, những chuyến ra khơi ấy không mang lại hiệu quả cao.
 
Lý giải cho việc vì sao chưa vươn khơi đánh bắt xa bờ với con tàu vỏ thép này, anh Châu cho biết: "Hiện tại vẫn chưa vào mùa cá, và thêm nữa chúng tôi cũng chưa có vốn để mua dầu, mua nguyên liệu để đánh bắt xa bờ, bám biển nhiều ngày. Tàu lớn máy lớn nên chi phí cũng tốn kém hơn. Trong khi đánh bắt gần bờ thì sản lượng thời gian gần đây rất ít. Đi chuyến nào thì chỉ lỗ hoặc hòa vốn chuyến đó, lãi không đáng kể."
 
Ngoài anh Trần Văn Châu, còn có một ngư dân được đi thử mẫu tàu này của SBIC là anh Mai Văn Thành (Bình Sơn, Quảng Ngãi).
 
Mẫu tàu cá của SBIC đóng cho ngư dân Quảng Ngãi
 
Tuy anh Thành đang ra khơi không thể liên lạc được, nhưng ông Nguyễn Quốc Chinh, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá Lý Sơn (Quảng Ngãi) đã thông tin với phóng viên:
 
"Tôi đã trực tiếp nói chuyện và xem xét con tàu vỏ thép này, thực ra nó phù hợp với nghề câu mực hơn là đánh bắt xa bờ. Để đánh bắt theo nghề lưới rê hay lưới kéo thì còn rất nhiều hạn chế và phải sửa đổi thiêt kế của con tàu."
 
Trước đó, nhiều chuyên gia hàng hải, nhiều ngư dân và nhiều nghiệp đoàn nghề cá chia sẻ với chúng tôi cho rằng cần phải có sự tham gia của ngư dân vào khâu thiết kế, sản xuất con tàu để khi họ bỏ đồng vốn vay ra sẽ nhận được về một sản phẩm phù hợp với kinh nghiệm sản xuất, đi biển của họ.
 
Còn cho vay vốn để mua tàu với kiểu "chìa khóa trao tay", ngư dân sẽ thiếu đi sự chủ động, dẫn tới thay đổi lại hoàn toàn kinh nghiệm, tập quán đánh bắt. Như thế là làm khó cho ngư dân, không tạo điều kiện để đạt được năng suất cao nhất.
 
"Một khi không đạt năng suất cao, con tàu không tương thích thì có lẽ ngư dân sẽ không tin tưởng vào những mẫu tàu vỏ thép ấy mà quay trở về với những con tàu vỏ gỗ của họ. Điều này sẽ dẫn tới sự thất bại của chương trình cho vay đóng tàu cá vỏ thép lần này." - Ông Nguyễn Quốc Chinh nhận định.
Báo Đất Việt
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo