10 loài thủy sản xuất khẩu có điều kiện
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vừa ban hành Thông tư quy định danh mục 10 loài thủy sản xuất khẩu có điều kiện, 16 giống thủy sản nhập khẩu có điều kiện và 9 sản phẩm xử lý, cải tạo môi trường dùng trong nuôi trồng thủy sản nhập khẩu có điều kiện.
Theo thông tư, Danh mục 10 loài thủy sản xuất khẩu có điều kiện, bao gồm: Tôm hùm ma, tôm hùm đá, tôm hùm đỏ, tôm hùm lông, tôm hùm bông, tôm hùm xanh, tôm hùm xám, các loài cá mú (cá song), cá cam (cá cam sọc đen), cá măng biển, cá mú vàng nước ngọt, cá ba sa, cá tra, cá chình nhọn, cá chình hoa, cá chình mun, cá chình Nhật, ếch đồng, cua biển.
Các loài thủy sản trong Danh mục thuỷ sản xuất khẩu có điều kiện nêu trên nếu đáp ứng đủ các điều kiện tại Phụ lục 02 của Thông tư, khi xuất khẩu, thương nhân thực hiện thủ tục tại hải quan. Đối với các loài thủy sản thuộc CITES quản lý thì thực hiện theo quy định của CITES Việt Nam.
Danh mục 16 giống thủy sản nhập khẩu có điều kiện, bao gồm: Cá tầm Nga, cá tầm Xi bê ri, cá tầm Sterlet, cá tầm Beluga, ốc vòi voi, cua huỳnh đế, tôm hùm Canada/tôm hùm Mỹ, sò điệp, hầu Phương đông/hầu Mỹ, hầu Thái Bình Dương, vẹm xanh, cua Dungeness, cua tuyết, ốc biển Đại Tây Dương, trai Địa Trung Hải, sò Manila.
Giống thủy sản trong Danh mục giống thuỷ sản được phép sản xuất, kinh doanh do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành hoặc có văn bản công nhận giống thuỷ sản mới, khi nhập khẩu, thương nhân thực hiện thủ tục nhập khẩu tại cơ quan hải quan và thực hiện kiểm tra chất lượng theo Thông tư số 26/2013/TT-BNNPTNT ngày 22/5/2013 ban hành về quản lý giống thủy sản.
Giống thủy sản chưa có tên trong Danh mục giống thuỷ sản được phép sản xuất, kinh doanh do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành hoặc Danh mục giống thủy sản nhập khẩu có điều kiện quy định tại Phụ lục 3 ban hành kèm theo Thông tư này hoặc chưa có văn bản công nhận giống thuỷ sản mới, khi nhập khẩu, phải được Tổng cục Thủy sản cấp phép để khảo nghiệm, nghiên cứu, giới thiệu tại hội chợ, triển lãm. Trình tự, thủ tục cấp phép được quy định tại khoản 3, khoản 4, khoản 5, khoản 6, khoản 7, khoản 8 Điều 32 và Điều 6 của Thông tư.
Bên cạnh đó, Thông tư quy định 9 sản phẩm xử lý, cải tạo môi trường dùng trong nuôi trồng thủy sản nhập khẩu có điều kiện với thành phần và điều kiện bổ sung cụ thể.
Đối với 9 sản phẩm xử lý, cải tạo môi trường nuôi trồng thuỷ sản đã có trong Danh mục được phép lưu hành tại Việt Nam hoặc có giấy chứng nhận lưu hành tại Việt Nam, khi nhập khẩu, thương nhân thực hiện thủ tục tại cơ quan hải quan và thực hiện kiểm tra chất lượng theo quy định hiện hành của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Trường hợp sản phẩm chưa có trong danh mục được phép lưu hành tại Việt Nam thương nhân thực hiện thủ tục đăng ký lưu hành sản phẩm trước khi nhập khẩu.
Đồng thời, sản phẩm xử lý, cải tạo môi trường nuôi trồng thuỷ sản nêu tại Phụ lục 4 nếu đáp ứng đủ các điều kiện, khi nhập khẩu, thương nhân chỉ phải làm thủ tục tại hải quan và thực hiện kiểm tra chất lượng theo quy định hiện hành của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
T. Hiền
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo