10 năm ra đời Ngày Doanh nhân và hai chữ “đắt” nhất
Sau 10 năm, nhiều giá trị mang tính thông điệp từ quyết định này dường như vẫn còn nóng hổi.
Hai chữ “đắt” nhất
"Tôi có thể nói rằng, hai chữ "đắt" nhất trong bức thư Bác Hồ gửi cho giới công thương vào ngày 13/10/1945 chính là "tận tâm", Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc bắt đầu câu chuyện về ngày doanh nhân Việt Nam từ chi tiết này.
Hơn một tháng sau ngày tuyên bố độc lập, Bác Hồ đã gửi một bức thư cho giới công thương, trong đó nhấn mạnh rằng "Chính phủ, nhân dân và tôi sẽ tận tâm giúp đỡ giới thương nhân trong công cuộc kiến thiết này".
Một chính trị gia khi bước lên vũ đài, nếu có một vài tuyên bố làm hài lòng giới này giới khác cũng là lẽ thường. Nhưng nếu đọc lại bức thư mà Bác đã viết, đặt trong bối cảnh xã hội lúc đó, thấy thông điệp của Bác là rất rõ ràng và đầy tính khẳng định về vai trò quan trọng của giới công thương, lực lượng được nhận định là "trong lúc các giới khác trong quốc dân ra sức hoạt động để giành lấy nền hoàn toàn độc lập của nước nhà thì giới công thương phải hoạt động để xây dựng một nền kinh tế và tài chính vững vàng và thịnh vượng".
Càng đáng chú ý hơn khi tinh thần "nước giàu dân mạnh", cùng "win-win" đã được Bác nhấn mạnh trong bức thư lịch sử này, khi viết rằng: "Việc nước và việc nhà bao giờ cũng đi đôi với nhau. Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng nghĩa là các sự kinh doanh của các nhà doanh nghiệp thịnh vượng. Vậy, tôi mong giới công thương nỗ lực khuyên các nhà công nghiệp và thương nghiệp mau mau gia nhập công thương cứu quốc đoàn, cùng đem vốn vào làm công cuộc ích quốc lợi dân".
Vì những lý do lịch sử, "giới công thương" đã không ít phen điêu đứng kể từ ngày Bác viết bức thư đó, nhưng tinh thần kinh doanh thì vẫn như một dòng máu nóng chảy qua nhiều thập kỷ trong nhiều người Việt Nam, từ một "tư thương" đầy định kiến ba bốn thập kỷ trước hay một "tỷ phú Forbes" bây giờ.
Mười năm trước, ông Vũ Tiến Lộc, trong những lần trao đổi với nhà sử học Dương Trung Quốc, đã cùng mổ xẻ bức thư của Bác Hồ, và cùng chia sẻ rằng chữ “tận tâm” mà Bác đã sử dụng là không thể ý nghĩa hơn.
Ông nói, trong lúc nền độc lập còn “trứng nước”, Bác hiểu hơn ai hết vai trò của một “nền kinh tế và tài chính vững vàng và thịnh vượng", điều kiện cần để chế độ chính trị non trẻ mới được thiết lập có cơ hội trụ lại giữa áp lực từ nhiều phía.
Bối cảnh của những năm đầu thế kỷ 21 đã cho phép “giới công thương” nhận được cái nhìn khác hẳn. Luật Doanh nghiệp 1999 mở đường cho hàng ngàn doanh nghiệp ra đời và lớn mạnh dần, và quá trình đó nhận được sự cổ vũ, ủng hộ mạnh mẽ từ chính quyền. Ông Quốc và ông Lộc hiểu, cơ hội để làm sống lại thông điệp một thuở của Bác Hồ đã tới, và hai ông quyết định hiện thực hóa bằng một đề xuất gửi lên Văn phòng Chính phủ và Thủ tướng Phan Văn Khải.
Theo hồi ức của ông Vũ Tiến Lộc, quá trình này diễn ra khá nhanh.
Cho dù Văn phòng Chính phủ lúc đó có tiến hành thẩm định, công việc này “chủ yếu là hình thức”. Cuối tháng 8/2004 tờ trình được gửi đi thì ngày 20/9, Thủ tướng Phan Văn Khải ký quyết định chọn 13/10 làm “Ngày Doanh nhân Việt Nam”.
Dù rất phấn khởi, ông Lộc nói mình và cả ông Dương Trung Quốc đều “không ngạc nhiên”. Cho đến thời điểm đó, những cuộc gặp doanh nghiệp của Thủ tướng Phan Văn Khải mang lại cho cộng đồng doanh nghiệp nhiều sự tin tưởng và hy vọng.
Trong một bài viết ở giai đoạn cuối nhiệm kỳ Thủ tướng, ông Khải viết rằng “qua thực tiễn phát triển doanh nghiệp, hình thành đội ngũ doanh nhân”, bài học rút ra là phải “khơi dậy và phát huy tinh thần yêu nước, ý chí kinh doanh, giải phóng các lực lượng sản xuất, phát huy sức mạnh vật chất và trí tuệ, tinh thần của nhân dân, huy động và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế là nguồn gốc của mọi thắng lợi”.
“Thành công nhiều hay ít trong sự nghiệp đổi mới và phát triển đất nước tùy thuộc vào mức độ giải phóng nguồn sức mạnh vô tận này”, ông Khải khẳng định.
Cộng đồng doanh nhân thì cảm nhận ở đây không chỉ là một phát biểu: cùng với việc có “Ngày Doanh nhân”, sự đồng hành là điều đã nhìn thấy được từ chính quyền.
Đi tiếp hành trình
Sinh năm 1959 tại Thái Bình, ông Vũ Tiến Lộc kế nhiệm ông Đoàn Duy Thành làm Chủ tịch VCCI từ năm 2004. Trong hồi ký của mình, ông Thành giới thiệu về người kế nhiệm là “từ cán bộ của Viện Quản lý kinh tế Trung ương, tôi sử dụng làm thư ký và đào tạo, nay trở thành Chủ tịch VCCI”.
Ông Thành từng nổi tiếng với phương châm “Con cá nó sống vì nước - Chủ tịch VCCI sống vì doanh nghiệp”, rằng “có doanh nghiệp thì Chủ tịch VCCI mới có chỗ sống. Chủ tịch VCCI sống, thì phải làm vì doanh nghiệp”. Mười năm nay, phương châm ấy đã được các cán bộ kế cận ở VCCI tiếp nối.
Chính các lãnh đạo VCCI đã đưa ra và nhiều lần nhấn mạnh thông điệp "Doanh nhân - người lính thời bình" để tôn vinh các doanh nhân Việt Nam tiêu biểu, và thông điệp này đã được chấp nhận một cách rộng rãi.
Cũng chính VCCI đã kiến nghị và cá nhân ông Vũ Tiến Lộc từng trực tiếp tham gia biên tập đề án trình Bộ Chính trị để từ đó ban hành Nghị quyết 09 về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa và hiện đại hóa.
Ở một "mặt trận" khác, trong vai trò một đại biểu Quốc hội, ông cũng đã cùng một số đại biểu khác vận động thành công để doanh nghiệp, doanh nhân lần đầu tiên trong lịch sử được hiến định tại Hiến pháp 2013, một điều khiến "giới công thương" thời kỳ mới cảm thấy ấm lòng thật sự.
Trong khi đó, các nhiệm vụ khác của VCCI như xúc tiến thương mại và đầu tư, cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy tinh thần kinh doanh... vẫn được "tiếp lửa" một cách khá đều đặn trong thời gian qua và nhận được những cái vỗ tay từ nhiều chuyên gia quốc tế.
Ông Alain Cany, đồng Chủ tịch Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF), nói quá trình làm việc cùng ông Vũ Tiến Lộc là một trải nghiệm thú vị, vì “chúng tôi luôn có những tư duy và quan điểm thống nhất trong việc thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và tăng cường liên kết với các doanh nghiệp nước ngoài”.
“Ông Lộc luôn thể hiện mình như một “đại sứ kinh tế” của Việt Nam. Tôi thấy ông ấy có tư duy thông thoáng, luôn nỗ lực hết mình trong công cuộc hỗ trợ doanh nghiệp và phát huy vai trò của doanh nhân, và luôn là cầu nối hiệu quả để truyền tải các thông điệp của doanh nghiệp với Chính phủ”.
Theo Chủ tịch danh dự của Diễn đàn Kinh tế Việt Nam - Nhật Bản và nguyên là Tổng thư ký Đảng Dân chủ tự do Nhật Bản, ông Tsutomu Takebe, “đáng mừng là ở Việt Nam có những người như ông Vũ Tiến Lộc, người am hiểu Nhật Bản và có nhiều đóng góp trong thúc đẩy quan hệ giữa hai nước".
Giới truyền thông trong và ngoài nước nhiều năm nay thì ghi nhận hình ảnh một VCCI khá cởi mở và thân thiện, và một vị Chủ tịch VCCI luôn có mặt tại các điểm nóng của nền kinh tế, nhất là trong giai đoạn khó khăn gần đây, khi "giới công thương" đứng trước nhiều đợt "sóng cả".
Cho dù không thể là người đưa ra các quyết định về chính sách, sự tích cực của VCCI và ông Vũ Tiến Lộc trong vai trò một "chủ tịch hiệp hội" đã giúp cộng đồng doanh nghiệp có một "cầu nối" hữu hiệu với chính quyền để có thể chuyển tải những kiến nghị phong phú từ đời sống kinh doanh.
Một tinh thần "tận tâm" dường như đang được ban lãnh đạo VCCI tiếp nối, ngay giữa thời điểm kỷ niệm 10 năm Ngày Doanh nhân Việt Nam đầy thú vị này.
End of content
Không có tin nào tiếp theo