10% người nghiện rượu có biểu hiện về rối loạn tâm thần
Tại cuộc họp báo, ông Lý Trần Tình – Giám đốc Bệnh viện tâm thần Hà Nội cho biết, loạn tâm thần do rượu bia là vấn đề rất nóng cùng với loạn thần do sử dụng ma túy đá. Có khoảng 3% người trưởng thành nghiện rượu, 10% người nghiện rượu có những biểu hiện về rối loạn tâm thần và rượu, bia chính là nguyên nhân là gia tăng số lượng bệnh nhân tâm thần những năm gần đây.
Ở Việt Nam, có đến 80% các lò rượu nấu thủ công ở các hộ dân chưa loại bỏ được độc tố gây tác hại đến sức khỏe và nhân cách con người. Đã đến lúc cần phải bỏ tệ nạn rượu, bia trở thành vấn đề lớn của toàn xã hội.
Ông Tình cũng cho biết 70% người bị mắc bệnh tâm thần đều đi cúng bái trước khi đến bệnh viện sau một thời gian mắc bệnh.
Theo ông La Đức Cương – Giám đốc Bệnh viện tâm thần Trung ương I, người bình thường trong suốt quãng đời có ít nhất một hoặc nhiều biểu hiện của triệu chứng tâm thần như lo âu, trầm cảm, kích thích thần kinh. Việc chê trách người khác thô bạo cũng là một trong những biểu hiện của bệnh tâm thần.
Việt Nam cũng đang phải đối mặt với những khó khăn về nguồn nhân lực, thiếu khoảng 300 bác sĩ tâm thần, hai năm nữa sẽ thiếu khoảng 500 bác sĩ tâm thần và chưa có Luật sức khỏe tâm thần cho bệnh nhân tâm thần.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, trên thế giới có ít nhất 26 triệu người đang sống chung với tâm thần phân liệt. Còn ở Việt nam có khoảng 250 nghìn người mắc bệnh tâm thần phân liệt.
So với người bình thường, người mắc bệnh tâm thần phân liệt tử vong sớm hơn 15-20 năm. Và có đến 76 – 85% người mắc bệnh tâm thần phân liệt không được điều trị trên thế giới, khoảng 5 – 10% bệnh nhân phải tự lo cuộc sống cho bản thân, đối mặt với cảnh sống vô gia cư và các tổ chức tội phạm.
Giáo sư Harry Minas (Đại học Melbourle, Úc), chuyên gia sức khỏe tâm thần quốc tế chia sẻ về những thách thức gặp phải của Việt Nam hiện nay: “Việt Nam cần quan tâm hơn đến vấn đề tâm thần, tuy nhiên cần thêm cam kết đầu tư để cải thiện dịch vụ, đặc biệt là cải thiện hệ thống thông tin sức khỏe tâm thần, nhằm đảm bảo chất lượng lập kế hoạch, giám sát và đánh giá dịch vụ sức khỏe tinh thần ở Việt Nam”.
End of content
Không có tin nào tiếp theo