Quốc tế

10 trọng tâm cần thúc đẩy tại Hội nghị Biển Đông ở Philippines

Theo tờ Nation của Thái Lan, đã đến lúc các nước trong khu vực cần có các biện pháp làm sáng tỏ các tranh chấp tại Biển Đông nhằm tránh để tình hình kéo dài và tiếp tục leo thang, đe dọa hòa bình, ổn định và an ninh trong khu vực.

Trong số ra ngày 26/11, nhật báo Nation  đăng bài bình luận của Termsak Chalermpalanupap, nghiên cứu sinh tại Trung tâm nghiên cứu Đông Nam Á thuộc Học viện ISEAS.

Tác giả bài báo cho biết mới đây Philippines đã nêu sáng kiến mời Trung Quốc và 3 nước ASEAN là Việt Nam, Brunei và Malaysia tham dự cuộc họp quốc tế ở thủ đô Manila vào ngày 12/12, để bàn hướng giải quyết tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông. Tuy nhiên, Bắc Kinh đã chính thức từ chối lời mời, mà không giải thích rõ lý do. Trong khi đó, cả ba nước còn lại đều xác nhận sẽ cử quan chức cấp cao tham dự.

Tại cuộc gặp, các bên sẽ xem xét, thảo luận nhiều khía cạnh liên quan tới tình hình Biển Đông song tựu chung lại, thông điệp lớn nhất mà cuộc gặp đưa ra là: ASEAN sẽ đồng lòng, nhất trí trong mọi việc liên quan đến tình hình Biển Đông. Theo tác giả bài báo, có 10 khía cạnh mà các nước ASEAN cần lưu tâm thúc đẩy trong cuộc gặp tới đây.

Thứ nhất, thúc đẩy thảo luận COC. Theo tác giả bài báo, những vấn đề ở Biển Đông không chỉ liên quan tới các cuộc tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc với 4 quốc gia thành viên ASEAN, mà còn bao gồm các vấn đề khác liên quan tới toàn bộ các nước thành viên trong Hiệp hội. Việc thuyết phục Trung Quốc bắt tay thảo luận một cách chính thức về dự thảo Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) là một ví dụ. Hiện tại, tất cả các nước thành viên ASEAN đều muốn sớm có kế luận về vấn đề COC nhằm khôi phục lòng tin giữa ASEAN với Trung Quốc. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, phía Trung Quốc vẫn chưa sẵn sàng khởi động tiến trình này và cho biết chỉ đàm phán “khi các điều kiện chín muồi". Nhưng thế nào là chín muồi thì lại không nói rõ.

Trong bối cảnh ấy, các nước ASEAN sẽ không có nhiều lựa chọn. Theo tác giả, tất cả 10 nước thành viên cần phải nhanh chóng “nhập cuộc”, thay vì chỉ để mặc vấn đề Biển Đông cho 4 nước có tranh chấp tự giải quyết. Bằng cách này, Hiệp hội sẽ tránh được những lần “mất mặt” tiếp theo sau sự cố tại Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 45 (AMM-45) hồi tháng 7 và Cấp cao ASEAN 21 trung tuần tháng này.

Thứ hai, làm thế nào để DOC hiệu quả hơn. Hiện tại, dù không công khai thừa nhận nhưng tất cả các bên tham gia DOC (gồm 10 nước ASEAN và Trung Quốc) đều tự hiểu rằng văn kiện này không đủ sức nặng để cải thiện, chứ chưa nói đến việc giải quyết các tranh chấp ở biển Đông. Vì thế, bên cạnh DOC, các bên liên quan cần tìm kiếm thêm một cơ chế bổ trợ có thể giúp nâng cao hơn nữa hiệu quả thực hiện DOC, đồng thời đẩy nhanh hơn quá trình thương lượng tiến tới COC.

Thứ ba, cần xác định rõ các vùng có tuyên bố chủ quyền. Tác giả cho rằng hội nghị tới đây ở Manila sẽ là nơi lần đầu tiên 4 nước ASEAN đưa ra những tuyên bố chủ quyền rõ ràng tại Biển Đông, để các bên có thể hình dung bức tranh toàn cảnh về Biển Đông với những “nhát cắt chủ quyền”. Hiện tại, Brunei – Chủ tịch ASEAN năm 2013 - tuyên bố có chủ quyền ở bãi ngầm Louisa và bãi cạn Rifleman. Việt Nam có chủ quyền ở  Trường Sa và Hoàng Sa. Philippines tuyên bố có chủ quyền ở bãi đá ngầm Scarborough (mà Trung Quốc gọi là Hoàng Nham) và Malaysia tuyên bố chủ quyền ở một nửa phía Nam Trường Sa.

Thứ tư, các bên phải xác lập rõ cơ sở tuyên bố chủ quyền. Cũng tại hội nghị, các bên cần đưa ra những chứng cứ pháp lý và lịch sử để chứng minh cho tuyên bố chủ quyền của mình. Trong đó, những chứng cứ lịch sử được xem là một trong những bằng chứng thuyết phục về việc xác lập chủ quyền, bên cạnh các chứng cứ pháp lý khác theo quy định trong Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS).

Thứ năm, các bên cần đi đến thỏa thuận về những nội dung sẽ được đưa ra trong tuyên bố chung. Đây là yêu cầu tối quan trọng tại hội nghị lần này vì nó không chỉ thể  hiện quan điểm đồng thuận của 4 nước thành viên ASEAN đang có tranh chấp với Trung Quốc, mà còn là nền tảng cho việc đạt được đồng thuận trong toàn bộ 10 nước thành viên tại các kỳ hội nghị từ nay về sau. Nội dung đồng thuận bao gồm cả về cơ sở pháp lý, cơ sở kỹ thuật và phương thức giải quyết tranh chấp tại từng điểm, tùy theo tình hình thực tế về mức độ chồng lấn tuyên bố chủ quyền.

Theo UNCLOS, chỉ có các đảo - khu đất được hình thành tự nhiên nổi trên mặt nước, có thể sinh sống hoặc duy trì cuộc sống kinh tế tự túc - mới có quyền tuyên bố là vùng đặc quyền kinh tế (EEZ, lên tới 200 hải lý) hoặc thềm lục địa.

Thứ sáu, giải mã tuyên bố đường “lưỡi bò” chín đoạn của Trung Quốc. Tác giả cho rằng đây là nội dung quan trọng nhất tại hội nghị sắp tới nhằm lý giải nguyên do Bắc Kinh đưa ra yêu sách đường chín đoạn cắt ngang các khu EEZ 200 hải lý của các quốc gia ven biển ở Biển Đông, bao gồm cả đảo Natuna Besar ngoài khơi của Indonesia.

Hiện tại, Trung Quốc vẫn chưa xác định được cơ sở hình thành đường chín đoạn hình chữ U, hay còn gọi là "lưỡi bò", song vẫn ngang nhiên tuyên bố chủ quyền đối với hầu hết (2/3) diện tích trên Biển Đông. Tuyên bố và các hành động tiếp theo của Trung Quốc (như việc thành lập cái gọi là “Hành chính Tam Sa”, in chìm đường “lưỡi bò” trong mẫu hộ chiếu mới, đẩy mạnh các hoạt động xây dựng cơ sở hạ tầng ở Biển Đông và phái lực lượng hải giám ngăn chặn hoạt động của tàu thuyền các nước trong khu vực…) đang gây quan ngại sâu sắc trong khu vực cũng như trên thế giới, nhất là khi việc đảm bảo hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn hàng hải ở Biển Đông là cơ sở quan trọng cho việc thúc đẩy phát triển, hòa bình và thịnh vượng trong khu vực.

Không chỉ 4 nước ASEAN có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, mà toàn bộ các thành viên Hiệp hội và các nước sử dụng các tuyến đường biển quốc tế trên Biển Đông vì mục đích vận tải và thương mại cũng rất lo ngại về hành động “lấn chiếm” nguy hiểm này của Trung Quốc.

Thứ bảy, thảo luận về các hoạt động quân sự trên Biển Đông. Đây cũng là một vấn đề đang gây lo ngại cho tất cả các nước thành viên ASEAN.

Điều gì sẽ diễn ra với các hoạt động quân sự bí mật của các tàu chiến nước ngoài bên ngoài vùng lãnh hải 12 hải lý của các quốc gia ven biển, nhưng nằm trong khu vực đặc quyền kinh tế 200 hải lý?

Hiện tại, hầu hết các nước ở Biển Đông không cho phép tàu chiến nước ngoài được hoạt động quân sự bí mật trong các vùng đặc quyền kinh tế của mình. Tuy nhiên, những nước chưa phê chuẩn UNCLOS, như Mỹ, khẳng định có "quyền tự do hàng hải" bên ngoài vùng lãnh hải của tất cả các nước duyên hải ở Biển Đông. Đây là một vấn đề quan trọng mà các nước ASEAN cần phải tính đến và sớm xây dựng lập trường chung.

Thứ tám, xem xét vai trò của Đài Loan. Đài Loan thuộc lãnh thổ Trung Quốc, nhưng trong vấn đề tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, hòn đảo này lại đang tỏ ra khá độc lập. Hiện tại, Đài Loan đang chiếm đảo Ba Bình lớn nhất ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Trong nhiều năm qua, hòn đảo này đã rất quan tâm với việc xử lý xung đột tiềm tàng ở Biển Đông và đang đẩy mạnh nỗ lực đòi cộng đồng quốc tế công nhận là một bên tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông cũng như muốn được tham dự soạn thảo COC.

Trước thực tế này, các nước ASEAN cần phải xác định rõ không nên coi Đài Loan là một thực thể độc lập, vì điều này cũng hoàn toàn phù hợp với chính sách “một nước Trung Quốc” của Đại lục xưa nay.

Thứ chín, xác lập hướng hợp tác phát triển bền vững ở Biển Đông.  Gác lại tranh chấp chủ quyền để cùng hợp tác phát triển ở Biển Đông đang trở thành nhu cầu bức thiết đối với các nước liên quan. Tuy nhiên, gác lại như thế nào và hợp tác phát triển ra sao phải được các bên bàn thảo rất kỹ. Theo bài báo, ASEAN và Trung Quốc cần tiến tới một thỏa thuận ràng buộc pháp lý có đủ độ tin cậy để đảm bảo cơ sở vững chắc cho việc xây dựng một khu vực hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và không có vũ khí hạt nhân.

Ngoài ra, các bên cũng có thể thành lập các khu vực phát triển chung ở những vùng có tranh chấp chồng lấn ở Biển Đông, trên cơ sở tuân thủ chặt chẽ các thành tố trong DOC, Tuyên bố 6 điểm của ASEAN về Biển Đông và COC mà hai bên  thúc đẩy thảo luận.

Cuối cùng là tìm ra cách tiếp cận mới cho các tranh chấp tại Biển Đông. Tranh chấp sẽ trở nên phức tạp bằng những tuyên bố chồng lấn trong khu vực kinh tế biển, cũng như gia tăng những đòi hỏi về bản chất của từng điểm có tranh chấp chủ quyền.

Trong bối cảnh đó, một giải pháp “cùng thắng” là điều rất khó xảy ra. Vì vậy, điều cấp thiết nhất hiện nay là các bên phải đưa ra được cách tiếp cận mới, suy nghĩ mới nhằm đảm bảo rằng có thể giải quyết hòa bình các tranh chấp và mở ra cơ hội phát triển mới cho khu vực vốn đang được coi là động lực phát triển của kinh tế toàn cầu.

 

Hồng Lĩnh (Theo Dân Trí)

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo