100 ký dưa bằng tiền tô phở, làm sao đây?
Giá dưa tại các ruộng ở Quảng Ngãi đến nay chỉ còn 300-500 đồng/kg. Bán 100kg dưa người trồng chỉ thu được khoảng 30.000 đồng. Vậy mà cũng không bán được, làm sao đây?
Những giải pháp căn cơ nào cần phải thực hiện ngay?
Thiếu sự định hướng cho nông dân?
Ông Trần Xuân Định, phó cục trưởng Cục Trồng trọt Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, phân tích nguyên nhân dẫn đến thực trạng nông sản Việt Nam cái gì cũng bán không được là do nông dân không nắm bắt được thông tin và ít hiểu biết thị trường.
Bên cạnh đó các yếu tố ngoại cảnh không thuận lợi cũng làm ảnh hưởng đến cán cân cung - cầu. Bài toán giải quyết vấn đề này phải là một sự tổng hòa của nhiều yếu tố và lĩnh vực.
Nông dân đang thiếu sự định hướng nên phần lớn họ tự phán đoán thị trường, trồng trọt, dẫn đến những hậu quả đáng tiếc.
Chuyên gia nông nghiệp Nguyễn Lân Hùng thẳng thắn cho rằng tình trạng nông sản Việt Nam phải èo uột tìm đầu ra thì vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước cũng rất mờ nhạt.
Ông cho rằng cần có những hiệp định với nước bạn như Trung Quốc… thì chúng ta mới cụ thể hóa kế hoạch trồng trọt và xuất khẩu.
Hiện nay thị trường bị thả nổi, nông dân liên tục bị ép giá.
Ông Hùng khẳng định trong liên kết của bốn nhà (nhà nước, nhà nông, doanh nghiệp và nhà khoa học) thì vai trò của Nhà nước là cực kỳ quan trọng.
Nhà nước chỉ đạo trong vai trò ký kết, doanh nghiệp thực hiện đúng cam kết, không ép nông dân.
Còn đối với hoạt động xuất khẩu, Nhà nước càng cần có những ký kết với nước bạn chứ không nên để cho doanh nghiệp nước ngoài tự do trong việc mua bán, vì khi đó nông dân Việt Nam hoàn toàn nằm ở thế bị động.
Ông Nguyễn Lân Hùng “ cần phải làm rõ vai trò của nhà nước hơn nữa trong liên kết 4 nhà”.
Thiếu nhạc trưởng, cần có hợp đồng giữa doanh nghiệp và nông dân
Ông Vũ Vĩnh Phú, chuyên gia thương mại, thẳng thắn cho rằng việc dưa hấu hay các mặt hàng nông sản Việt Nam mất giá, ứ đọng trong gần 20 năm nay chưa được giải quyết cơ bản, trước hết là trách nhiệm của các cơ quan chủ quản nhà nước (Bộ NN&PTNT, Bộ Công thương).
Việt Nam đang thiếu đi một nhạc trưởng trong hệ thống phân phối nông sản, chưa có một đề án cụ thể nào, mới chỉ là nói chung chung.
Ông Đào Văn Hồ, giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp Bộ NN&PTNT, cho rằng nếu muốn sản xuất ổn định thì cần có những hợp đồng giữa doanh nghiệp và nông dân trong việc trồng trọt, phân phối để đảm bảo đầu ra và độ đồng đều của sản phẩm xuất đi.
Điều quan trọng là người nông dân cần được trang bị kiến thức nhiều hơn về nông nghiệp, về tiêu thụ và phân phối.
Bên cạnh đó, việc ứng dụng khoa học công nghệ vào trồng trọt để làm gia tăng giá trị sản phẩm cũng cần được chú trọng đúng mức hơn nữa.
Ông Trần Xuân Định cho rằng việc dư thừa nông sản ở Việt Nam đã xảy ra thường xuyên. Nông dân cần phải được tư vấn tính toán và phải hiểu những thông tin thị trường.
Trong nhiều năm gần đây, những bất cập về hạ tầng dẫn đến việc thông quan gây dồn ứ hàng trăm xe qua biên giới vẫn chưa thể giải quyết được.
Chính điều đó cũng làm cho nông sản bị hư hại trước khi xuất qua nước ngoài.
Xe tải xếp kín khu vực cửa khẩu Tân Thanh để chờ được xuất hàng thời điểm tháng 3-2014 - Ảnh: Quang Thế
Một nguyên nhân khác là hiện nay thương nhân Trung Quốc tự thuê đất ở Lào, Campuchia canh tác dưa hấu, tự sản xuất và phục vụ nhu cầu của họ, cũng góp phần làm giảm khả năng tiêu thụ của dưa hấu Việt Nam.
Ông Định nhấn mạnh và chỉ rõ trách nhiệm của Nhà nước, trong đó các cơ quan ban ngành như Bộ Công thương phải có những dự báo cho các địa phương, phải có những kế hoạch cho việc trồng trọt và sản xuất nông sản để tránh tình trạng như hiện tại.
Cần tiêu thụ theo chuỗi
Theo ông Võ Văn Quyền - vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, với mặt hàng dưa hấu nói riêng và nông sản nói chung, Bộ Công thương đã đề ra nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy tiêu thụ, trong đó tập trung vào các nội dung chủ yếu như đàm phán nhằm tìm kiếm, mở rộng thị trường, tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, thúc đẩy xây dựng các kênh phân phối để tiêu thụ sản phẩm cho nông dân...Về lâu dài, ông Quyền cho rằng riêng mặt hàng dưa hấu cần phải được tổ chức sản xuất và tiêu thụ theo chuỗi để bảo đảm sự ổn định và bền vững.Nhà nước sẽ chỉ đóng vai trò xây dựng cơ chế, cung cấp thông tin về thị trường, tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, quy hoạch giống cây con, quy trình trồng, công nghệ sản xuất...
Theo Tuổi Trẻ
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Công bố bộ quy tắc đạo đức, ứng xử nghề nghiệp môi giới bất động sản
Đề xuất cho doanh nghiệp tự quyết giá xăng dầu có tỷ trọng tiêu thụ thấp
Vĩnh Phúc nỗ lực 'xanh' hoá để phát triển bền vững
Bất động sản miền Trung khởi sắc: Đà Nẵng, Quảng Bình dẫn đầu xu hướng tăng trưởng
Thủ tướng: Can thiệp vào hoạt động doanh nghiệp nhà nước sẽ làm méo mó thị trường, cản trở phát triển
Cột tin quảng cáo