Xã hội

12 năm học văn chương để thi nghị luận xã hội?

Các đề thi mở khi xuất hiện thường được ca ngợi, nhưng những người trong nghề đã bắt đầu cảm thấy có vướng mắc với kiểu câu hỏi “thời thượng” này.

Đề mở không mới

Đề thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2012 khối D yêu cầu học sinh bàn luận về “ngưỡng mộ thần tượng là nét đẹp văn hóa, nhưng mê muội thần tượng là thảm họa”. Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT được tổ chức một tháng trước đó, đã có câu hỏi mở trình bày ý kiến về “Thói dối trá là biểu hiện của sự suy thoái về đạo đức trong đời sống xã hội”.
 
Năm 2013 là các câu hỏi mở trong đề văn tốt nghiệp với nội dung về hành động dũng cảm cứu người (hệ THPT), lòng bao dung (hệ GDTX), sự tích cực và tiêu cực của lối sống khôn khéo (đề tuyển sinh khối C), tính cách của người Việt Nam (đề văn khối D)… Những câu hỏi này thường chiếm 3/10 điểm toàn bài.
 
Mặc dù các đề mở này khi xuất hiện thường được ca ngợi, nhưng những người trong nghề đã bắt đầu cảm thấy có chút vướng mắc.
 
“Với những đề văn nghị luận xã hội (NLXH) được chào đón, báo chí cũng xoáy vào, nên nhiều người đồng nhất ra đề mở tức là NLXH.
 
Tuy nhiên, trong loại đề này người ra đề hay sa vào “có ý kiến cho rằng…”, nhưng đây là cách nói rất Việt Nam, nghe hơi nói dựa. Ai nói gì thì cứ đưa thẳng ra, đừng nguỵ trang bằng “có ý kiến”. Điều này cũng thể hiện tâm lý không ai chịu trách nhiệm” – là ý kiến của ông Phan Huy Dũng, khoa Ngữ văn Trường ĐH Sư phạm Vinh.
 
Ông Dũng cũng nhận xét về phần nghị luận văn học (NLVH) thường chịu khống chế ra bài trong chương trình, không Vợ chồng A Phủ thì Rừng xà nu, Vợ nhặt. “Vì vậy mà ra đề rất khổ. Nếu có ra câu hỏi thể loại này, muốn không bị chửi phải ra đề… oái oăm, không xuất phát từ tư duy lành mạnh mà là sự ứng phó. Đến mức ra hai đoạn văn thơ không ăn nhập, liên kết khá tuỳ hứng, núp dưới bóng đề mở”.
 
Ông Hoàng Văn Cẩn, phó hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TPHCM, cho rằng các đề thi mấy năm nay ra nhiều câu NLXH.” Tôi đề nghị đã là môn ngữ văn thì nên chú trọng vào ngữ văn, không nên lấy dữ liệu bên ngoài cóp nhặt vào làm đề thi”.
 
Theo ông Cẩn, cần xem lại việc đưa câu NLXH vào đề thi với tỉ lệ điểm cao như vậy bởi điều này còn đụng tới vấn đề lớn là sách giáo khoa.
 
Đây cũng là lo ngại của cô Trịnh Thị Huệ, giáo viên Trường THPT Lê Hồng Phong TP.HCM. Cô Huệ cho rằng, học sinh sẽ học lệch nếu trong đề thi được chọn một trong hai câu NLXH hoặc NLVH. Học sinh sẽ không chịu học vì khi đi thi có thể chọn câu mở về xã hội để làm bài.
 
Ông Quốc Phong, chủ nhiệm khoa Ngữ văn, ĐH Sư phạm Huế cho rằng ra câu hỏi NLVH hay NLXH cũng được, “nhưng tôi băn khoăn ở chỗ nếu cứ ra đề môn văn câu NLXH thì vài ba năm nữa giáo viên sẽ không biết mình cần dạy cái gì. Theo tôi, đã là bài thi kết tinh kiến thức phổ thông thì nên để phần câu hỏi thiên về văn chương nhiều hơn”.
 
Vài năm nữa đề mở… sẽ chết?
 
Đây là dự đoán của ông Phan Huy Dũng. Theo ông Dũng, kiểu đề mở đã có từ lâu, gặp thầy thông minh, lớp có trò giỏi kiểu đề này đã xuất hiện, nhưng khi đó không gọi là đề mở. Chỉ khi bộ đề xuất hiện, gò các câu hỏi vào chương trình, thành những đề mẫu, thì mới xuất hiện “đề mở”.
 
“Đề mở là khái niệm có tính lịch sử, ít năm nữa sẽ chết. Nhưng không có nghĩa là cách ra đề này sẽ chết. Giống như phong trào “thơ mới” trước đây, mới để phân biệt với thơ “cũ”. Khi đâu đâu cũng là “thơ mới” rồi, thì tự khắc chữ “mới” mất đi.
 
Cũng như vậy, khi đã dạy học theo năng lực học sinh, đề sẽ không còn mở khép gì nữa. Đề là đề, là phương tiện thể hiện, phát huy năng lực của học sinh. Đề mở sẽ không còn được nhắc đến nữa”.
 
Ông Dũng cũng lưu ý rằng, khi “đề là đề”, chúng ta cần lưu ý, một đề thi có thể kiểm tra nhiều hướng, nhiều mục tiêu cụ thể, kiểm tra những kiến thức học sinh cần phải nắm. Khi đó, kể cả câu hỏi đóng vẫn có chỗ đứng trong hệ thống đề mới.
 
Việc đề có mở không xét theo cấu trúc của cả đề thi,chứ không phải từng câu. Câu chỉ là thành phần cấu thành đề. Một câu hỏi chỉ nhằm mục đích kiểm tra một khái niệm, kiến thức vẫn hoàn toàn tốt, không phải tránh.
 
Tính chất mở xét ở hệ thống chứ không phải ở từng câu riêng lẻ của đề”.
 
Ông Chu Văn Sơn, trường ĐH Sư phạm Hà Nội thì nhận định: “Chúng ta xem kiểm tra, đánh giá như cái chốt, kích hoạt để thay đổi cách học. Nhưng nếu hỏi rằng đề mở liệu có làm cho học sinh yêu văn hơn không, hào hứng học văn hơn không, thì tôi không dám chắc. Đề mở đúng là khoa học hơn, nhưng chỉ là một khâu để học sinh yêu văn hơn. Còn muốn cứu môn văn, chúng ta cần lắng nghe ý kiến từ nhiều đối tượng, trong đó có những người quan trọng là học sinh, và cả các phụ huynh”.
Vietnamnet
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo