Thị trường

2013, lạm phát Việt Nam dao động mức 8-10%

Theo chuyên gia ANZ, tỷ lệ lạm phát của Việt Nam có thể sẽ dao động trong khoảng 8-10% trong năm nay. Đến khoảng giữa năm, đà tăng nguy cơ bật trở lại, song sẽ khó có khả năng tốc độ tăng CPI cả năm quay về mức 2 con số như trước.

Ngay sau khi Tổng cục Thống kê công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1 cả nước tăng 1,25% so tháng trước và tăng 7,07% so cùng kỳ, bộ phận nghiên cứu của Ngân hàng ANZ lập tức đã có báo cáo “Quick reaction: - Vietnam’s January inflation edged higher due to upcoming Tet holiday” (Tạm dịch: "Phản ứng nhanh: - Lạm phát tháng 1 của Việt Nam tăng do cận Tết").

Tại báo cáo cập nhật về Việt Nam lần này, ANZ cho hay đà lạm phát tính theo quý (3 tháng so 3 tháng) đã đạt đỉnh và là dấu hiệu về áp lực lạm phát sẽ trở lại trong những tháng tiếp theo.

Cụ thể hơn, giá nhóm hàng lương thực, thực phẩm đã tăng 1,34% so tháng trước, cao hơn hẳn so mức 0,28% thiết lập hồi tháng 12/2011. Mặt hàng may mặc và giày dép, liên quan đến nhu cầu Tết, cũng tăng đột biến so với tháng 12.

Trong khi đó, chi phí y tế tăng vọt lên 7,4% sau khi đã được kiểm soát về mức 0,14% vào tháng 12/2012. Còn lại, những mặt hàng khác trong rổ tính giá tuy tăng song mức tăng không đáng kể.

Dựa vào dữ liệu cập nhật, ANZ cho rằng năm nay, tỷ lệ lạm phát của Việt Nam có thể  sẽ dao động trong khoảng 8-10%. Do trong thời gian vừa qua, chính sách nới lỏng chỉ có tác động nhỏ lên nguồn cung tín dụng và tốc độ tăng trưởng GDP vẫn ở dưới mức tiềm năng 7-8% nên áp lực tăng giá từ lực cầu là không đáng kể.

 

 

 

 

Diễn biến lạm phát Việt Nam từ tháng 1/2010 đến nay.

 



Chuyên gia ANZ cảnh báo, có thể sẽ xuất hiện nguy cơ tăng lạm phát tăng mạnh trở lại vào giữa năm nay, tuy nhiên, đây là những áp lực có thể kiểm soát được. Mặc dù có rủi ro, song lạm phát Việt Nam sẽ khó quay trở lại với tốc độ tăng 2 con số như 2 năm trước đây.

Trên cơ sở đó,  ANZ nhận định, sắp tới Ngân hàng Nhà nước vẫn sẽ tiếp tục thận trọng trong suốt thời gian còn lại của năm. Bởi, các nhà hoạch định chính sách rất lưu tâm đến mục tiêu giữ lạm phát trong tầm kiểm soát.

Hơn nữa, Chính phủ cũng đã nhận thấy, chính sách cắt giảm lãi suất đã bị giảm bớt hiệu quả trong việc thúc đẩy tín dụng chảy vào khu vực tư nhân trong thời điểm hiện nay.

Do vậy, dự kiến năm 2013, Chính phủ sẽ chuyển trọng tâm sang hoạt động tái cơ cấu lĩnh vực ngân hàng cũng như giải quyết nợ xấu. Nếu thực hiện được tái cơ cấu thành công, khu vực ngân hàng sẽ có thể cung cấp tín dụng và hỗ trợ cho tăng trưởng.

 

 

Thảo Nguyên (Theo Dân trí)


 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo