2013 – Năm “đại hạn” của ngành y tế
Nếu nói năm 2013 là “năm của ngành y tế” có lẽ cũng không quá bởi một loạt các vụ việc “động trời” liên tiếp xảy ra gây bức xúc trong dư luận mà trong đó đỉnh điểm là vụ việc của thẩm mỹ viện Cát Tường. Bên cạnh những sự việc tiêu cực đó thì ngành y tế cũng có một vài điểm sáng cần được ghi nhận.
Các sự kiện liên quan đến vắc xin
Đầu tiên là sự kiện nhiều trẻ tử vong sau tiêm vắc xin Quainvaxem (thuộc chương trình Tiêm chủng mở rộng Quốc gia). Sự kiện này bắt đầu xảy ra từ cuối năm 2012 và kéo dài gần như xuyên suốt trong cả năm 2013.
Theo thống kê, tính từ cuối năm 2012 đến tháng 8/2013 đã có 15 trẻ tử vong sau tiêm chủng vắc xin Quinvaxem. Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ Y tế cũng như chương trình tiêm chủng mở rộng đều cho rằng nguyên nhân do vắc xin bị loại trừ.
Trước những dấu hiệu bất thường (số trẻ tử vong sau tiêm tăng cao), vào đầu tháng 5/2013, vắc xin này đã bịtạm ngừng sử dụng để tái kiểm định chất lượng. Kết quả tái kiểm định cho thấy vắc xin “đảm bảo an toàn” nên đã được lưu hành trở lại vào tháng 10/2013.
Sau khi tiêm trở lại, có nhiều trẻ gặp phản ứng, trong đó có trẻ tử vong song Bộ Y tế cho biết nguyên nhân là do trẻ bị suy hô hấp.
Trước thực tế trẻ gặp phản ứng sau tiêm ở mức cao và dù Bộ Y tế lý giải vắc xin Quainvaxem đảm bảo an toàn song nhiều phụ huynh không yên tâm, chuyển con qua tiêm vắc xin dịch vụ.
Trong khi vắc xin dịch vụ trở nên “đắt hàng” hơn trước những sự cố liên quan đến Quinvaxem thì lại xảy ra “scandal” ăn bớt vắc xin ở Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội vào tháng 5/2013.
Cán bộ thực hiện tiêm đã không dùng đủ liều vắc xin cho trẻ khiến gia đình bức xúc. Trước áp lực dư luận, Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội đã cho cán bộ tiêm chủng này thôi việc.
Cũng liên quan đến vấn đề vắc xin, năm 2013 ghi nhận sự kiện “chưa từng có” trong lịch sử tiêm chủng, đó là sự kiện 3 trẻ sơ sinh cùng tử vong sau khi tiêm vắc xin viêm gan B ở bệnh viện đa khoa huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị vào ngày 20/7.
Cho đến thời điểm này, nguyên nhân gây ra sự cố vẫn chưa được cơ quan điều tra công bố chính thức, tuy nhiên nguyên nhân do chất lượng vắc xin được Bộ Y tế loại trừ. Nguyên nhân tử vong ban đầu được nhận định là do “sốc phản vệ”, tuy nhiên sau đó báo chí đã thông tin 3 trẻ này bị tiêm nhầm thuốc gây co bóp tử cung oxyciton.
Vụ Hoài Đức chấn động dư luận
Vào đầu tháng 8/2013, vụ việc “nhân bản kết quả xét nghiệm” để rút ruột BHYT diễn ra tại bệnh viện đa khoa huyện Hoài Đức (Hà Nội) bị phanh phui khiến dư luận bàng hoàng, phẫn nộ.
Sự việc bắt đầu từ đơn tố cáo của chị Hoàng Thị Nguyệt – cán bộ khoa xét nghiệm của bệnh viện này. Theo đó, giám đốc bệnh viện Nguyễn Trí Liêm đã chỉ đạo các nhân viên dưới quyền “nhân bản” một loạt xét nghiệm huyết học của các bệnh nhân để trục lợi.
Kết quả là có rất nhiều bệnh nhân có kết quả xét nghiệm máu giống hệt nhau. Sự việc không gây hậu quả lớn về kinh tế (với số tiền trục lợi được xác định là trên 16 triệu đồng) song về vấn đề đạo đức thì không thể chấp nhận được.
Công an Hà Nội đã vào cuộc điều tra và khởi tố 10 người liên quan đến vụ án này.
Trả trẻ sơ sinh còn sống về lo hậu sự
Cho rằng cháu bé mới sinh nặng 700g đã chết, Bệnh viện đa khoa Quảng Nam đề nghị người nhà đưa về lo hậu sự. Trên đường mang con đi chôn cất, gia đình phát hiện bé vẫn còn thở.
Gia đình sản phụ Lữ Thị Lâm Quy (27 tuổi, trú thôn Khương Mỹ, xã Tam Xuân, huyện Núi Thành, Quảng Nam) bức xúc cho rằng các bác sĩ tại Bệnh viện đa khoa Quảng Nam đã thiếu trách nhiệm khi trả đứa trẻ còn sống để gia đình đưa về nhà chôn cất.
Vụ Cát Tường nóng rẫy dư luận
Trong khi một loạt các vụ việc của ngành y tế năm 2013 chưa kịp lắng xuống thì ngày 22/10, sự việc bác sỹ Nguyễn Mạnh Tường mở phòng khám phẫu thuật thẩm mỹ hoạt động không phép trong thời gian dài gây chết người rồi ném xác bệnh nhân xuống sông Hồng chẳng khác nào giọt nước làm tràn ly.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khi lên tiếng về vụ việc đã cho biết rất “đau đớn, xót xa”, hành vi của bác sỹ Tường đáng bị lên án mạnh mẽ. Nhiều ý kiến cũng cho rằng hành động của bác sỹ Tường đã làm cả ngành y bị sốc, làm vấy bẩn chiếc áo blouse.
Dư luận dõi theo sát sao diễn biến của vụ việc này và cho đến thời điểm này, xác nạn nhân Lê Thị Thanh Huyền vẫn chưa tìm được.
Câu chuyện trách nhiệm của các cấp, Bộ, ban, ngành trong quản lý y tế ngoài công lập một lần nữa được đem ra mổ xẻ. Tưởng chừng như mọi thứ đã được quy định rất rõ ràng nhưng hóa ra việc quy trách nhiệm trong vụ việc này lại rất khó khăn.
Những điểm sáng tích cực
Bên cạnh những tiêu cực bị phanh phui thì năm 2013 cũng ghi nhận những điểm sáng tích cực của ngành y tế.
Đó là sự kiện ca sinh 5 thành công ở bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM). Người mẹ thụ thai bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo bằng cách bơm tinh trùng vào tử cung ở một phòng khám tư nhân.
Tuy không được theo dõi sát sao nhưng rất may mắn, cuối cùng người mẹ này cũng vượt cạn thành công với 5 đứa con khỏe mạnh.
Tiếp đến là sự kiện tách rời cặp song sinh Long – Phụng tại Bệnh viện Nhi Đồng 2, do bác sĩ Trương Quang Định, Phó Giám đốc bệnh viện làm “đạo diễn”.
Vượt qua những khó khăn trong công tác chẩn đoán, các bác sĩ đến từ Viện tim, Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình và Nhi Đồng 2 TP.HCM đã có những thành công bước đầu. Tổng cộng 70 y bác sĩ, 70 trái tim, 70 trí óc đã làm việc hết mình trong gần 10 tiếng đồng hồ, hy vọng đem lại cuộc sống mới cho 2 thiên thần bé nhỏ.
Sự kiện tiếp theo là việc mổ cấp cứu ngay tại nhà bệnh nhân của nhóm bác sỹ Lê Hải Dương (bộ môn Sản, ĐH Y Thái Bình) cùng kíp phẫu thuật (gồm tổng cộng 5 người, đến từ bệnh viện Phụ sản Thái Bình và Bộ môn Sản, ĐH Y Thái Bình).
Bệnh nhân bị mất máu quá nhiều, không thể chuyển tới trạm y tế nên đã được các bác sỹ tiến hành mổ ngay trên bàn uống nước của nhà bệnh nhân với điều kiện kỹ thuật rất hạn hẹp. May mắn cuối cùng bệnh nhân được cứu sống. Bộ trưởng Bộ Y tế đã gửi thưu biểu dương, khen ngợi nhóm bác sỹ đã hết lòng vì người bệnh.
Trong năm 2013, trước một loạt các sự cố lớn, lần đầu tiên Bộ Y tế đẩy mạnh triển khai hoạt động của đường dây nóng trên diện rộng và sâu. Rất nhiều ý kiến của người dân đã được tiếp nhận, xử lý kịp thời làm giảm bức xúc, nâng cao sự hài lòng và chất lượng khám chữa bệnh.
Một sự kiện khác thể hiện quyết tâm siết chặt kỷ luật và xây dựng hình ảnh của ngành y tế là sự kiện bệnh viện Từ Dũ (TP HCM) kỷ luật bác sỹ quát mắng một sản phụ.
Bác sỹ này đã bị kỷ luật bằng hình thức trừ thi đua 3 tháng, không được xét thi đua cuối năm, chuyển vị trí công tác vì trước đó đã có thái độ cáu gắt trong giao tiếp, thiếu giải thích một số thắc mắc về bệnh lý cho một sản phụ tại Quận 8.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định sẽ tiếp tục triển khai các biện phápchấn chỉnh hoạt động chuyên môn, hành nghề y ngoài công lập, y đức, thái độ bác sỹ, … để tiếp tục phục vụ bệnh nhân ngày một tốt hơn.
VietnamNet
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo