2013: Tỷ giá tiếp tục ổn định
Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.Hồ Chí Minh cho biết, tổng huy động vốn của các ngân hàng trên địa bàn năm 2012 ước đạt 973.9000 tỷ đồng, tăng 9% so với cuối năm 2011. Trong đó, huy động vốn bằng VND tăng 13,9%, còn ngoại tệ giảm 6,7%.
Theo phân tích và đánh giá về hoạt động huy động vốn của Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.Hồ Chí Minh, năm 2012, tiền gửi tiết kiệm dân cư tăng trưởng cao. Cụ thể, huy động vốn của các ngân hàng trên địa bàn tăng 13,9%, nhưng nguồn vốn huy động từ dân cư tăng đến 24%.
Tuy nhiên, do chênh lệch giữa lãi suất USD và VND ở mức hấp dẫn, cùng với tỷ giá ổn định và kênh tiền gửi tại ngân hàng an toàn, nên đã thu hút được người dân gửi tiết kiệm tiền đồng. Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.Hồ Chí Minh cho rằng, chính điều này đã làm tăng nguồn cung ngoại tệ ngày càng dồi dào hơn.
Trong khi đó, tín dụng ngoại tệ có chiều hướng giảm mạnh. Tại khu vực TP.Hồ Chí Minh, tăng trưởng dư nợ tín dụng bằng USD năm qua ước giảm 0,6% so với cuối năm 2011, nhưng vốn cho vay bằng tiền đồng của các ngân hàng thương mại trên địa bàn Thành phố lại tăng trưởng 7,6%. Cầu về ngoại tệ của doanh nghiệp nhập khẩu dịp cuối năm được ông Minh cho biết, cũng không có đột biến. Một phần, do nhu cầu nhập khẩu hàng hóa của doanh nghiệp dịp cuối năm nay không tăng mạnh như các năm trước.
Tỷ giá hối đoái trong tầm kiểm soát của Ngân hàng Nhà nước khi cán cân thương mại thặng dư lần đầu tiên trong vòng hơn 10 năm. Cán cân thương mại cân bằng, cùng với chính sách quản lý hiệu quả, đã giúp cho tỷ giá hối đoái duy trì ở mức hiện tại hơn 1 năm qua.
Ngân hàng Nhà nước đưa ra những cam kết mạnh mẽ về ổn định tỷ giá hối đoái, thể hiện quyết tâm của cơ quan điều hành, ổn định tâm lý thị trường và định hình kỳ vọng về tỷ giá của người dân. Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình, định hướng chung của Ngân hàng Nhà nước là tiếp tục giữ ổn định tỷ giá, điều hành có sự linh hoạt, phù hợp với diễn biến thị trường, tình hình cung cầu ngoại tệ, góp phần nâng cao tính cạnh tranh của hàng hóa trong nước, khuyến khích xuất khẩu, giảm nhập siêu, tiếp tục cải thiện cán cân thanh toán quốc tế và tăng dự trữ ngoại hối nhà nước, giữ ổn định giá trị đồng Việt Nam, nhằm hỗ trợ phát triển bền vững và chống đô la hóa nền kinh tế.
Đoàn Huế (Theo Đầu tư)
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Bất động sản miền Trung khởi sắc: Đà Nẵng, Quảng Bình dẫn đầu xu hướng tăng trưởng
Thủ tướng: Can thiệp vào hoạt động doanh nghiệp nhà nước sẽ làm méo mó thị trường, cản trở phát triển
Mắc một loạt sai phạm, Chứng khoán SmartInvest AAS bị phạt gần 1,4 tỷ đồng
Quy mô nền kinh tế Internet Việt Nam năm 2024 ước đạt 36 tỷ USD