Xã hội

2015: xóa xe quá tải - khó khả thi

Để giải quyết tận gốc tình trạng xe chở quá tải, ngoài các biện pháp tăng mức xử phạt nhắm vào doanh nghiệp, cũng cần giải quyết các sự bất cập về hạ tầng, nạn tham nhũng trong các cơ quan thực thi pháp luật.

Kiểm tra tải trọng xe. Ảnh: Anh Quân

 “Không có lý do gì không ngăn được xe quá tải”?

Hồi cuối năm 2014, tại hội nghị sơ kết về kiểm soát tải trọng xe, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Đinh La Thăng khẳng định “năm 2015 sẽ không còn xe quá tải. Không có lý do gì chỉ vì một số nhóm người mà mục tiêu chúng ta không làm được, trong khi nhiều mục tiêu khó hơn chúng ta đều đã làm”.

Khẳng định này của người đứng đầu ngành giao thông đưa ra dựa trên kết quả giảm đáng kể lượng xe chở quá tải sau chín tháng kiểm soát trên cả nước. Trong năm 2014, nhờ thực hiện nhiều biện pháp như đặt trạm cân ở các đầu mối vận chuyển hàng hóa, thực hiện cam kết giữa các cảng, nhà máy, chủ hàng với cơ quan quản lý để ngăn xe quá tải..., tình trạng trên đã giảm. Tuy nhiên, đây mới chỉ là bề nổi, ở nhiều địa phương xe chở quá tải vẫn công khai chạy trên đường, tình trạng móc nối, làm luật, bảo kê xe quá tải, “cò”, môi giới dẫn xe qua trạm vẫn hoành hành.

Thậm chí, có nhiều đoàn xe được gọi là xe “vua” vẫn chở hàng ngang nhiên trên các quốc lộ. Và có cả tình trạng chống đối hoặc lực lượng thực thi công vụ nhận tiền mãi lộ tiếp tay cho xe quá tải vượt trạm cân. Tại hội nghị hồi cuối năm 2014, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã chỉ đích danh những địa phương buông lỏng quản lý để xe quá tải hoành hành mà không thấy lực lượng chức năng xử lý.

Để việc kiểm tra tải trọng xe có hiệu quả, ông Thăng đề nghị các địa phương tiếp tục kiểm soát bằng nhiều biện pháp như trang bị thêm cân xách tay cho thanh tra và cảnh sát giao thông; cân, đo khối lượng hàng từ nơi xếp lên xe; kiểm tra kích thước thùng xe; xử lý đối tượng bảo kê, “cò” dẫn xe vượt trạm cân.

Biện pháp tăng mức xử phạt cũng đã được thực hiện khi Nghị định 107/2014/NĐ-CP, có hiệu lực từ 1-1-2015 tiếp tục tăng mức xử phạt đối với xe chở quá tải. Các mức xử phạt này tăng gấp đôi so với mức xử phạt cũ.

Cần giải quyết bất cập từ hai phía

Qua thực tế có thể thấy những biện pháp thời gian qua Bộ GTVT thực hiện đa phần là nhắm vào doanh nghiệp như tăng mức xử phạt, cảng để xe chở quá tải sẽ bị tạm dừng hoạt động hai tháng... thế nhưng các biện pháp để chấn chỉnh bất cập trong chính ngành giao thông thì không được đề cập và thực hiện.

Đơn cử như không xử lý việc cho nhập các loại xe quá khổ, quá tải, đặc biệt là loại xe chở vật liệu xây dựng mang nhãn hiệu Howo (thường gọi là xe hổ vồ). Đây là loại xe không được phép chạy trên các tuyến quốc lộ ở Trung Quốc nhưng Việt Nam lại cho nhập khẩu rất nhiều. Chính vì vậy mới xảy ra nghịch lý xe cho nhập về cho đăng kiểm, thế nhưng khi chạy ra đường thì lại bị phạt vì chở quá tải.

Khi nhận ra hậu quả phá đường của những chiếc xe này, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã đề xuất Bộ GTVT tạm dừng nhập khẩu loại xe này. Nhưng đến nay chưa có văn bản chính thức nào về việc tạm dừng nhập khẩu loại xe Howo.

Một vấn đề nữa mà đến nay Bộ GTVT cũng chưa giải quyết xong là việc nâng cấp các cầu yếu. Theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp, tình trạng cầu tải trọng thấp ở nhiều tuyến đường chưa được nâng cấp khiến doanh nghiệp thường bị phạt một cách vô lý khi chở đúng tải trọng của xe nhưng chỉ cần đi qua một cầu yếu bị hạn chế tải trọng là bị phạt.

Một doanh nghiệp ở TPHCM (đề nghị không nêu tên) cho biết, hiện nay các tuyến đường quốc lộ từ TPHCM xuống các tỉnh ĐBSCL ít nhất phải đi qua tám cây cầu yếu có tải trọng rất thấp. Lực lượng cảnh sát giao thông các địa phương luôn chốt cách cầu vài trăm mét, chỉ cần xe của doanh nghiệp qua khỏi cầu là lập biên bản phạt do quá tải trọng cầu. Chẳng còn cách nào khác doanh nghiệp đành ngậm ngùi đóng phạt.

Khi các doanh nghiệp đề nghị nâng tải trọng cầu ở các tuyến đường trọng điểm, chính Bộ GTVT cũng đã hứa sẽ thực hiện nhưng cần thời gian vì hiện nay cả nước còn 473 cầu yếu, trong đó có 200 cầu quá yếu, cần phải phá bỏ xây mới; 273 cầu có thể sửa chữa. Tổng kinh phí để xây dựng, sửa chữa 473 cầu trên cả nước là 6.500 tỉ đồng, vì vậy không thể thực hiện trong ngày một ngày hai.

Tại hội nghị doanh nghiệp vận tải với an toàn giao thông diễn ra hồi cuối năm 2014, ông Đinh Nam Dinh, Phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TPHCM, thẳng thắn nhận định, việc chấm dứt xe chở quá tải vào năm 2015 như kế hoạch của Bộ GTVT là không khả thi. Bởi vì hiện nay, việc ký cam kết không chở quá tải giữa các đầu mối vận chuyển hàng hóa như cảng, kho bãi với cơ quan quản lý cũng chỉ là trên giấy. Chừng nào nạn tham nhũng ở lực lượng cân tải trọng xe, sự bất cập của hạ tầng vẫn còn thì khi ấy nạn xe chở quá tải khó mà hết được.

TBKTSG
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo