Thị trường

21.489 doanh nghiệp giải thể

Phó Thủ tướng Chính Phủ - ông Nguyễn Xuân Phúc đã báo cáo đánh giá bổ sung kết quả phát triển kinh tế xã hội năm 2013, tình hình triển khai kế hoạch những tháng đầu năm 2014, trong đó chỉ rõ 6 yếu kém cần phải khắc phục; đáng chú ý trong 4 tháng đầu năm đã có 21.489 doanh nghiệp giải thể.

4 tháng đầu năm 2014, tỷ lệ DN giải thể vẫn tăng cao (Ảnh minh họa).

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, tình hình kinh tế - xã hội vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, chứa đựng nhiều rủi ro. Kinh tế vĩ mô chưa thực sự ổn định vững chắc. Tăng trưởng tín dụng thấp; việc xử lý nợ xấu còn chậm; cơ chế, chính sách xử lý tài sản đảm bảo còn nhiều vướng mắc, bất cập.

Nhiều cơ chế chính sách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh chậm đi vào cuộc sống (như gói hỗ trợ tín dụng nhà ở cho người có thu nhập thấp, hỗ trợ lãi suất đối với tôm, cá tra, tái canh cây cà phê, việc đơn giản hóa thủ tục thuế, hải quan…). Tổng cầu thấp, sức mua vẫn còn yếu; tiêu thụ sản phẩm, nhất là gạo và một số nông sản còn nhiều khó khăn. Nhập khẩu vẫn chủ yếu phụ thuộc vào thị trường châu Á. Sức cạnh tranh của nền kinh tế và doanh nghiệp vẫn thấp. Sản xuất kinh doanh còn khó khăn; số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động còn lớn. Trong 4 tháng đầu năm 2014, có 21.489 doanh nghiệp (DN) giải thể, tạm ngừng hoạt động, tăng 9,4% so với cùng kỳ năm 2013.
 
Thị trường bất động sản phục hồi chậm. Môi trường đầu tư còn nhiều bất cập. Cổ phần hoá DN nhà nước, thoái vốn đầu tư ngoài ngành còn nhiều trở ngại, chưa đạt yêu cầu.
 
Ông Nguyễn Văn Giàu – Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, tính đến hết quý I/2014, số DN đăng ký thành lập mới tăng cả về số lượng và số vốn đăng ký; số DN quay trở lại hoạt động tăng cao (48,9%), nhưng đồng thời số doanh nghiệp gặp khó khăn phải giải thể, ngừng, tạm ngừng hoạt động vẫn tăng 9,6% so với cùng kỳ năm trước.
 
Theo báo cáo chỉ số kinh doanh Việt Nam năm 2013 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam công bố, lòng tin giảm, sự lo ngại về thất bại khi kinh doanh là nguyên nhân khiến tỷ lệ đăng ký khởi sự kinh doanh rất thấp, cho thấy rất cần chính sách hỗ trợ kinh doanh kịp thời, mạnh mẽ hơn.
 
Một số ý kiến lo ngại về việc phát hành trái phiếu Chính phủ quy mô lớn nhưng chủ yếu qua ngân hàng thương mại chiếm 86% tổng nguồn huy động trái phiếu Chính phủ sẽ ảnh hưởng đáng kể đến dòng đầu tư tín dụng vào sản xuất, kinh doanh, tác động tiêu cực đến mặt bằng lãi suất và chi phí vay vốn của DN và một số ý kiến cho rằng đây là một trong những nguyên nhân khó tiếp cận vay vốn tín dụng.
 
Tiến độ giải ngân gói hỗ trợ nhà ở xã hội có tác động thị trường bất động sản (30.000 tỷ đồng) đạt thấp, đến ngày 15/03/2014 mới giải ngân được 1.322 tỷ đồng tương đương khoảng 4,41% cho 3.023 khách hàng.
 
Cũng theo ông Nguyễn Văn Giàu, nhiều ý kiến vẫn cho rằng xu hướng ổn định vĩ mô của nền kinh tế chưa thực sự vững chắc. Tổng cầu nội địa còn yếu, tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2013 chỉ tăng 12,6%; thấp hơn nhiều so với con số trung bình khoảng 20% trong các năm trước năm 2011 và thấp hơn mức tăng 16% của năm 2012. Lượng hàng tồn kho bình quân tiếp tục xu hướng giảm nhẹ xuống còn 73,7% nhưng vẫn cao hơn ngưỡng thông thường các năm khoảng 65%. Số lượng doanh nghiệp phá sản, giải thể, ngừng hoạt động tiếp tục tăng cao so với năm 2012 (tăng 11,9%). Nợ xấu chưa được giải quyết cơ bản; nợ công ngắn hạn đến hạn và quy mô trả nợ ngày càng lớn.
 
Tăng trưởng của khu vực nông nghiệp giảm sút rõ rệt, năm 2013 chỉ còn tăng trưởng 2,67%. Các giải pháp và hệ thống tiêu thụ nông sản phẩm chưa thật sự căn cơ, chưa tạo sự yên tâm cho người dân.
 
Cán cân thương mại mặc dù cải thiện tích cực nhưng nhiều ý kiến cho rằng, xuất khẩu tăng trưởng chủ yếu từ khối doanh nghiệp FDI, tỷ lệ nhập khẩu về nguyên, vật liệu lớn để gia công sản xuất cho thấy sự phụ thuộc vào thị trường cung cấp nước ngoài. Giá và lượng xuất khẩu của nhiều mặt hàng nông sản phẩm chủ lực như gạo, cà phê, cao su, cá tra, cá ba sa sụt giảm, công nghiệp hỗ trợ trong nước phát triển quá chậm, chưa tận dụng và khai thác hết các cơ hội.
 
Nhiều ý kiến cho rằng cần đánh giá thực chất hơn thực trạng của nền kinh tế qua diễn biến sản xuất và đời sống cũng như tính khách quan số liệu của các báo cáo, một số ý kiến băn khoăn về công tác dự báo, công tác thống kê và đánh giá tình hình tiếp tục bộc lộ hạn chế. Một số chỉ tiêu quan trọng như cán cân thương mại, thu ngân sách, tăng trưởng dư nợ tín dụng thông tin độ chính xác chưa cao, điều chỉnh nhiều lần và có khác biệt khá lớn giữa các lần báo cáo, công bố thông tin. Quá trình tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng dù được xác định là nhiệm vụ ưu tiên nhưng kết quả triển khai chưa có chuyển biến mạnh mẽ. 
 
Nguyễn Hoàng
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo