25/11: Dừng huy động vàng và nỗi lo thanh khoản
Nhìn lại diễn biến lãi suất trong thời gian gần đây thì dường như khuyến cáo này đang rất đáng lưu ý. Cuộc đua lãi suất mới bắt đầu Theo phản ánh của nhiều phương tiện thông tin đại chúng, gần đây các ngân hàng lớn, thuộc "nhóm 1" theo xếp loại của Ngân hàng nhà nước nước cũng bắt đầu gọi điện thoại để tiếp thị người gửi tiền với lãi suất cao hơn trần quy định.
Nhiều ngân hàng lớn cũng đang chào mời gửi tiền kỳ hạn 1 tháng, lãi suất 11,5-12%/năm với điều kiện số tiền gửi từ 2-3 tỉ đồng. Với số tiền nhỏ hơn, người gửi tiền vẫn có cơ hội nhận lãi suất cao nếu gửi theo chương trình tiết kiệm linh hoạt. Ngân hàng cũng hướng dẫn khách hàng tách làm nhiều sổ tiết kiệm để đề phòng trường hợp có nhu cầu rút tiền đột xuất có thể linh hoạt rút một phần tiền mà không bị giảm số tiền lãi.
Lý do được hầu hết các ngân hàng đưa ra là do hiện đang bắt đầu bước vào "vụ" kinh doanh, ngân hàng phải chuẩn bị nguồn vốn cho các nhu cầu cuối năm. Nhưng trên thực tế, tăng trưởng tín dụng vẫn ở mức thấp, khoảng 2,34% trong 9 tháng, và thanh khoản dồi dào của các ngân hàng như hiện nay thì cuộc đua không phải quá gay gắt. Chính vì thế, nhiều chuyên gia tài chính đã cho rằng Thông tư 22/2010/TT - NHNN quy định về huy động và cho vay vốn bằng vàng của tổ chức tín dụng mới chính là nguyên nhân khiến các ngân hàng bắt đầu cuộc đua lãi suất mới, nhằm chuẩn bị thanh khoản sau ngày 25/11 khi Thông tư này có hiệu lực.
Mặc dù, đến nay vẫn chưa có một thống kê nào về tổng số lượng vàng các ngân hàng đã huy động và chưa ngân hàng nào công khai tỷ trọng của nguồn vốn vàng trong cơ cấu vốn của mình. Nhưng chắc chắn con số này là không hề nhỏ. Bởi lẽ, trước kia đã có nhiều ngân hàng huy động vàng với lãi suất thấp, rồi bán đi lấy tiền VND về cho vay với lãi suất cao. Nay phải dừng huy động vàng, có nghĩa là những ngân hàng này đã thiếu đi một nguồn vốn lớn, đó là chưa tính đến nhiều ngân hàng đang có trạng thái vàng âm do lượng bán và mua thời gian trước đây chưa được bổ sung cho cân bằng.
Thị trường chờ đợi hướng dẫn rõ ràng từ phía Ngân hàng nhà nước Ông Nguyễn Đức Độ - Viện Khoa học Tài chính cho rằng, ngay cả khi nhu cầu vay vốn của các doanh nghiệp trong năm nay không mạnh như những năm trước, thì nhu cầu huy động tiền để đáo nợ, làm đẹp báo cáo tài chính cũng không hề nhỏ, khi mà quy mô nợ xấu đang ở mức cao Nhưng ông Độ cũng nhấn mạnh, Thông tư 22/2010/TT - NHNN ra đời đúng vào lúc lạm phát tăng cao, Ngân hàng nhà nước buộc phải thắt chặt tiền tệ, thanh khoản của các ngân hàng trở nên căng thẳng.
Vào thời điểm hiện nay, mặc dù tình hình thanh khoản của các ngân hàng có khá hơn, nhưng vấn đề nợ xấu vẫn chưa được giải quyết và các tổ chức tín dụng vẫn chưa thể giảm mạnh sự phụ thuộc của mình vào việc huy động vàng. Việc buộc các ngân hàng dừng huy động vàng và tất toán cho khách hàng, vì thế sẽ ảnh hưởng đến thanh khoản của hệ thống ngân hàng, bởi không phải tất cả những người đang gửi vàng tại ngân hàng sẽ chuyển đổi vàng sang tiền mặt để gửi trở lại vào hệ thống các tổ chức tín dụng. Vì lãi suất huy động vàng không cao. Điều đó có nghĩa là những người giữ vàng kỳ vọng chủ yếu vào sự tăng giá của vàng trong tương lai.
Với việc Fed, ECB đang đẩy mạnh nới lỏng tiền tệ, đồng thời những bất ổn địa chính trị tại Trung Đông vẫn chưa giảm, kỳ vọng này không phải là không có cơ sở - Ông Độ nói. Còn Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia thì nhấn mạnh, ngày 25/11 đang đến gần nhưng thị trường chưa có thông tin về chính sách cụ thể sẽ xử lý những vấn đề liên quan tới vàng sau thời điểm đó như thế nào. "Tình hình này đã đẩy một số Ngân hàng Thương mại trước đây có thế mạnh ở mảng huy động và cho vay vàng vào thế khó tất toán dư nợ vàng. Thậm chí tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay vốn bằng vàng của các Ngân hàng Thương mại chiếm tỷ lệ không nhỏ.
Nếu thời điểm này chấm dứt huy động vàng sẽ khiến một số nhà băng khó khăn về thanh khoản vàng". Cơ quan này khuyến cáo, Ngân hàng nhà nước cần nghiên cứu những tác động có thể phát sinh sau ngày 25/11/2012 khi các Ngân hàng Thương mại chấm dứt hoạt động cho vay, huy động vàng. Đặc biệt, Ngân hàng nhà nươc cần sớm công bố chính sách liên quan đến quyền và lợi ích của người dân cũng như của các chủ thể trong nền kinh tế liên quan đến vàng bao gồm: quyền và điều kiện huy động vàng trong xã hội hoặc giữ hộ vàng cho dân; chuyển nhượng, mua bán; cơ chế xuất nhập khẩu vàng và cơ chế đảm bảo liên thông giá vàng trong nước và quốc tế...
Có như vậy thì một mặt bằng lãi suất huy động mới cao hơn hiện nay mới không được hình thành sau ngày 25/11 tới đây. "Nếu không thì khó khăn về giá vốn và khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp sẽ còn hơn hiện nay rất nhiều" - Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia quan ngại.
Hồng Lĩnh (Theo TTVN)
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 24/1/2025: Tiếp tục tăng
Giá nông sản ngày 24/1/2025: Cà phê và hồ tiêu tiếp tục tăng mạnh
TP Hồ Chí Minh: Gần 1.000 sản phẩm OCOP quy tụ tại phiên chợ 'Tết xanh - Quà Việt'
Tỷ giá hôm nay 24/1: Giá ngoại tệ ghi nhận xu hướng trái ngược
Một mặt hàng xuất sang Philippines tăng mạnh, đạt 2,6 tỷ USD
Lợi nhuận trước thuế FPT Retail vượt kế hoạch năm 2024