26 tỉ đồng trong tài khoản NH VPBank biến mất: “Đem con bỏ chợ, sống chết mặc bay”
Hơn 11 tỷ đồng biến mất chứ không phải 26 tỉ đồng?
Theo phản ánh của bà Trần Thị Thanh Xuân, Giám đốc Công ty Quang Huân (trụ sở tại Củ Chi, TP. HCM, ngành nghề mua bán nông sản) đến cơ quan báo chí, vào cuối tháng 3/2015, Công ty Quang Huân đã mở tài khoản tại Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank). Sau đó không lâu, Công ty này đã thanh toán tiền hàng vào tài khoản này khoảng 26 tỷ đồng.
Khoảng tháng 7, bà Xuân đi rút tiền thì “hoảng hồn” khi phát hiện 26 tỷ đồng trong tài khoản đã “bốc hơi” một cách khó hiểu. Trước sự “lạ” này, bà đến kiểm tra tài khoản thì nhân viên ngân hàng VPBank nói bà phải làm thủ tục đổi chữ ký. Nguyên nhân cho rằng, chữ ký giao dịch trước đây không “ăn khớp” với chữ ký của bà.
Sau khi xem xét các bản sao kê tài khoản, bà Xuân càng khó hiểu hơn khi số tiền trong tài khoản của Công ty được “luân chuyển” liên tục. Không những thế, bà Xuân chưa mua séc thì việc ký séc, chi séc vẫn diễn ra. Kỳ lạ nữa, việc mua séc thực hiện giao dịch tài khoản lại là Đoàn Thị Thúy Hằng - Nhân viên Ngân hàng VPBank, cùng ông Nguyễn Huy Nhựt (chồng bà Hằng), Đỗ Đình Bảo và Phạm Văn Trinh (kế toán Công ty Quang Huân).
Cũng theo trả lời của bà Xuân, tiền vào tài khoản của bà đến đâu thì Nguyễn Huy Nhựt, Đỗ Đình Bảo và Phạm Văn Trinh lại “dùng séc do chính nhân viên ngân hàng Đoàn Thị Thúy Hằng mua để rút tiền mặt hoặc chuyển vào Công ty Thanh Tâm do vợ Phạm Văn Trinh đứng tên”.
Ngoài ra, việc đăng ký thông báo giao dịch Mobile Banking vào số điện thoại cá nhân, cũng như trong sao kê cho biết, ngân hàng thu phí Mobile Banking, nhưng không hiểu sao, bà lại không nhận được tin nhắn thông báo từ các giao dịch đã nói trên. Như vậy, việc thông báo của bà Xuân đến cơ quan báo chí rõ ràng rằng, bà đã mất không 26 tỷ đồng trong tài khoản mà bà không hề hay biết.
Trong khi đó, tại công văn mới gửi đến Doanh nghiệp Việt Nam liên quan đến vụ việc lại cho biết: “Ngày 19/10/2015, VPBank đã nhận được đơn tố cáo của cá nhân bà Trần Thị Thanh Xuân liên quan đến các vấn đề mở, sử dụng tài khoản của Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Quang Huân (Công ty Quang Huân).
Nội dung tố cáo của bà Xuân cho rằng ông Phạm Văn Trinh (kế toán Công ty Quang Huân) và một số cán bộ, nhân viên của VPBank câu kết, thông đồng làm thiệt hại của Công ty Quang Huân số tiền là 11.300.000.000 VND”.
Như vậy, theo VPBank, số tiền bị mất mà bà Xuân báo với Ngân hàng này là 11.300.000.000 đồng (11 tỷ 3 trăm triệu đồng chẵn) chứ không phải 26 tỷ đồng như các báo đề cập. Liệu có sự mâu thuẫn gì ở đây trong việc khai báo với VPBank trước đó và với báo chí sau này của bà Xuân? Hay VPBank lại chơi “chiêu trò” sự cố trên?
“Lỗ hổng” đầu tiên từ phía ngân hàng VPBank
Được biết, sau khi sự việc xảy ra, vào tháng 7/2015, bà Xuân bắt đầu cuộc hành trình khiếu nại đến các cơ quan chức năng, nhưng đến nay, sự việc vẫn chưa đi đến đâu. Trong khi đó, đại diện VPBank “thoái thác trách nhiệm với lý do nhân viên mua séc của ngân hàng đã nghỉ việc, hồ sơ đã chuyển cho công an điều tra, chỉ có công an mới có quyền mời nhân viên đó lên làm việc, chứ với nhân viên nghỉ việc thì ngân hàng không có quyền mời!”, báo Sài Gòn Giải Phóng đưa tin.
Tờ báo này xác nhận: bộ hồ sơ đăng ký mở tài khoản có chữ ký ghi tên Trần Thị Thanh Xuân (Giám đốc Công ty Quang Huân) nhưng thật ra chữ ký đó là của Phạm Văn Trinh - một trong số những người tham gia rút tiền. Trong hồ sơ, tất cả chữ viết đều không phải là chữ viết của bà Xuân. Bà Xuân cho rằng đó là hồ sơ giả do nhân viên ngân hàng Thúy Hằng cùng chồng và Phạm Văn Trinh câu kết giả hồ sơ và con dấu công ty của bà.
Bà cũng cung cấp các chữ ký và chữ viết trước đây Phạm Văn Trinh ký tại các phòng công chứng, cơ quan thuế để đối chiếu thì đúng đó là chữ ký và chữ viết của Trinh nhưng lại ghi tên giám đốc Xuân. Dù phía ngân hàng cho chúng tôi xem hồ sơ, nhưng tất cả đều là bản photo, chữ viết kê khai theo các mẫu của ngân hàng không phải của Giám đốc Xuân (chủ tài khoản). Ngay trong các hợp đồng được ký trực tiếp của Công ty Quang Huân với Giám đốc chi nhánh Ngân hàng VPBank cũng được ký chữ ký của Phạm Văn Trinh.
Ngoài ra, trong công văn gửi cho Doanh nghiệp Việt Nam, VPBank khẳng định: Ngày 28/03/2015, trên cơ sở Đơn mở tài khoản, mẫu dấu, chữ ký của Chủ tài khoản và các hồ sơ, tài liệu kèm theo của Công ty Quang Huân gửi tới VPBank theo đúng qui định của pháp luật và VPBank, VPBank đã thực hiện mở tài khoản thanh toán cho Cty Quang Huân.
Sau khi mở tài khoản trên, Công ty Quang Huân đã sử dụng số tài khoản này để thực hiện giao dịch, bao gồm giao dịch do đối tác chuyển tiền đến, giao dịch chuyển tiền thanh toán cho đối tác. Qua kiểm tra, đối chiếu các chứng từ giao dịch tài khoản của Công ty Quang Huân, VPBank nhận thấy các chứng từ chuyển khoản, rút tiền, mua séc… đều được thực hiện ký, đóng dấu bởi đại diện theo pháp luật của Công ty Quang Huân với chữ ký, con dấu khớp đúng với chữ ký, con dấu được đăng ký mẫu với VPBank tại đơn đăng ký mở tài khoản của Công ty Quang Huân.
Như vậy, VPBank đã xác nhận rằng, trong thời gian qua (đến khi sự việc được phát hiện), có chuyện tài khoản của bà Trần Thị Thanh Xuân – Chủ tài khoản/Người đại diện pháp luật Công ty Quang Huân có giao dịch “rút, chuyển” tiền, nhưng ngân hàng này lại không cho biết, số tiền từng đợt “rút, chuyển” là bao nhiêu, cũng như tính đến lúc bà Xuân phát hiện và phản hồi với ngân hàng, thì tổng số tiền bị rút đi là bao nhiêu.
Phía VPBank chỉ căn cứ vào đơn của bà Xuân để xác nhận số tiền bị thiệt hại là 11.300.000.000 đồng mà không căn cứ vào quy trình làm việc của ngân hàng đối với tài khoản trên để xác minh; trong khi đó, bà Xuân lại thông tin trên báo chí, số tiền bị “bốc hơi” là 26 tỷ đồng. Trong công văn, không thấy VPBank thanh minh về vấn đề mâu thuẫn này.
Việc VPBank cho rằng, ngân hàng này không có quyền mời nhân viên của mình đã nghỉ việc là Đoàn Thị Thúy Hằng đứng ra giải quyết vụ việc liên quan là thiếu trách nhiệm; bởi chí ít, cựu nhân viên ngân hàng này có dính líu quá sâu trong vụ việc được tố cáo với số tiền không hề nhỏ. Cũng như, một trong những “mắt xích” quan trọng của vụ việc đến từ Đoàn Thị Thúy Hằng.
Trong khi đó, theo tờ Tuổi trẻ đăng tải bài liên quan đến vụ việc lúc 8h06 ngày 26/8/2016, ông Phạm Quang Trinh thừa nhận, chữ ký trên bộ hồ sơ mở tài khoản cho Công ty Quang Huân tại VPBank là của mình, nhưng là do bà Xuân nhờ. “Bà Xuân nói tôi ký tạm rồi ngày hôm sau sẽ làm thủ tục đổi chữ ký lại. Nhưng hôm sau khi tôi lấy giấy tờ từ ngân hàng (NH) về để làm thủ tục đổi chữ ký lại, bà Xuân đổi ý nói thôi để chữ ký của tôi vì tôi thường xuyên đi giao dịch NH, cứ để như vậy để khi nào cần rút nộp tài khoản thì dễ thực hiện”.
Điều này có nghĩa là, trong vụ việc trên ít nhiều có liên quan đến ông Phạm Quang Trinh - nguyên kế toán Công ty Quang Huân, bởi chính ông này là người đã sử dụng chữ ký của mình để mở tài khoản cho Công ty Quang Huân. Vậy thì, ông này phải có giấy ủy quyền của Công ty Quang Huân (mà bà Xuân là người đại diện), và phía VPBank phải thực hiện sự nhắc nhở này đối với ông Trinh, và để chắc chắn hơn nữa thì phải liên hệ đến bà Xuân. Đó là một “lỗ hổng” không hề nhỏ, và khó lấp được.
“Đem con bỏ chợ, sống chết mặc bay”
Hơn nữa, theo phản ánh của bà Xuân, ông Trinh lại tự ký tên bà trong tờ séc khi thực hiện giao dịch. Điều này chẳng lẽ lại không khiến cho nhân viên ngân hàng VPBank ngạc nhiên khi để cho ông Trinh thực hiện giao dịch trong thời gian qua?
Không những thế, dù thế nào đi nữa, thì vụ việc trên là vụ việc trực tiếp giữa VPBank và bà Xuân, thì hai bên này nắm rõ hơn ai hết, đặc biệt là VPBank. Nhưng lạ thay, trong công văn, VPBank lại nhận thấy “đây là vụ việc có dấu hiệu hình sự và rất cần cơ quan điều tra vào cuộc xác minh, làm rõ.
Khi đó sẽ sáng tỏ được các nghi vấn về chữ ký chủ tài khoản, con dấu Công ty Quang Huân sử dụng để đăng ký mở tài khoản và thực hiện các giao dịch mở tài khoản, trên séc, chứng từ giao dịch… cũng như việc nhận SMS liên quan đến giao dịch tài khoản… Hiện tại, theo VPBank được biết thì PC46 - Công an Thành phố Hồ Chí Minh đang trực tiếp điều tra, xác minh làm rõ vụ việc”.
Điều này có lẽ sẽ khiến cho nhiều khách hàng của ngân hàng này cảm thấy thất vọng rằng, nếu chẳng may khi xảy ra sự cố, chính họ lại là người bị bỏ rơi, còn VPBank lại cứ chơi kiểu “đem con bỏ chợ, sống chết mặc bay”, để công an vào cuộc đợi đến khi nào điều tra xong hẵng hay. Vậy thì xin hỏi, nếu sự việc không biết khi nào công an điều tra xong, thì những khách hàng của họ sẽ “đi về đâu”, trong khi “tiền mất, còn tật thì mang”. Và sự thật như thế nào thì VPBank có lẽ là phía nắm rõ hơn cả.
Doanh nghiệp Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin về vấn đề này…
End of content
Không có tin nào tiếp theo