Xã hội

3.000 lao động ngành giao thông thiếu việc làm

Theo báo cáo của công đoàn Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), chỉ tính riêng 98 doanh nghiệp ngành giao thông đã có 3.166 người thiếu việc làm. Tính đến hết tháng 6-2013, tổng số nợ tiền lương của người lao động hơn 160 tỉ đồng, nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế... 255 tỉ đồng.

Trong bối cảnh nhiều dự án bị cắt giảm đầu tư, để bố trí đủ việc làm cho người lao động đang là bài toán khó cho các doanh nghiệp xây dựng cầu, đường ngành giao thông

Nguyên nhân của tình trạng thiếu việc làm, nợ lương là do các công trình đã thi công xong mà chưa được thanh toán và nhiều công trình bị đình hoãn, giãn tiến độ. Theo thống kê của Bộ GTVT, hiện nay có hơn 200 công trình chậm thanh toán với số vốn trên 2.000 tỉ đồng và gần 100 công trình bị đình hoãn, giãn tiến độ.

Tính đến hết tháng 6-2013, tổng số nợ tiền lương của người lao động hơn 160 tỉ đồng, tổng số nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế… 255 tỉ đồng. Hiện nay nhiều đơn vị ngành giao thông nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế từ 12 đến 52 tháng.

Theo ông Cấn Hồng Lai, Tổng giám đốc Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 1 (Cienco1), số vốn của doanh nghiệp nằm ở khối lượng các công trình đình hoãn và các công trình chưa được thanh toán quá lớn. Đối với doanh nghiệp có vốn nhà nước lại phải gánh trách nhiệm an sinh xã hội, đảm bảo luật lao động, không phải không có việc là cắt giảm lao động được ngay như doanh nghiệp tư nhân.

Ông Lai cho rằng, để giải quyết khó khăn trước mắt cho doanh nghiệp cần phải giải quyết nợ tồn đọng để doanh nghiệp trả nợ ngân hàng, đối tác và trả lương người lao động.

Trước tình trạng nợ đọng vẫn còn nhiều tại các dự án, mới đây, Bộ GTVT đã ra chỉ thị yêu cầu, chủ đầu tư hoặc ban quản lý dự án ngành giao thông có từ 3 dự án trở lên lập báo cáo quyết toán chậm hơn 6 tháng sẽ không được giao dự án mới. Còn người đứng đầu ban quản lý dự án hoặc chủ đầu tư sẽ bị xử lý trách nhiệm cá nhân.

Tương tự, đối với Tổng cục đường bộ Việt Nam và cục trưởng các cục quản lý chuyên ngành nếu không hoàn thành kế hoạch thẩm tra, phê duyệt quyết toán vốn đầu tư dự án đã hoàn thành để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt thì cũng bị xử lý trách nhiệm cá nhân người đứng đầu.

Theo đánh giá của Bộ GTVT, việc lập báo cáo quyết toán của chủ đầu tư, ban quản lý dự án còn chậm, vẫn còn nhiều sai sót, một số dự án giá trị trình duyệt quyết toán vượt tổng mức đầu tư. Công tác thẩm tra, phê duyệt báo cáo quyết toán của cấp có thẩm quyền còn chậm, nhất là Tổng Cục đường bộ Việt Nam và các cục quản lý chuyên ngành.

Việc chậm quyết toán đã dẫn đến tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản kéo dài, nhiều công trình đã đưa vào sử dụng như cầu Thanh Trì, cầu Vĩnh Tuy, đường vành đai 3 Hà Nội…song cho đến nay vẫn chưa được quyết toán xong.

Theo TBKTSG
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo