Xã hội

3.000 tỷ đồng hỗ trợ gia đình sinh con gái một bề: Tốn tiền, vô ích?

Tổng cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) đã đưa ra Đề án giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2013-2020, trong đó có đề án nhỏ hỗ trợ kinh tế gia đình sinh con gái một bề với số tiền khoảng 3.000 tỷ đồng.

(antđ) Đề án đã được Tổng cục trình Thủ tướng xem xét và hiện đang được lấy ý kiến của các bộ, ngành. Song điều khiến dư luận lo ngại là số tiền đó có đến được tay những đối tượng được hỗ trợ và việc hỗ trợ bằng tiền có đủ để làm giảm mất cân bằng giới tính hay không? Nhiều người còn cho rằng, 3 nghìn tỷ, chứ 30 nghìn tỷ thì cũng chỉ như muối bỏ biển mà không đạt hiệu quả gì, thậm chí còn khắc sâu thêm sự bất bình đẳng giới tính.

Giảm mất cân bằng giới tính như điều chỉnh giá xăng dầu

Tiến sĩ Dương Quốc Trọng - Tổng cục trưởng Tổng cục dân số (Bộ Y tế) cho biết: Đây là một trong những giải pháp đưa ra nhằm thực hiện giảm mất cân bằng giới tính khi sinh.


Tuy nhiên TS Dương Quốc Trọng cho rằng đây chỉ là giải pháp tình thế. Ông ví việc giảm mất cân bằng giới tính như việc điều hành giá xăng dầu: “Cũng tương tự như giá dầu thế giới tăng, để ổn định giá dầu trong nước, Nhà nước hạ thuế suất xuống còn bằng không, nhưng khi giá dầu ổn định, mức thuế này trở lại bình thường. Vì thế mới nói đây là giải pháp tình thế trong giai đoạn này. Đến lúc nào đó, khi việc sinh con trai và con gái cân bằng thì không còn cần giải pháp này”. Ông Trọng cũng cho rằng đây là một đề án mang tính nhân văn và hy vọng đề án sẽ được phê duyệt để có thể đưa vào áp dụng ngay từ năm 2013 và nếu được thực hiện, cũng cần đến 15 - 20 năm thực hiện mới mang lại hiệu quả.

Tác động về kinh tế không có ý nghĩa


Song vấn đề người dân quan tâm nhất là liệu giải pháp này có hiệu quả. 3.000 tỷ đồng là một con số không nhỏ trong tình hình kinh tế khó khăn như hiện nay, nhưng nếu được sử dụng không hiệu quả sẽ gây ra lãng phí lớn.

 

 

 

GS, TS Nguyễn Đình Cử

 

GS, TS Nguyễn Đình Cử - Viện trưởng Viện Dân số và các vấn đề xã hội cho rằng biện pháp này rất khó hiệu quả.  Giáo sư Nguyễn Đình Cử cũng đưa ra những minh chứng từ các nước láng giềng chẳng hạn như Trung Quốc cũng từng thưởng tiền cho những gia đình chỉ sinh con gái nhưng hiện nay Trung Quốc vẫn đứng đầu thế giới về mất cân bằng giới tính và tỷ lệ nam hơn nữ cao nhất thế giới.

 Viện trưởng Viện Dân số và các vấn đề xã hội cũng cho rằng những đối tượng tác động theo đề án là những người “khát” con trai, hoặc phải chịu những áp lực sinh con trai nên hỗ trợ về kinh tế không có ý nghĩa. Với những gia đình nhất quyết phải sinh được con trai thì hỗ trợ bao nhiêu cũng là không đủ, mà đây là đối tượng chính gây ra sự mất cân bằng giới tính khi sinh. Thêm vào đó, theo một thống kê, những gia đình giàu có có tỉ lệ sinh con trai nhiều hơn những gia đình nghèo. Như vậy tác động về mặt kinh tế không có ý nghĩa.

Bên cạnh đó, việc đề án đưa ra chính sách hỗ trợ cho các gia đình sinh con gái một bề cũng đã vô tình tạo ra sự không công bằng. Chẳng hạn một gia đình hoàn toàn không lựa chọn giới tính, chấp hành nghiêm chỉnh chính sách pháp luật, sinh tự nhiên có trai có gái thì không được tiền, còn gia đình cũng sinh tự nhiên như vậy nhưng có 2 con gái thì được thưởng tiền. Như vậy là không công bằng. Một điều nữa là nhiều khi, chính những hỗ trợ không đáng bao nhiêu nhưng  lại có thể gây tác dụng ngược nếu làm không khéo. Khi đó sẽ trở thành  lý do khiến những người sinh hai con gái trở thành chủ đề bị đàm tiếu, trêu chọc. Hiện tượng thiếu văn hóa, phi nhân văn này, đáng tiếc lại vẫn thường xảy ra.

Không những thế, cũng cần phải tính đến tính khả thi nếu thực hiện chính sách. Nếu một gia đình sinh hai con gái được nhận hỗ trợ, tiền thưởng, nhưng một thời gian sau đó, gia đình này lại sinh thêm con thì sẽ xử lý như thế nào với các hỗ trợ, tiền thưởng đã dành cho họ? Ngân sách Nhà nước sẽ tốn một nguồn kinh phí không nhỏ nhưng vô ích, không đạt được hiệu quả tích cực như mong muốn.  Chính sách này không những không làm giảm mất cân bằng giới tính mà sẽ gián tiếp khắc sâu thêm sự bất bình đẳng, trọng nam khinh nữ trong xã hội.

Ước tính cả năm 2012, tỉ số giới tính khi sinh là 112,3 bé trai/100 bé gái. Đã có hàng loạt các giải pháp đưa ra nhưng dường như vẫn không hiệu quả. Theo dự báo, 20-30 năm nữa, Việt Nam sẽ “dư thừa” từ 2,3-4,3 triệu nam giới.

 

 

Việt Anh

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo