Xã hội

3.750 con heo bị tiêm thuốc an thần: Xuất hiện lỗ hổng quản lý?

Tồn dư thuốc Combistress an thần trong thịt heo sẽ làm cho người ăn phải mắc các bệnh như thận, tiêu hóa, thần kinh…

Khoảng 3.750 con heo bị tiêm thuốc Combistress, một loại thuốc an thần nhằm làm cho heo không căng thẳng và ngủ, để hạn chế heo chết, bị thương trong quá trình vận chuyển, theo tin tức trên báo VOV. 

Hàng ngàn con heo nằm la liệt sau tiêm thuốc tại lò mổ Xuyên Á (Ảnh công an cung cấp)

Điều đáng nói là phần lớn số heo này được đeo vòng truy xuất nguồn gốc. Từ vấn đề này, bài toán đặt ra cho công tác quản lý trong việc kiểm soát nguồn thịt heo cũng như việc sử dụng thuốc an thần, liệu có lỗ hổng nào trong công tác quản lý?

Thuốc này còn làm cho thịt heo sau khi giết mổ sẽ săn chắc, đỏ tươi, nhìn bắt mắt. Tồn dư thuốc Combistress trong thịt heo sẽ làm cho người ăn phải mắc các bệnh như thận, tiêu hóa, thần kinh…

Phải “mật phục” hơn 1 tháng, lực lượng chức năng mới bắt quả tang được các công nhân đang tiêm thuốc an thần vào thịt heo. Xuyên Á là cơ sở giết mổ quy mô lớn nhất TP.HCM với mỗi đêm làm thịt khoảng 5.000 con heo, chiếm hơn 50% tổng lượng heo giết mổ của thành phố. Thế nhưng, trong một thời gian dài, sự việc này không được phát hiện cho đến khi thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vào cuộc.

Bác sĩ Trần Văn Ký, Hội Khoa học kỹ thuật an toàn thực phẩm Việt Nam cho rằng: cơ quan quản lý giám sát giết mổ tồn tại, cán bộ thú y vẫn thực hiện chức năng, nhiệm vụ nhưng hành vi tiêm thuốc an thần bị cấm lại diễn ra một cách dễ dàng với quy mô lớn chưa từng có. Điều đó cho thấy sự buông lỏng trong công tác quản lý, quản lý một cách không hiệu quả, hoặc có sự tiếp tay cho các đối tượng vi phạm.  

Bác sĩ Ký cho rằng: “Từ khâu vận chuyển gia súc gia cầm trên đường đi cho tới lò giết mổ hoàn toàn chúng ta không kiểm soát được. Ngành thú y, nông nghiệp TPHCM phải xem xét lại cách quản lý để heo từ lúc nuôi đến lúc xuất chuồng, vào lò mổ phải kiểm soát được, như hiện nay chúng ta không kiểm soát được”.  

 

Theo ông Huỳnh Tấn Phát, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP.HCM, mỗi khi xe chở heo sống từ các tỉnh đưa vào cơ sở giết mổ Xuyên Á thì nhân viên thú y xé niêm phong và kiểm tra lâm sàng. Khi heo không có vấn đề nghi vấn mới được cho vào các ô chuồng. 

Thời điểm lùa heo vào ô chuồng chính là lúc các đối tượng thường lợi dụng để tiêm thuốc an thần cho heo. Còn với khâu kiểm tra hành chính, tất cả heo nhập về phải có giấy chứng nhận kiểm dịch và kê khai nguồn gốc.

Ông Phát nói: “Khâu kiểm soát giết mổ sẽ thực hiện theo quy trình, cách khám theo quy định tại Thông tư 07 của Bộ NN&PTNT. Cán bộ thú y có cách khám thân thịt, hạch bạch huyết theo quy định, những phần thịt, ngũ tạng có dấu hiệu bệnh tật, chấn thương phải loại bỏ và tiêu hủy”.

Cũng theo ông Phát, sau sự việc này, Chi cục Thú y TP.HCM sẽ rà soát và điều chỉnh quy trình kiểm tra trước khi đưa heo giết mổ, yêu cầu chủ cơ sở giết mổ buộc chủ heo làm cam kết không tiêm thuốc an thần, nếu vi phạm thì ngừng hợp đồng giết mổ.

 Ngày 2/10, theo thông tin từ Ban Quản lý An toàn thực phẩm (ATTP) TP.HCM, đơn vị này vừa có văn bản đề xuất, tham mưu UBND TP.HCM về việc tiêu hủy 3.750 con heo bị tiêm thuốc an thần phát hiện tại lò mổ Xuyên Á (huyện Củ Chi) mà không đợi nuôi nhốt bài trừ thuốc, theo báo Người tiêu dùng. 

 

Theo đó, toàn bộ chi phí tiêu hủy sẽ do các thương lái có hành vi tiêm thuốc vào heo chi trả. Bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý ATTP TP.HCM, cho biết, việc tiêu hủy nhằm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm của thành phố, đồng thời, là một hình thức răn đe đối với các hành vi vi phạm pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Bên cạnh đó, Ban Quản lý ATTP TP.HCM cũng đề xuất công khai danh tính 13 thương lái vi phạm, có các hình thức xử lý kịp thời.

Đối với cơ sở giết mổ Xuyên Á, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất UBND TP.HCM tạm thời đình chỉ hoạt động giết mổ tại cơ sở này để điều tra, làm rõ một số vấn đề. Theo bà Lan, tạm ngưng hoạt động của lò mổ Xuyên Á là việc làm cần thiết, mặc dù nó có thể gây ảnh hưởng đến việc cung ứng thịt heo cho người dân TP.HCM.

Liên quan đến vụ việc, trước đó, 17 cán bộ Chi cục Thú y huyện Củ Chi đã phải viết tường trình, trong đó có lãnh đạo trạm thú y Củ Chi. Theo đó, trong hơn một tháng, các trinh sát mật phục theo dõi có thể đã phát hiện nhân viên thú y tiếp tay, nhận tiền từ các thương lái để bỏ qua sai phạm.

Nên đọc
Trân Châu (Tổng hợp theo báo VOV, Người tiêu dùng)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo