3 bảo vật trong phủ Hòa Thân, có 1 thứ hoàng đế đời sau không ai dám đụng tới
Trong thời kỳ làm chủ Trung Hoa, vương triều Đại Thanh từng có lúc đạt tới đỉnh cao vào giai đoạn Khang – Càn thịnh thế đã suy vong, lụn bại vì bế quan tỏa cảng.
Mặc dù sự diệt vong của vương triều này đã kết thúc thời kỳ thống trị của các triều đại phong kiến tại Trung Quốc, nhưng vẫn lưu lại không ít giai thoại để hậu thế đời sau luận bàn.
Nói về các nhân vật nổi tiếng dưới thời nhà Thanh, không thể không nhắc tới Hòa Thân – sủng thần được Càn Long hết mực ưu ái.
Dù cho danh tiếng của vị quan này lưu lại không mấy tốt đẹp, nhưng những câu chuyện về ông vẫn luôn là chủ đề được người đời quan tâm.
Nổi tiếng về độ giàu có nhờ những chiêu trò hốt bạc từ thiên hạ, Hòa Thân từng cất giấu không ít trân kỳ, dị bảo. Trong số đó, quý giá hơn cả chính là ba bảo vật dưới đây.
Kiến trúc mô phỏng Viên Minh Viên
Hòa Thân được nhắc tới như đại tham quan giàu có bậc nhất trong lịch sử Trung Hoa với tài sản nhiều không đếm xuể. Dưới thời kỳ trị vì của Càn Long, nhân vật này được Hoàng đế coi như "hòm tiết kiệm" của mình và nhiều lần mắt nhắm mắt mở bỏ qua các sai phạm của ông ta.
Thời bấy giờ, dân gian có lưu truyền câu nói về mức độ giàu có của tham quan này: "Thứ gì Càn Long có, Hòa Thân chắc chắn sẽ có. Nhưng thứ Càn Long không có, chưa chắc Hòa Thân đã không có."
Nhắc tới những trân kỳ, dị bảo trong bộ sưu tập tiền tài của vị quan họ Hòa, không thể bỏ qua công trình kiến trúc độc đáo trong phủ Hòa Thân.
Vào thời đại ấy, công trình Viên Minh Viên được ví như đỉnh cao của nghệ thuật kiến trúc với quy mô to lớn, thiết kế xảo diệu, kỹ thuật xây dựng vô cùng công phu, thậm chí còn được ví như kỳ quan.
Hòa Thân cũng muốn xây dựng một nơi như vậy, nhưng lại sợ thiên hạ gièm pha, nên chỉ có thể bắt chước mô phỏng cổng Tây Dương của Viên Minh Viên trong phủ đệ.
Tương truyền rằng, cửa này thiết kế y đúc như cửa ở Viên Minh Viên, chỉ sửa lại một chút tỷ lệ để tránh hiềm nghi.
Trải qua nhiều binh biến loạn lạc, Viên Minh Viên đã bị liên quân tám nước phá hủy khi đánh vào kinh thành. May mắn thay, tác phẩm kiến trúc trong phủ Hòa Thân vẫn còn nguyên trạng và được hậu thế xem như "quốc bảo".
Sân khấu xem kinh kịch "ăn đứt" hoàng cung
Dưới thời nhà Thanh, khoa học kỹ thuật chưa phát triển, nghệ thuật dân gian vẫn chiếm ưu thế. Khi đó, dù là hoàng gia hay trăm họ, phương thức tiêu khiển chủ yếu vẫn là xem hí kịch.
Vốn là một người yêu thích hí kịch, Hòa Thân đã thiết kế một sân khấu riêng để nghe hát ngay trong phủ của mình.
Sân khấu trong phủ họ Hòa không chỉ có quy mô lớn, bài trí trang trọng, mà còn đặc biệt thiết kế 8 chậu nước lớn chôn ở phía dưới để tiếng hát của diễn viên được vang và trong hơn.
Sân khấu nghe hí kịch của Hòa Thân có thể coi là thiết kế độc nhất vô nhị thời bấy giờ, thậm chí so với sân khấu trong Cố cung còn lớn hơn.
Bia chữ Phúc được cất giấu ở nơi có long mạch
Bên cạnh những kiến trúc độc đáo vô giá, Hòa Thân còn cất giấu trong biệt phủ của mình một bảo vật trấn trạch mà không ai dám đụng đến. Đó chính là tấm bia chữ Phúc do chính Khang Hy đế ngự bút.
Khang Hy vốn là một bậc thầy về thư pháp, nhưng lại rất ít khi đề chữ. Năm xưa, có lần Hiếu Trang thái hoàng thái hậu bệnh nặng, có người hiến kế cho Hoàng đế lập đàn cầu phúc.
Khang Hy làm theo các này, trai giới 3 ngày, sau đó ngự bút viết một chữ Phúc, chữ này sau đó được tạo tác lên bia đá.
Nhờ phương pháp cổ xưa ấy, Hiếu Trang quả nhiên khỏi bệnh, thậm chí tuổi thọ sau này còn dài hơn so với Khang Hy. Chữ Phúc trên tấm bia kia cũng được coi là "đệ nhất thiên hạ".
Sau này, không rõ nhờ cách gì mà Hòa Thân đem được tấm bia quý giá ấy về biệt phủ của mình. Để giữ làm của riêng, tham quan họ Hòa đã đem nó đặt vào một cái động bí mật nằm ngay trên long mạch của Đại Thanh.
Do tấm bia ấy có liên quan trực tiếp tới long mạch vương triều, nên ngay tới Hoàng đế cũng không dám động đến.
Cho tới khi Gia Khánh lên ngôi, phủ Hòa Thân bị điều tra, tấm bia kia mới được phát hiện. Nhưng nhà vua cũng không dám thu hồi, chỉ có thể niêm phong cửa động, không cho ai bén mảng tới.
Sau này, các chuyên gia được phái tới phủ Hòa Thân tiến hành tu sửa và bất ngờ phát hiện ra cửa động, tấm bia đề chữ Phúc kia mới một lần nữa có cơ hội được thấy ánh mặt trời.
Có giai thoại còn truyền lại rằng, Hòa Thân năm xưa sở dĩ có thể bình an vô sự, vơ vét của cải suốt một thời gian dài là nhờ vào tấm bia "có phúc" ấy.
End of content
Không có tin nào tiếp theo