Quốc tế

3 Hoàng đế chung tình trong sử sách Trung Quốc: Vị vua thứ hai suốt đời chỉ yêu và lấy một người phụ nữ duy nhất

Trước giờ vẫn thế, đã là vua thì hay đa tình. Thế nhưng dưới triều Minh lại xuất hiện 3 ông vua mà cả đời chỉ lập duy nhất một hoàng hậu, thậm chí có vị vua chỉ lấy duy nhất một người, không nạp thêm thê thiếp. Ba vị vua đó chính là Minh Thái Tổ, Minh Hiếu Tông và Minh Anh Tông.

1. Minh Thái Tổ

Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương là vị vua khai quốc của vương triều nhà Minh. Ông nổi tiếng là vị vua có tính tình cương liệt, quyết đoán và được hậu thế xem là một trong những vị vua vĩ đại nhất trong lịch sử Trung Quốc nhờ những công lao ông để lại cho hậu thế. Vị vua này còn nổi tiếng nhờ tấm lòng son sắt, chung thủy với người vợ tào khang của mình; khi bà còn sống ông hết lòng trân quý, khi bà ra đi ông không để bất cứ một ai thay thế vị trí của bà nữa.

Người đàn bà mà cả đời Minh Thái Tổ yêu thương chính là Mã Hoàng hậu. Tên thật của bà chưa bao giờ được hậu thế xác nhận mà trong dân gian hay gọi bà với cái tên Đại Cước Hoàng hậu. Mã Hoàng hậu được gả cho Minh Thái Tổ khi ngài lúc đó mới chỉ là một thanh niên hàn vi. Thế rồi trong suốt quá trình ông gây dựng nghiệp lớn, lập nên nhà Minh, lúc nào cũng thấy bóng dáng bà ở hậu phương một lòng hỗ trợ trượng phu.

Cả đời Minh Thái Tổ chỉ có một Hoàng hậu duy nhất. Ảnh minh hoạ.

Sinh thời, Hoàng hậu là một người hết mực giản dị. Thậm chí khi đã ở ngôi Hoàng hậu cao quý, bà không hề xa hoa hưởng lạc mà luôn sống giản dị để nêu gương cho hậu cung. Bà cũng là một người đức độ, sáng suốt; đối với những hành động không phù hợp của Hoàng đế thì luôn lên tiếng khuyên nhủ, can gián. Vì thế, giữa hai người không chỉ có tình phu thê mà còn là sự tôn trọng lẫn nhau.3

Mã Hoàng hậu nổi tiếng là người hiền đức, khoan dung, giản dị, tiết kiệm.

Đối với hậu phi, Mã Hoàng hậu không hề tỏ ra cay nghiệt, chèn ép mà ngược lại rất chăm lo, quan tâm. Bà nổi tiếng với quy tắc "Khoan với người, nghiêm với mình", tức là khoan dung, độ lượng với người khác còn với bản thân thì luôn luôn nghiêm khắc. Vì thế mà trong suốt cuộc đời, bà đã duy trì thành công một hậu cung trật tự, ấm êm, ngăn cản việc hậu cung, ngoại thích can dự vào triều chính. 

Không những thế, bà còn rất chú tâm dạy bảo, chăm sóc các hoàng tử và công chúa, khuyên nhủ các con sống giản dị và chăm chỉ đọc sách. 
Tiếc thay, Mã Hoàng hậu bệnh nặng rồi nhanh chóng ra đi vào năm 51 tuổi. Sử sách ghi chép lại rằng, Minh Thái Tổ đã vô cùng đau đớn, bi ai. Từ đó trở đi, ông không hề lập thêm một vị hoàng hậu nào khác, một lòng tưởng niệm Mã Hoàng hậu cho đến cuối đời.

2. Minh Hiếu Tông

Minh Hiếu Tông là vị vua thứ 10 của triều đại nhà Minh; ông được xem là một trong những vị Hoàng đế đáng khen của triều Minh khi đã cải cách đất nước thành công và xử lý tình trạng hoạn quan chuyên quyền của các đời vua trước. Ông nổi tiếng là một vị vua hiếu thuận với cha mẹ, còn là một trượng phu hết mực chung tình với thê tử.

 

Điều đặc biệt của vị vua này là trong suốt một đời, ông chỉ có duy nhất một người vợ - Hiếu Thành Kính Hoàng hậu Trương thị. Bà trở thành thê tử của ông vào năm 1487, trong đợt tuyển phi cho Hiếu Tông lúc đó vẫn còn là Hoàng thái tử. Từ đó cho đến ngày lên ngôi, Hiếu Tông không hề nạp thêm phi thiếp nào nữa. 

Minh Hiếu Tông, vị vua thứ 10 của triều đại nhà Minh vừa là người con có hiếu vừa là người chồng chung thủy. Ảnh minh hoạ.

Hai người sống với nhau hòa thuận, đối đãi chân tình không khác gì những cặp phu thê khác trong dân gian. Trong triều không phải không xuất hiện quan lại dâng tấu chương cầu khẩn nhà vua nạp phi, khai chi tán diệp cho hoàng thất; thế nhưng nhà vua đều thẳng thắn khước từ và chỉ chung thủy với mình Trương Hoàng hậu.

Đế - Hậu sống với nhau cuộc đời hạnh phúc như vậy mãi cho đến khi nhà vua qua đời và con trai của hai người lên nối ngôi, trở thành Minh Vũ Tông. Trương Hoàng hậu, có lẽ vì quá đau buồn nên cũng nhanh chóng ra đi sau đó vài năm. Sự son sắt, thủy chung của Minh Hiếu Tông với thê tử được dân gian hết lời ca ngợi và là nguồn cảm hứng cho biết bao thế hệ sau này. 

Trương Hoàng hậu là hoàng hậu hiếm hoi sống theo chế độ "một vợ một chồng". Ảnh minh hoạ.

3. Minh Anh Tông

Hiếm có vị vua nào mà ở ngôi vua, sau đó trở thành Thái Thượng Hoàng mà rồi lại quay về vị trí Hoàng đế. Vua Minh Anh Tông của triều Minh chính là vị vua có số phận đặc biệt như vậy; và chính vì thế mà Hoàng hậu của ông, Hiếu Trang Duệ Hoàng hậu cũng là vị hoàng hậu đa truân bậc nhất lịch sử. 

 

Tiền Hoàng hậu một lòng chờ Minh Anh Tông quay về. Ảnh minh hoạ.

Hiếu Trang Duệ Hoàng hậu mang họ Tiền, nhập cung sau kỳ tuyển tú cho tân Hoàng đế và nhanh chóng được phong làm Hoàng hậu. Bà làm hoàng hậu cho đến khi sự kiện Thổ Mộc bảo xảy ra, Hoàng đế Minh Anh Tông bị quân Mông Cổ bắt đi. Trượng phu không rõ tung tích, triều đình tôn tân đế lên ngôi, Tiền Hoàng hậu rơi vào tình cảnh vô cùng khó khăn. 

Một bề lo lắng cho an nguy của chồng, một bề vất vả tìm đường sống khiến sức khỏe của bà nhanh chóng giảm sút, dẫn tới bệnh mù loà và liệt một chân. Sau này, khi Minh Anh Tông trở về và được tôn thành Thái Thượng Hoàng, bà lại dọn đến ở cùng chồng ở Nam Cung, tiếp tục trải qua thêm 8 năm gian khó. 

Phu thê hoàng đế trải qua nhiều năm gian khổ, rốt cục khổ tận cam lai. Ảnh minh hoạ.

Phải cho đến khi Minh Anh Tông lấy lại ngôi vị, trở thành Hoàng đế một lần nữa thì Tiền Hoàng hậu mới khôi phục lại cuộc sống yên ổn. Dù lúc này đã bị mù và bị liệt nhưng bà vẫn được giữ nguyên ngôi vị Hoàng hậu và nhà vua đối xử với bà đầy yêu thương, trân trọng.

Thế nhưng, niềm vui chẳng được bao lâu. Năm Thiên Thuận thứ 8, Minh Anh Tông qua đời. Tiền Hoàng hậu do quá đau buồn và nhớ thương ông, cũng ra đi vào năm Thành Hóa thứ 14.

Nên đọc
Theo Trí thức trẻ
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo